Những lớp học ý nghĩa
Việc mở lớp học “xoá mù chữ” cho bà con đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa rất thiết thực. Bởi việc mở lớp xóa mù chữ giúp cho bà con chưa được đi học hoặc chưa hoàn thành chương trình tiểu học được học tập lại để biết đến những con chữ, những phép tính căn bản nhất. Giúp họ thuận lợi hơn trong trong giao tiếp, cũng như biết áp dụng tiến bộ khoa học vào canh tác sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Chị Dương Thị Bắc (SN: 1968) xóm Bầu 1, xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho biết dù tuổi đã ngoài 50 tuổi nhưng chị Bắc vẫn chưa thành thạo tiếng Việt, việc tính toán đối với chị hoàn toàn nhờ bà con xóm giềng hỗ trợ, tháng 9 năm nay, huyện Đại Từ mở lớp “xoá mù chữ” mức 1, 2 cho người dân, nhận được thông tin tuyên truyền từ địa phương, chị Bắc đã quyết tâm vượt khó, tham gia lớp học với mong muốn sau khi hoàn thành lớp học xóa mù chữ này, cuộc sống của chị sẽ bước sang "một trang mới".
Cũng giống như chị Bắc, việc cầm bút viết chữ đối với anh Nguyễn Văn Vỹ (SN: 1974) xóm Tiên Hội, xã Tiên Hội, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên khó khăn hơn nhiều so với việc làm thuê làm mướn, hay làm ruộng. Tuy nhiên, được sự quan tâm, động viên từ chính quyền địa phương, thôn xóm và gia đình, anh Vỹ đã tham gia lớp "xóa mù chữ" do phòng GD&ĐT huyện Đại Từ tổ chức.
Anh Vỹ cho biết: Gia đình thuộc hộ nghèo, thu nhập rất thấp, lại không biết đọc biết viết nên cuộc sống lại càng khó khăn hơn. Nếu biết đọc, biết viết, tôi sẽ tự tính toán, đọc tin tức cũng như có thể dạy con học, tự tin khi tham gia các hoạt động của làng xã.
Ông Phan Tuấn - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đại Từ động viên các học viên tham gia lớp học "xoá mù chữ" tại địa phương. |
Luôn tạo điều kiện tốt nhất cho học viên
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn huyện Đại Từ, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã phối hợp rà soát, thống kê, lập danh sách những người mù chữ ở trên địa bàn và tuyên truyền tới từng gia đình để động viên học viên, tạo điều kiện tốt nhất để họ tham gia lớp học thường xuyên và có hiệu quả.
Khi người dân biết chữ họ sẽ có thêm kiến thức, dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với các thông tin xã hội và các dịch vụ cơ bản khác, vì vậy, xóa mù chữ là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và có tác động lớn đến sự thành công của chương trình giảm nghèo bền vững cũng như chương trình MTQG về Nông thôn mới.
Theo kết quả điều tra năm 2022 về người mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 trên địa bàn huyện Đại Từ, số người mù chữ mức độ 1 còn 6/126.600 người chiếm tỉ lệ 0,005%. Số người mù chữ mức độ 2 còn 21/126.600 người chiếm tỉ lệ 0,017%. Người mù chữ thuộc 5 xã An Khánh (4 người), Tân Linh (2 người), Văn Yên (7 người), Tiên Hội (4 người) và Phú Lạc (4 người).
Căn cứ tình hình thực tế về số người mù chữ trên địa bàn, Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục và xoá mù chữ huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, thống kê nhu cầu, xây dựng kế hoạch để tổ chức các lớp học, các lớp bồi dưỡng cho các đối tượng trong độ tuổi xóa mù chữ đạt chuẩn theo quy định, thực hiện chương trình phù hợp để đảm bảo tỷ lệ hoàn thành chương trình. Ban chỉ đạo đã chỉ đạo các địa phương khảo sát thống kê nhu cầu và vận động người mù chữ tham gia các lớp xóa mù chữ trên địa bàn.
Trong năm nay, huyện dự kiến tổ chức 5 lớp xóa mù chữ tại 5 xã có người mù chữ, các lớp được đặt tại Trung tâm học tập cộng đồng của các xã. Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị trường tiểu học, các trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn trên địa bàn huy động cán bộ, giáo viên tham gia dạy học khi người học có nhu cầu. Phân công cán bộ giáo viên theo dõi thực hiện công tác xóa mù chữ trên địa bàn. Mỗi địa bàn xóm, tổ, xã thị trấn đều có người theo dõi công tác xóa mù chữ. Đây là những hoạt động thiết thực để góp phần triển khai thành công Tiểu dự án 1 Dự án 5 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.