Trong bối cảnh dịch Covid-19, phương án mà Sở GD&ĐT TP đề xuất là xét tuyển cho cả lớp 10 chuyên và lớp 10 thường nhận được sự đồng tình của phụ huynh, giáo viên, lãnh đạo các trường THPT.
Đề xuất phương án xét tuyển
Tại tờ trình gửi UBND TPHCM ngày 26/7, Sở GD&ĐT TP đưa ra hai phương án xét tuyển vào lớp 10 năm học 2021 - 2022.
Phương án 1: Xét tuyển vào lớp 10 chuyên được tính theo công thức: Điểm xét tuyển = Tổng điểm trung bình môn cả năm lớp 9 của môn Ngữ văn - Toán - Ngoại ngữ + điểm trung bình môn cả năm lớp 9 của môn đăng ký thi chuyên x 2 + điểm khuyến khích (nếu có).
Xét tuyển vào lớp 10 thường gồm: Điểm xét tuyển = Tổng điểm trung bình môn cả năm lớp 9 của môn Ngữ văn - Toán - Ngoại ngữ + điểm ưu tiên (nếu có).
Phương án 2: Xét tuyển vào lớp 10 chuyên được tính bằng Điểm xét tuyển = Tổng điểm trung bình môn cả năm lớp 6, 7, 8, 9 của môn Ngữ văn - Toán - Ngoại ngữ + điểm trung bình môn cả năm lớp 9 của môn đăng ký thi chuyên x 2 + Điểm khuyến khích (nếu có).
Các học sinh không trúng tuyển lớp 10 chuyên sẽ được xét tuyển lớp không chuyên trong trường chuyên căn cứ trên: Tổng điểm trung bình môn cả năm lớp 6, 7, 8, 9 của môn Ngữ văn - Toán - Ngoại ngữ + điểm khuyến khích (nếu có).
Xét tuyển vào lớp 10 thường được tính theo công thức: Điểm xét tuyển = Tổng điểm trung bình môn cả năm lớp 6, 7, 8, 9 của môn Ngữ văn - Toán - Ngoại ngữ + điểm ưu tiên (nếu có).
Sau khi phân tích những ưu và nhược điểm của 2 phương án nêu trên, Sở GD&ĐT TP đề xuất với UBND TPHCM chọn Phương án 1 trong xét tuyển vào lớp 10 chuyên và lớp 10 THPT năm 2021 - 2022.
Lý do được Sở này đưa ra là cách xét tuyển như phương án 1 phù hợp với quá trình tập trung học tập các môn Ngữ văn - Toán - Ngoại ngữ trong suốt năm học lớp 9 của học sinh. Có sự tương đồng với các môn thi như kế hoạch thi lớp 10 của các năm; đề tuyển sinh các năm có kiến thức đều nằm trong chương trình lớp 9 nên việc lựa chọn điểm số lớp 9 để xét tuyển sẽ phản ánh đúng khả năng học tập của các em.
Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, việc chọn điểm trung bình môn cả năm của môn đăng ký thi chuyên và có hệ số 2 trong điểm xét tuyển vì kết quả này phản ánh được sự đam mê, quá trình trau dồi kiến thức của môn học thế mạnh của học sinh.
Ủng hộ xét tuyển
Anh Đoàn Huy có con học tại Trường THCS Thái Văn Lung (TP Thủ Đức) chia sẻ, con anh đăng kí các trường lần lượt là Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, THPT Tam Phú, THPT Hiệp Bình (các trường đều gần nhà). Hồi đầu tháng 6, kỳ thi bị hoãn, con trai vẫn quyết tâm ôn tập và chờ đợi kỳ thi có thể diễn ra trong tháng 7.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 căng thẳng như hiện nay, sức khỏe, sự an toàn của học sinh là điều quan trọng nhất. “Việc tổ chức thi sẽ bảo đảm được công bằng, khách quan, đánh giá đúng thực lực học tập của học sinh. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch, phụ huynh đồng tình ủng hộ và mong muốn làm sao việc xét tuyển cũng phải công bằng, khách quan nhất”, anh Huy nói.
Tương tự, chị Phan Thị Tuyết Nhung (ngụ tại Quận 8), có con theo học tại Trường Trung học Thực hành (Trường ĐH Sài Gòn) cũng tán thành việc xét tuyển vào lớp 10. Chị Nhung chia sẻ thêm: Tháng 6, khi TPHCM hoãn thi lớp 10 để phòng dịch, tôi vẫn mong muốn sẽ thi tuyển để bảo đảm sự công bằng khách quan nhất.
Xét tuyển có thể sẽ vẫn có sự thiệt thòi và những vấn đề phát sinh khác khi số thí sinh tại TPHCM quá đông với hơn 83.000 em. Tuy nhiên, khi dịch bệnh căng thẳng như hiện nay thì xét tuyển là phù hợp. Được biết, con của chị Nhung có nguyện vọng vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, 3 nguyện vọng thường vào THPT Lê Quý Đôn, Trần Khai Nguyên và Võ Văn Kiệt.
Liên quan đến đề xuất của Sở GD&ĐT TP về xét tuyển vào lớp 10, thầy Võ Kim Bảo (giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1) cho rằng: Đây là đề xuất phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay.
Thầy Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) cũng đồng tình với đề xuất của Sở GD&ĐT về xét tuyển vào lớp 10. Theo thầy Phương Bình, với 2 phương án xét tuyển, phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn và phù hợp với các hướng dẫn về công tác tuyển sinh lớp 10 trước đây của Sở GD&ĐT. Có thể hiểu đơn giản là dùng điểm môn Ngữ văn, Toán, Anh và môn chuyên thay thế cho điểm bài thi. Còn lại hình thức vẫn giữ nguyên so với trước đây.
“Về phương án có một số điều chỉnh, theo tôi nên giữ nguyên như kế hoạch tuyển sinh trước đây. Thứ nhất là tuyển thẳng các diện ưu tiên, trong đó đoạt giải quốc gia, quốc tế tuyển thẳng vào các trường. Đây là sự ghi nhận và động viên khuyến khích các em và tạo nguồn cho học sinh có năng khiếu. Thay vì đề xuất cộng điểm ưu tiên khuyến khích.
Thứ hai là các cuộc thi học sinh giỏi cấp TP không cộng điểm khuyến khích như các năm trước để đảm bảo công bằng cho thí sinh. Vì đây là xét tuyển có tính chất loại bớt (tỉ lệ rớt là 30%) nên phụ huynh và học sinh sẽ phải cạnh tranh nhau để được vào trường công và trường tốp trên. Như vậy việc chênh nhau 0,25 điểm có thể làm thay đổi kết quả của thí sinh, kể cả việc trượt nguyện vọng 1 có thể dẫn đến thí sinh học lực giỏi rớt cả 3 nguyện vọng”, thầy Bình nói.
Ngoài ra, thầy Bình đề xuất nên giữ nguyên hướng dẫn tuyển sinh lớp 10 mà Sở GD&ĐT đã công bố vào tháng 3/2021, trong đó chỉ cộng điểm khuyến khích cho gia đình chính sách, chế độ ưu tiên… (theo đề xuất cộng điểm rất lớn có thể lên đến 4 điểm).
Đề nghị UBNDTP cần sớm quyết định phương án để Sở GD&ĐT triển khai thực hiện nhằm giải tỏa áp lực tâm lý lên phụ huynh, học sinh và các trường. Công tác triển khai trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi nhiều thời gian hơn so với mọi năm nên các trường cần xây dựng kế hoạch triển khai nhằm kịp thời chuẩn bị cho năm học mới.