Không cho cấp dưới sửa bài thi?
Ngày 16/10, trong phần thẩm vấn các bị cáo, Trần Xuân Yến, cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La khai không nhờ nâng điểm cho 13 thí sinh như cáo trạng quy kết. Bị cáo khăng khăng, bản thân chỉ “nhờ xem trước điểm” và không đồng thuận, không cho phép các bị cáo khác sửa bài thi. Yến cũng phủ nhận việc chỉ đạo bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga xóa dữ liệu trên máy tính.
Tuy nhiên, khi chủ tọa xét hỏi Cầm Thị Bun Sọn, cựu Phó Trưởng phòng Chính trị - tư tưởng Sở GD&ĐT và cựu cán bộ Công an tỉnh Sơn La Đỗ Khắc Hưng về tình tiết lập biên bản hợp thức vào ngày 4/7/2018, hai bị cáo này thừa nhận nội dung biên bản không đúng sự thật. Đỗ Khắc Hưng khẳng định, Trần Xuân Yến đã gọi tất cả những người liên quan đến lập lại biên bản để hợp thức hóa.
Trần Xuân Yến bác bỏ lời khai trên và nhiều nội dung các bị cáo khác khai trước tòa. Bị cáo Yến cũng không nhất trí với cáo buộc của cơ quan tố tụng về trách nhiệm, hành vi đã nêu trong cáo trạng.
Yến nói trước đó đã phân công công việc cho từng thành viên theo quy chế, việc giám sát do thanh tra và lực lượng an ninh đảm nhiệm. Vì thế, bị cáo khăng khăng là mình không có trách nhiệm giám sát các thành viên cũng như chịu trách nhiệm về kết quả chấm thi. Liên quan đến việc niêm phong bài thi, Yến giải thích sau khi quét, phiếu trả lời được niêm phong theo lô để bảo quản, có công an giám sát và cho rằng, việc không lập biên bản ngay sau khi mở túi bài thi mà phải tới 4/7/2018 mới lập là “thiếu sót” của tổ chấm thi. Có thể các bị cáo khác không nhớ quy định này hoặc thông đồng với nhau từ trước(?).
Về việc tiêu hủy chứng cứ, khi nghe tin có đoàn công tác của Bộ GD&ĐT lên Sơn La kiểm tra, Yến đã gọi Nga đến nhà yêu cầu rà soát quy trình chấm thi và in dữ liệu ra đĩa để bảo quản phòng khi máy móc bị hỏng hoặc virus làm mất dữ liệu. Việc bị cáo đốt đĩa là do nếu để tài liệu thất lạc ra không tốt. Bị cáo Trần Xuân Yến khai và khẳng định không được hưởng lợi vật chất từ việc nhờ xem điểm thi.
Bị cáo nhận, phụ huynh ra sức “phủi”
Nhiều nhân chứng đã được thẩm vấn trong ngày làm việc thứ hai. Tuy nhiên, họ đều phủ nhận những gì mà các bị cáo đã khai nhận. Điển hình như lời khai của bị cáo Lò Văn Huynh về việc mình nhận 300 triệu đồng để giúp sửa, nâng điểm cho thí sinh Lù Hùng Mạnh, con trai của bà Lò Thị Trường. Song bà Trường ra sức phủ nhận và cho rằng chỉ nhờ xem điểm. Số tiền mà bà Trường đưa, Huynh đã trả lại và mục đích đưa là để cảm ơn, mọi người dùng số tiền đó để uống nước, khi con đỗ Học viện An ninh, sau đó vì điểm không đạt nên nhà trường đã cho về. Huynh cũng xác nhận lời khai của bà Trường về số tiền và việc trả lại tiền tại nhà mình là đúng sự thật.
Trước tòa, nhân chứng Trần Văn Điện, là cán bộ của Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Thường xuyên TP Sơn La cũng không thừa nhận việc mình có đưa cho bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga số tiền hơn 1 tỷ đồng để giúp sửa bài, nâng điểm cho 4 thí sinh (Trần Ích Quân, Nguyễn Văn Mạnh, Phạm Thanh Hưng và Ngần Văn Chung). Trần Văn Điện cho biết, những thí sinh này là con, em bạn bè nên chỉ chuyển thông tin cho Nga với mục đích nhờ xem điểm trước.
Thế nhưng, khi đối chất, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga đã khẳng định trước tòa việc ông Điện nhờ giúp đỡ là để các thí sinh đạt được điểm mong muốn. Khi thực hiện xong việc nâng điểm, Điện đã cảm ơn số tiền hơn 1 tỷ đồng. “Số tiền này được Điện để trong túi nilon, mệnh giá tiền chủ yếu là tờ 500.000 đồng. Số tiền này, bị cáo trực tiếp nộp lại, một phần số tiền thiếu do đã tiêu sau đó đã nhờ em nộp lại”, Nga nói.
Ngoài ra, các trường hợp nhân chứng khác là cha, mẹ, khâu trung gian có nhờ thông qua ông Điện khi được hỏi cũng đều nhận chỉ là xem điểm trước và không có hứa hẹn về vật chất.