Điều đáng nói ở đây là khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, khẳng định sự việc có thật và hướng xử lý sẽ là xin lỗi, trả lại tiền cho người dân và vụ việc coi như... xong!
Có thể nói người nông dân là những người hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống, lao động. Một nắng hai sương làm ra được đồng tiền. Năm nào được mùa thì mới có chút ấm no, mất mùa là đói kém. Nhà nước ta đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, miễn giảm thuế, phí nhằm giúp nông dân thoát khỏi cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, đặc biệt là cấp xã, thôn lại “đẻ” ra hàng chục loại phí và biến tướng thành các khoản “đóng góp tự nguyện” nhưng người dân không đóng... không xong. Việc gánh quá nhiều khoản đóng góp đã làm cho đời sống người dân nông thôn vốn đã khó khăn lại càng thêm khốn khó.
Thuế, phí, lệ phí là nguồn thu không thể thiếu của bất cứ quốc gia nào để chi cho hoạt động của bộ máy Nhà nước, cho phát triển đất nước và là công cụ để điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư... Tuy vậy, các khoản thuế, phí, lệ phí cùng với các khoản đóng góp khác hiện nay quá nhiều, vượt quá sức chịu đựng của người dân, nhất là người nghèo.
Theo ý kiến các chuyên gia chúng ta đã thu thuế lên đến khoảng 32% GDP, trong khi với một quốc gia có thu nhập như Việt Nam thì chỉ nên thu 18% GDP để khoan sức dân và có lợi nhuận để tái đầu tư.
Vấn đề đặt ra là tình trạng lạm thu đã xảy ra trong thời gian dài nhưng lại không được giải quyết triệt để, dứt điểm? Việc lạm thu, tùy tiện áp đặt các loại “phí”, “lệ phí” vô lý vẫn diễn ra ở nhiều địa phương?
Thông thường thì khi phát hiện các vụ sai phạm, lạm thu, cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, nếu có thì yêu cầu rút kinh nghiệm, khiển trách và các cá nhân, tổ chức liên quan... xin lỗi, trả lại tiền!
Và như thế một thời gian sau lại xảy ra lạm thu, lại vào cuộc, xác minh yêu cầu... Điệp khúc “rút kinh nghiệm”, “xin lỗi” trả lại tiền luôn được vận dụng để che đậy, lấp liếm sai trái, vi phạm pháp luật. Đây là nguyên nhân chính làm cho cán bộ “nhờn” luật, coi thường pháp luật.
Do đó, cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức tự ý đặt ra các loại thuế, phí trái quy định. Không để xảy ra tình trạng thu phí sai: Xin lỗi, trả lại tiền... lặp đi, lặp lại như hiện nay. Điều này không những lấy lại niềm tin của người dân đối với cơ quan Nhà nước mà còn xử lý triệt để, dứt điểm những “con sâu làm rầu nồi canh” và nhằm răn đe, phòng ngừa về sau.