Xét xử nhóm đối tượng chống người thi hành công vụ để lấy lại xe vi phạm luật giao thông

GD&TĐ - Sau khi một bị cáo có hành vi điều khiển xe mô tô vi phạm luật giao thông bị lực lượng chức năng giữ lại, các bị cáo còn lại đã tụ tập, tấn công lực lượng chức năng để lấy lại chiếc xe mô tô bị thu giữ.

Các bị cáo tại phiên toà xét xử. Ảnh: Công an Kon Tum.
Các bị cáo tại phiên toà xét xử. Ảnh: Công an Kon Tum.

Mới đây, TAND huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) đã mở phiên xét xử công khai vụ án Chống người thi hành công vụ đối với các bị cáo A Trâm (SN 2001, trú tại thôn Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô); A Hơn (SN 1990, trú thôn Đăk Rô Gia – là bạn của A Trâm); A Bĕch (SN 1998, trú thôn Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm – là chú của A Trâm); A Biên (SN 1983, trú tại thôn Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm – là anh rể của A Trâm) và A Kim (SN1983, trú tại thôn Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm – anh họ của A Trâm)

Theo tài liệu của cơ quan chức năng, vào khoảng 8h ngày 15/1, tại khu vực đường liên thôn thuộc thôn Đăk Rô Gia (xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô), thực hiện kế hoạch của Công an huyện Đăk Tô về việc Tăng cường kiểm tra, xử lý phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành, tổ tuần tra kiểm soát giao thông Công an huyện Đăk Tô gồm các ông  Nguyễn Văn Cung (tổ trưởng), Lương Đức Tài, Nguyễn Quân, Võ Minh Tân, Nguyễn Võ Bảo Thuận đang tiến hành tuần tra giao thông thì phát hiện A Trâm điều khiển xe mô tô (xe sắt độ chế) lưu thông hướng Quốc lộ 40B rẽ vào đường bê tông liên thôn thuộc thôn Đăk Rô Gia (xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô).

Tổ công tác đã ra tín hiệu dừng xe nhưng A Trâm không chấp hành tín hiệu mà bỏ chạy. Khi bỏ chạy đến trước nhà bà Y Bim (trú thôn Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm) thì xe bị tắt máy nên A Trâm bỏ xe mô tô độ chế lại rồi bỏ chạy (tay lái xe ngã xuống đập vào phần đùi ông Lương Đức Tài – khi đó đang truy đuổi đối tượng). 

A Trâm sau đó bỏ chạy về nhà chị gái của mình là Y Bis (ở ngay gần đó) để báo cho người nhà biết việc mình bị lực lượng CSGT bắt xe mô tô.

Sau khi Tổ công tác lập biên bản, tạm giữ và đưa xe mô tô vi phạm của A Trâm lên thùng xe ô tô đặc chủng để xử lý thì A Trâm quay lại nhảy lên thùng xe ô tô đặc chủng để xô đẩy, giằng co với Tổ tuần tra nhằm giành lại chiếc xe mô tô độ chế từ Tổ tuần tra.

Cùng lúc đó, người nhà A Trâm bao gồm: A Bin (SN 1958 – bố của A Trâm); Y Pung (SN 1959 – là mẹ của A Trâm); Y Bis (SN 1980 – là chị gái của A Trâm); A Biên đã ra hiện trường đứng xung quanh xe ô tô đặc chủng của Tổ công tác và xin lực lượng chức năng thả xe của A Trâm ra.

Khi đó, A Kim ra hiện trường đã giật bình đựng xăng từ xe mô tô của A Trâm (lúc này xe của A Trâm và A Trâm đang ở trên xe ô tô đặc chủng) rồi đe dọa lực lượng chức năng “nếu không bỏ xe A Trâm ra thì sẽ đốt xe - tức xe ô tô đặc chủng)” nhưng không được nên đã đổ xăng vào phần đầu xe ô tô đặc chủng (phần đèn xe) để đe dọa, sau đó A Kim không bật lửa đốt mà mang bình xăng cất vào nhà của Y Bis.

Lúc này, A Hơn ra hiện trường trèo lên thùng xe ô tô đặc chủng để đẩy xe độ chế xuống đất nhưng không đẩy được nên nhảy xuống đất. A Trâm ở trên thùng xe ô tô đặc chủng đưa phần đầu xe mô tô độ chế xuống đất, A Biên đứng đó đã giúp đưa được xe mô tô vi phạm của A Trâm từ trên thùng xe ô tô đặc chủng xuống đất.

Khi đưa được xe xuống, A Bĕch và A Hơn đã đẩy phụ xe mô tô mang đi cất giấu tại khu vực rẫy cà phê gần cầu Đăk Rô Gia để tránh bị lực lượng chức năng thu giữ xe.

Sau đó, A Trâm nhảy từ thùng xe ô tô đặc chủng xuống đất thì bị đồng chí Võ Minh Tân (thuộc Tổ công tác) giữ lại, Trâm đã cắn vào tay ông Tân để thoát ra. Lúc này, A Biên đã dùng tay đè ông Tân xuống và giật tay vị cán bộ công an ra để A Trâm vùng ra thoát được và chạy trốn lên rẫy.

Tại phiên tòa xét xử, các bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Căn cứ vào tính chất, mức độ và hành vi phạm tội của bị cáo, HĐXX TAND huyện Đăk Tô tuyên phạt bị cáo A Trâm 9 tháng tù giam; A Biên 8 tháng án treo, A Kim 8 tháng án treo; A Hơn 7 tháng cải tạo không giam giữ, A Bĕch 6 tháng cải tạo không giam giữ cùng về tội Chống người thi hành công vụ quy định tại khoản 1, điều 330 Bộ luật hình sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Tạo sức hút cho nghề giáo

GD&TĐ - Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước quan tâm và quy định các chế độ, chính sách, giúp nhà giáo bảo đảm an sinh xã hội, an tâm công tác và cống hiến.

Nhiều phiên giao dịch được tổ chức giúp cho người lao động tìm việc làm.

Cách nào tăng năng lực cạnh tranh doanh nghiệp?

GD&TĐ - Ngoài thay đổi chiến lược tuyển dụng, cần có hệ thống thông tin dữ liệu chuẩn, chính xác về ứng viên để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận...với lực lượng lao động