Đưa vật nuôi lên sân khấu xiếc

GD&TĐ - Chương trình xiếc mới “Cuộc phiêu lưu của chú Tễu”, dành cho thiếu nhi, nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 có rất nhiều tiết mục đặc sắc. Trong đó, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã đưa những con vật nuôi lên sân khấu để tạo sức hút với khán giả. Đây chính là sự đổi mới trên lộ trình dần đưa xiếc thú dữ ra khỏi chương trình biểu diễn.

Các diễn viên lợn đáng yêu
Các diễn viên lợn đáng yêu

Thú nuôi thay thú hoang dã

Chuyến chu du bay vào vũ trụ của chú Tễu thông minh, học giỏi và đam mê bộ môn khoa học sẽ dẫn khán giả tới những câu chuyện liên quan đến vấn đề ô nhiễm không khí trên các hành tinh, nơi thủy cung sâu thẳm dưới đáy đại dương, đến những cánh rừng xanh trải rộng ngút ngàn. Từ chuyện ô nhiễm không khí tới các vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa, lâm tặc phá rừng... với những pha giao chiến sẽ được biểu đạt ngoạn mục bằng ngôn ngữ của xiếc.

“Cuộc phiêu lưu của chú Tễu” được đầu tư hệ thống âm thanh ánh sáng, sân khấu hiện đại, một màn hình led 1.000 inch với gần 60 nghệ sĩ trẻ đã đoạt nhiều giải thưởng cao tại các kỳ liên hoan xiếc quốc tế tại Monaco, Tây Ban Nha, Nga, Pháp, Italia... Song điều đặc biệt nhất của chương trình là sự xuất hiện của các diễn viên là các con vật nuôi quen thuộc trong đời sống hàng ngày như trâu, gà, mèo, lợn...

Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam Tống Toàn Thắng cho biết, khi đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với sự cạnh tranh với nhiều loại hình nghệ thuật và giải trí khác, xiếc Việt phải đối mặt với những thách thức rất lớn, trong đó xiếc thú phải chịu sức ép nhiều nhất. Các hội, hiệp hội bảo vệ động vật kiến nghị cấm biểu diễn xiếc thú, trọng tâm là các loài động vật hoang dã theo như công ước đã ký kết. Để phù hợp với thời cuộc, Liên đoàn đã bắt đầu chuyển hướng đầu tư từ các tiết mục xiếc thú sử dụng động vật hoang dã như voi, ngựa, gấu… biểu diễn sang những loài động vật là vật nuôi, gần gũi với con người như lợn, chó, mèo, vẹt, đà điểu…

Nổi tiếng với danh hiệu “vua xiếc trăn”, NSƯT Tống Toàn Thắng không ngừng tìm tòi sáng tạo để bắt nhịp với xu hướng mới. Bên cạnh các tiết mục xiếc trăn bao năm tâm huyết và dày công gây dựng, anh bắt đầu huấn luyện những con vịt thành bạn diễn của mình.

Theo NSND Tạ Duy Ánh - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, việc chuyển đổi từ vật nuôi sang động vật hoang dã cần có lộ trình vì hiện tại Liên đoàn xiếc có hơn 40 nhân sự huấn luyện các loại động vật hoang dã, không thể dừng ngay vì còn phải bố trí công việc mới cho người lao động. Liên đoàn hiện chỉ còn 1 con voi, mấy con gấu. “Chúng tôi sẽ chuyển đổi dần, nếu con thú hoang dã đã già thì sẽ chuyển đến những nơi nuôi dưỡng mới, còn người nuôi dạy thú dần dần thay đổi sang nuôi dạy, huấn luyện các loại thú khác”.

Nghệ sĩ Nguyễn Đức Tài cùng hai bạn diễn của mình
  • Nghệ sĩ Nguyễn Đức Tài cùng hai bạn diễn của mình

Để thành công cùng bạn diễn

Có thâm niên 15 năm công tác ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam, sau nhiều năm biểu diễn xiếc người với những màn leo cột, đánh vòng, đu dây anh Nguyễn Đức Tài chuyển sang biểu diễn xiếc thú. Năm 2017, anh bắt đầu huấn luyện các chú khỉ và hiện nay huấn luyện 3 con trâu và 2 con lạc đà. Kể về công việc “ăn, ngủ cùng thú”, anh Tài cho biết: Để mỗi con thú có thể lên sàn diễn, người huấn luyện phải mất từ 2 năm đến 2,5 năm.

Với người nghệ sĩ xiếc, con thú biểu diễn phải được chăm sóc chu đáo và đối xử tử tế thì mới huấn luyện được chúng biểu diễn trên sân khấu. Xiếc thú vẫn là một phần biểu diễn đặc sắc của nghệ thuật xiếc Việt nên khi lãnh đạo Liên đoàn đưa ra chủ trương chuyển đổi dần các tiết mục xiếc thú hoang dã sang xiếc thú nuôi, chúng tôi phải liên tục mày mò, tự nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm, xây dựng đề án, tìm hiểu tập tính giống loài rồi mới tìm mua, nuôi, huấn luyện con vật. Để có một tiết mục xiếc thú, mình không phải là người điều khiển con thú mà phải luôn coi con thú là bạn diễn.

Anh Tài cũng lý giải: Huấn luyện được một con trâu biết lắc đầu khi nghe kèn, biết gật đầu khi nghe tiếng sáo, đi lắt léo hình số 8, quỳ hai chân trước, giậm chân khi chơi nhạc không đơn giản. Huấn luyện những chú lợn biết rải thảm, nhảy vòng, chui ống cũng không hề dễ, phải tạo những phản xạ có điều kiện cho chúng. Có một tiết mục hoàn chỉnh càng khó, người nghệ sĩ phải đầu tư rất nhiều. Bởi vì ngay cả khi cùng loài nhưng mỗi con lại một tính cách riêng, không thể huấn luyện cùng lúc cả đàn mà phải dạy và tập luyện với từng con. Động tác nào diễn viên động vật đã thuần thục thì ghép vào tiết mục… Ngay cả việc hiểu được bạn diễn, cùng vận động để bạn diễn không béo phì, giữ được độ dẻo dai cũng đòi hỏi quỹ thời gian và không ít mồ hôi, công sức của người nghệ sĩ.

Các “nghệ sĩ” này đòi hỏi một chế độ chăm sóc đặc biệt nhất là những ngày nắng nóng, khi nhiệt độ lên tới 39 - 40 độ C, nhiều buổi trưa đội ngũ nhân viên chăm sóc thú thay nhau vào dãy chuồng nuôi thú xả nước, tắm mát cho chúng. Lo lắng, chăm sóc sức khỏe của bạn diễn như với con mình mới có được những tiết mục biểu diễn thành công.

Đổi lại, các tiết mục xiếc thú đặc biệt hấp dẫn khán giả, nhất là khán giả nhỏ tuổi. Những cặp mắt tròn xoe, long lanh thích thú ngắm các con vật làm nhiều động tác tưởng như chúng không bao giờ làm được là phần thưởng động viên người nghệ sĩ. Sự gắn kết yêu thương, sự tôn trọng lẫn nhau chính là chiếc chìa khóa vàng để con người có thể biến những điều đơn giản thành kỳ diệu. Đó cũng là ý nghĩa nhân văn mà nghệ thuật xiếc thú chuyển tải và gieo vào tâm hồn các bạn nhỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.