Một số luật sư tham gia bào chữa phản đối bởi hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc vẫn còn hiệu lực.
Đề nghị tính lại thiệt hại
Ngày 16/4, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét hỏi 19 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO).
Theo cáo buộc từ viện kiểm sát, các bị cáo đã có những sai phạm khiến dự án được khởi công năm 2007 đến nay chưa hoàn thành, bị đội vốn từ 3.834 tỷ đồng lên tới 8.104 tỷ đồng. Đến năm 2018, nhiều thiết bị được lắp đặt đã hư hỏng và TISCO đã đổ vào đây hơn 4.423 tỷ đồng, dẫn tới thiệt hại hơn 830 tỷ đồng là số tiền lãi phải trả cho các ngân hàng.
Kiểm sát viên giữ quyền công tố nêu quan điểm, các bị cáo trong vụ là người của TISCO hoặc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS), được tin tưởng giao nhiệm vụ nhưng lại vi phạm pháp luật; gây ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế... nên cần phạt họ án tù. Phía truy tố cũng cho rằng, khoản tiền lãi 830 tỷ đồng là thiệt hại của vụ án nên đề nghị tòa tuyên 19 bị cáo phải liên đới bồi thường.
Tuy nhiên, các luật sư tham gia bào chữa tại tòa cho rằng con số này không chính xác bởi đây là khoản tiền lãi của cả nhà máy luyện kim Lưu Xá và mỏ sắt Tiến Bộ. Nhà máy chưa hoàn thành do nhà thầu là Tập đoàn Khoa học công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) vi phạm hợp đồng EPC nhưng mỏ sắt đã hoạt động tốt.
Luật sư Nguyễn Thị Thu (bào chữa cho Đậu Văn Hùng – nguyên Tổng Giám đốc VNS) cho rằng, trong phần thẩm vấn công khai tại tòa, đại diện của TISCO xác nhận số 830 tỷ đồng tiền lãi doanh nghiệp này trả ngân hàng có bao gồm hơn 43,5 tỷ đồng tiền lãi vay để chi cho mỏ sắt Tiến Bộ.
“Sáng nay, TISCO đã nộp cho HĐXX bảng chi tiết của khoản lãi này. Do vậy, tôi kính đề nghị Hội đồng xét xử xác định chính xác số tiền lãi mà TISCO đã trả ngân hàng liên quan đến khoản vay của gói thầu EPC” – Luật sư Thu nói và nêu quan điểm, thiệt hại trong vụ vào khoảng hơn 780 tỷ đồng.
Tương tự, luật sư Trương Anh Tú (bào chữa cho bị cáo Mai Văn Tinh – nguyên Chủ tịch VNS) đề nghị xem xét lại số tiền thiệt hại. Luật sư Tú nêu quan điểm: “Năm 2009, TISCO đã được cổ phẩn hóa, vốn Nhà nước chỉ còn giữ lại là 65%.
Do vậy, thiệt hại của Nhà nước cũng chỉ chiếm là 65% trên tổng thiệt hại được xác định. Làm phép tính nhanh, chúng ta sẽ ra con số 830 tỷ đồng nhân 65% bằng hơn 539 tỷ đồng”.
Đã phải thiệt hại cuối cùng?
Cũng trong phần tranh luận tại tòa, một số luật sư nêu quan điểm, 830 tỷ đồng chưa phải thiệt hại cuối cùng của vụ án bởi hợp đồng giữa TISCO và nhà thầu Trung Quốc vẫn chưa chấm dứt, TISCO hiện vẫn tiếp tục phải trả lãi.
Ngược lại, theo hợp đồng EPC đã ký năm 2007, nếu các bên có tranh chấp sẽ đưa ra tòa trọng tài kinh tế Singapore để phán quyết; nếu tòa xử cho TISCO thắng, MCC phải bồi thường toàn bộ sẽ dẫn tới vụ án không có thiệt hại, các bị cáo không phải bồi thường.
Trình bày thêm về số thiệt hại 830 tỷ đồng, luật sư Trương Anh Tú đồng tình quan điểm của viện kiểm sát xác định đây là toàn bộ số tiền lãi TISCO phải trả cho các ngân hàng từ khi dự án chậm tiến độ năm 2011 đến thời điểm khởi tố vụ án năm 2019.
Tuy vậy, luật sư Tú cho rằng cần xem xét lại trách nhiệm bồi thường bởi chính đại diện của TISCO tại tòa đã không nhận mình là nguyên đơn dân sự.
“TISCO cũng đề nghị xem xét lại con số 830 tỷ đồng bởi theo doanh nghiệp này, tiền lãi thực tế phải căn cứ hợp đồng tín dụng và thời gian đáo hạn vẫn còn, có nghĩa vẫn đang vay thông thường, phải trả lãi.
Người đại diện theo ủy quyền của TISCO đề nghị tòa án xem xét lại tư cách tham gia phiên tòa của TISCO với lý do, TISCO đang là nguyên đơn dân sự nhưng căn cứ Bộ luật Tố tụng Hình sự, nguyên đơn dân sự phải có đơn yêu cầu bồi thường và đến nay, TISCO chưa có đơn… Vì vậy, việc xác định yêu cầu bồi thường không được đặt ra trong vụ án này” - luật sư Tú nói tại tòa.
Ngoài ra, đa số các luật sư cũng đề nghị tòa án xem xét để các bị cáo bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” được chuyển sang tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (có khung hình phạt nhẹ hơn).
Lý do, các bị cáo khi thực hiện công việc liên quan đến dự án đều xin ý kiến hoặc báo cáo Bộ Công Thương; đề nghị xin chỉ đạo của Chính phủ. Một số bị cáo đã muốn dừng hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc nhưng không được cấp có thẩm quyền chấp nhận.