Xét xử ông Vũ Huy Hoàng: Cựu Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải vắng mặt

GD&TĐ - Trong phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, cấp dưới của ông là cựu Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải vắng mặt.

Ông Vũ Huy Hoàng được luật sư dìu vào tòa và đã xin được hỗ trợ y tế.
Ông Vũ Huy Hoàng được luật sư dìu vào tòa và đã xin được hỗ trợ y tế.

Sabeco cũng không cử người tham dự với lý do không có thời gian trong khi vụ án liên quan trực tiếp doanh nghiệp này.

Nhiều người liên quan vắng mặt

Ngày 22/4, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 10 bị cáo trong vụ án thất thoát 2.713 tỷ đồng liên quan Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 8 ngày dưới sự điều hành của chủ tọa, thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân. Đây là lần thứ 3 phiên tòa được mở, 2 lần trước phải hoãn do một số bị cáo, người liên quan vắng mặt.

Lần này, bị cáo Nguyễn Hữu Tín – nguyên Phó Chủ tịch UBDN TPHCM tiếp tục vắng mặt và được Hội đồng xét xử (HĐXX) đồng ý. Được biết, ông Tín bị phạt 7 năm tù trong một vụ án liên quan Phan Văn Anh Vũ và hiện đang mắc bệnh tim, không thể di chuyển ra Hà Nội.

Vụ án có 10 bị cáo trong đó, ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương và Phan Chí Dũng, cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương bị xác định phải chịu trách nhiệm hình sự trong vụ án này. Tuy nhiên, bà Thoa đã bỏ trốn, hiện đang bị truy nã.

Có tám người khác bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” gồm Nguyễn Hữu Tín; Lâm Nguyên Khôi, cựu Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM; Đào Anh Kiệt, cựu Phó Giám đốc Sở TN&MT TPHCM; Lê Văn Thanh, cựu Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM; Lê Quang Minh, cựu Trưởng phòng thuộc Sở KH&ĐT TPHCM; Nguyễn Thanh Chương, cựu Trưởng phòng Đô thị UBND TPHCM; Trương Văn Út, cựu Phó phòng thuộc Sở TN&MT TPHCM; Nguyễn Lan Châu, cựu chuyên viên Sở TN&MT TPHCM.

Để xét xử, tòa án triệu tập nhiều người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan như đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính; đại diện UBND TPHCM; ông Thái Bảo Anh, đại diện Công ty Mê Linh; giám định viên… Chủ tọa cũng thông báo, đại diện Sabeco có đơn xin vắng mặt vì đã làm việc, cung cấp đầy đủ thông tin tại giai đoạn điều tra. Hiện doanh nghiệp này đang chuẩn bị đại hội cổ đông nên không thể sắp xếp thời gian tới tòa.

Vẫn theo chủ tọa, ông Nguyễn Nam Hải, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương được HĐXX xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đồng thời là nhân chứng nhưng vị này vắng mặt. 

Đất công vào túi riêng

Các bị cáo tại tòa sáng 22/4.
Các bị cáo tại tòa sáng 22/4.

Trước khi xét hỏi, đại diện viện kiểm sát công bố cáo trạng thể hiện, trước năm 2015, Sabeco là doanh nghiệp Nhà nước và sau đó là công ty cổ phần có vốn Nhà nước. Doanh nghiệp này được sử dụng khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (TPHCM).

Sabeco đã thành lập liên doanh nhằm xây dựng tòa nhà khách sạn, văn phòng tại khu đất này và được UBND TPHCM chấp thuận. Năm 2012, Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước phải thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính.

Tuy nhiên, các bị cáo Vũ Huy Hoàng, Phan Chí Dũng và bị can Hồ Thị Kim Thoa đã bỏ qua yêu cầu này khi tiếp tục chỉ đạo Sabeco thực hiện đầu tư xây dựng tại khu đất số 2-4-6. Vì vậy, liên doanh Sabeco Pearl được thành lập nhằm xây dựng tại khu đất số 2-4-6 trong đó Sabeco giữ 26% vốn; còn lại thuộc các công ty tư nhân gồm Attland (23%), Hà An (25,5%), Mê Linh (25,5%).

Cơ quan truy tố cho rằng, các bị cáo đã đem quyền sử dụng khu đất số 2-4-6 để liên doanh đầu tư, thực hiện dự án nhưng không tiến hành định giá theo quy định để tính vào vốn góp của Sabeco.

Đến năm 2015, bị cáo Nguyễn Hữu Tín phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất số 2-4-6 là hơn 997 tỷ đồng. Sabeco Pearl đã nộp số tiền này đồng thời xin bổ sung chức năng officetel và căn hộ ở tại dự án.

Đến năm 2016, các công ty Hà An, Attland và Mê Linh cùng ký văn bản kiến nghị Sabeco thoái toàn bộ vốn tại Sabeco Pearl. Bộ Công Thương đồng ý việc này nên Sabeco bán toàn bộ cổ phần tại liên doanh với giá 196 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giá thực tế số cổ phần này khoảng 465 tỷ đồng vì dự án được cấp phép thêm chức năng căn hộ ở.

Như vậy, khu đất số 2-4-6 từ tài sản Nhà nước do Sabeco quản lý bị chuyển sang sở hữu tư nhân. Phía truy tố cho rằng, khu đất này có giá hơn 3.816 tỷ đồng và việc chuyển nhượng khiến Nhà nước bị mất 2.713 tỷ đồng.

Ngoài các bị cáo, cơ quan tố tụng xác định còn nhiều người liên quan như các ông Phan Đăng Tuất, Võ Thanh Hà, cùng nguyên Chủ tịch HĐQT Sabeco; ông Lê Hồng Xanh, nguyên Phó Tổng Giám đốc Sabeco... Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng, họ chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Công Thương nên không cần xử lý hình sự.

Ông Hoàng không phụ trách Sabeco?

Bị cáo Vũ Huy Hoàng khai, từng đồng tình việc Sabeco xây dựng văn phòng bởi trước đó, doanh nghiệp này chưa có trụ sở, nói: “Rất đau xót khi hàng năm, Sabeco và các công ty con phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để thuê văn phòng. Tôi nghĩ tiết kiệm vài năm tiền thuê nhà là có trụ sở, lúc đó tiết kiệm cho cả Nhà nước và Sabeco”.

Tiến hành khai báo, ông Vũ Huy Hoàng khai giữ chức Bộ trưởng Bộ Công Thương từ năm 2007 đến năm 2016 nhưng phụ trách công tác chiến lược, quy hoạch; công tác nội chính bao gồm tổ chức cán bộ, pháp chế, thi đua khen thưởng…

Theo bị cáo Hoàng, cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa mới là người được phân công phụ trách công nghiệp nhẹ gồm Sabeco. Về việc Sabeco thành lập liên doanh Sabeco Land năm 2007 để xây dựng tại khu đất 2-4-6, ông Vũ Huy Hoàng cho biết khi ông nhận chức Bộ trưởng, liên doanh này đã được thành lập.

Cũng theo ông Vũ Huy Hoàng, do ông không trực tiếp phụ trách nên chỉ biết thông tin về Sabeco nếu cấp dưới báo cáo. Lần đầu tiên ông nhận thông tin về Sabeco là vào năm 2013 khi bộ phận quản lý vốn Nhà nước ở đơn vị này gửi văn bản xin thay thế nhà đầu tư của Sabeco Land, chuyển sang thành lập liên doanh Sabeco Pearl.

“Tôi cũng chỉ có duy nhất ý kiến vào văn bản này là Sabeco phải báo cáo Bộ trước khi lựa chọn nhà đầu tư. Tôi làm thế bởi muốn doanh nghiệp thay thế phải đảm bảo năng lực triển khai dự án chứ không như lần đầu để rồi dang dở” – ông Hoàng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ