Xét xử đại án gang thép Thái Nguyên: Bộ Công Thương giới thiệu nhà thầu yếu kém

GD&TĐ - Các luật sư cho rằng, cần xem xét trách nhiệm của Bộ Công Thương khi giới thiệu nhà thầu không đủ khả năng. Thực tế, nhà thầu này phải dừng thi công năm 2011, khiến dự án đến nay chưa hoàn thành.

Các bị cáo trong vụ bị xét xử tại TAND TP Hà Nội.
Các bị cáo trong vụ bị xét xử tại TAND TP Hà Nội.

Đề nghị xem xét trách nhiệm

Ngày 15/4, các bị cáo trong vụ án thất thoát 830 tỷ đồng tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) được quyền tranh luận trước quan điểm luận tội của đại diện Viện KSND TP Hà Nội.

Trước đó, các kiểm sát viên giữ quyền công tố xác định, năm 2007, TISCO ký với Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) hợp đồng EPC trọn gói, giá 160 triệu USD để xây dựng dây chuyền luyện kim. MCC sau đó vi phạm hợp đồng, không xây dựng và đòi tăng giá.

Phía truy tố cho rằng, các bị cáo là lãnh đạo tại TISCO hoặc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) lúc này phải chấm dứt hợp đồng với MCC, thu hồi tiền tạm ứng; báo cáo người có thẩm quyền để hủy đấu thầu, cho đấu thầu lại.

Các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.
 Các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.

Tuy nhiên, bị cáo lại chỉ đạo để đàm phán theo yêu cầu của MCC; ký văn bản đề nghị tăng giá phần C (xây lắp) trong hợp đồng EPC. Ngoài ra, nhóm này còn giới thiệu và chấp thuận cho Tổng Công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ. VINAINCON không đủ năng lực nên năm 2011 đã dừng thi công, khiến dự án đến nay chưa hoàn thành.

Vì vậy, kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử phạt tù cả 19 bị cáo, yêu cầu họ liên đới bồi thường 830 tỷ đồng là tiền lãi TISCO phải trả các ngân hàng.

Mở đầu phần bào chữa, bị cáo Trần Trọng Mừng – nguyên Tổng Giám đốc TISCO đã nhờ luật sư Đinh Anh Tuấn (Công ty Luật Hợp danh Thiên Quang) bào chữa cho mình. Luật sư Tuấn nêu quan điểm, cần xem xét trách nhiệm của Bộ Công Thương khi giới thiệu VINAINCON tới các bị cáo trong vụ để họ chọn làm nhà thầu phụ.

Cũng tại tòa, các bị cáo là cựu lãnh đạo tại TISCO và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) khai, họ chấp nhận VINAINCON vì có văn bản của Bộ Công Thương do một Thứ trưởng ký. Tại văn bản, Bộ Công Thương cho hay, VINAINCON là doanh nghiệp của bộ, có năng lực tốt.

Đánh giá sự việc, luật sư Đinh Anh Tuấn cho rằng, tránh nhiệm chính trong việc giới thiệu VINAINCON phải thuộc về Bộ Công Thương; TISCO và VNS chỉ phải chịu trách nhiệm liên đới. Tương tự như vậy, luật sư Nguyễn Thị Minh Yến – bào chữa cho Đồng Quang Dương – nguyên Phó Giám đốc Ban quản lý dự án cũng cho rằng, việc VINAINCON là nhà thầu phụ có trách nhiệm của Bộ Công Thương.

Theo luật sư Yến, do Bộ Công Thương xác nhận năng lực của VINAINCON nên TISCO và MCC mới ký hợp đồng cho doanh nghiệp này làm nhà thầu phụ xây dựng tổ hợp luyện kim.

Việc VINAINCON sau đó dừng thi công là trách nhiệm của doanh nghiệp này, không phải của các bị cáo thuộc TISCO. Ngoài ra, chính VINAINCON sau khi dừng thi công lại chỉ định thầu cho một số công ty khác dù chưa đánh giá năng lực dẫn tới dự án chịu sự dở dang. Luật sư Yến cho rằng, vấn đề này đã được Hội đồng xét xử thẩm vấn kỹ, làm rõ trong quá trình xét hỏi tại tòa. 

Làm sai theo chỉ đạo?

Một số luật sư đề nghị Hội đồng xét xử đánh giá lại thiệt hại của vụ án bởi hợp đồng giữa TISCO và nhà thầu Trung Quốc vẫn chưa chấm dứt nên 830 tỷ đồng chưa phải số tiền lãi cuối cùng. Ngược lại, nếu các bên có tranh chấp, tòa trọng tài tại Singapore xử cho TISCO thắng, MCC phải bồi thường toàn bộ sẽ dẫn tới dự án không có thiệt hại.

Trước cáo buộc của viện kiểm sát về việc các bị cáo không chấm dứt hợp đồng EPC khi nhà thầu Trung Quốc có vi phạm, một số luật sư tham gia tố tụng cho rằng, các cấp có thẩm quyền quản lý VNS đã không cho dừng.

Thậm chí, khi MCC đòi tăng giá phần C, các bị cáo thuộc TISCO đã trả lời bằng văn bản có trong hồ sơ vụ án: “Yêu cầu tăng giá phần C và điều chỉnh tiến độ hợp đồng vượt quá thẩm quyền của chủ đầu tư. TISCO sẽ khẩn trương báo cáo cơ quan có thẩm quyền và sớm trả lời MCC”.

Cũng trong quá trình bào chữa cho Đồng Quang Dương, luật sư Nguyễn Thị Minh Yến dẫn văn bản của Bộ Công Thương với nội dung: “Chính phủ đã đặc cách cho phép điều chỉnh một số phát sinh vật liệu xây dựng.

Chủ đầu tư và nhà thầu MCC cần sớm gặp nhau để bàn bạc cụ thể cách thức… Chủ đầu tư hỗ trợ MCC tìm nhà thầu Việt Nam để thực hiện công tác xây lắp”.

Từ đó, luật sư Yến cho rằng, bị cáo Dương nói riêng và một số bị cáo trong vụ đã làm theo chỉ đạo. Nữ luật sư đề nghị: “Hội đồng xét xử xem xét để đánh giá chính xác nhận định về vị trí, vai trò bị cáo Dương. Tránh để bị cáo vì thực hiện trọng trách, nhiệm vụ theo đúng chỉ đạo của cấp trên mà lại bị quy kết là có tội khi tham gia với vai trò tích cực để thay đổi gói thầu EPC”.

Về hành vi không dừng hợp đồng với MCC, luật sư Đinh Anh Tuấn dẫn nhiều văn bản thể hiện thân chủ Trần Trọng Mừng của ông và các bị cáo tại TISCO từng ký văn bản hối thúc MCC thực hiện dự án.

Ngoài ra, ông Mừng từng ký văn bản gửi Bộ Công Thương và VNS nội dung: “Đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ xin phép chấm dứt hợp đồng EPC với nhà thầu MCC. Yêu cầu MCC trả lại tiền đặc cọc và bồi hoàn thiệt hại”. Việc này không được cấp có thẩm quyền chấp nhận. 

Theo hợp đồng EPC, nếu có tranh chấp, TISCO và MCC sẽ giải quyết tại tòa trọng tài tại Singapore. Vì vậy, bị cáo TISCO ký hợp đồng với hãng luật Kenvil Chia của quốc đảo này tư vấn và nhận trả lời: “Không thể xem nhẹ việc chấm dứt hợp đồng và chỉ nên xem xét việc chấm dứt nếu không còn các sự lựa chọn nào khác”.

Ông Mừng đã chọn việc tiếp tục hợp đồng, thực hiện thay điều chỉnh giá phần xây lắp và thay đổi giá hợp đồng EPC theo quy định tại Thông tư 09/2008 của Bộ Xây dựng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ