Tư vấn xét tuyển NV2 tại trường ĐH Nguyễn Trãi. Ảnh: gdtd.vn |
Chỉ tính riêng trong các trường thành viên của ĐH Huế cũng thấy rõ tình trạng này. Trong khi các ngành Kinh tế, quản trị kinh doanh, số hồ sơ nhận được đã vượt xa chỉ tiêu thì một số ngành như Nông Lâm, Việt Nam học, Quốc tế học, tiếng Hàn, tiếng Pháp ... lại rơi vào cảnh đìu hiu, trống vắng.
Theo thống kế của ĐH Huế tính đến ngày 6/9, Ngành Quản trị kinh doanh (khoa Du lịch) lấy 33 chỉ tiêu nhưng trường đã nhận được 153 hồ sơ. Một số ngành khác số hồ sơ vượt chỉ tiêu như ngành Kinh tế chính trị (ĐH Kinh tế): 33 hồ sơ/25 chỉ tiêu; ngành Hệ thống thông tin kinh tế (ĐH Kinh tế): 86 hồ sơ/20 chỉ tiêu; sư phạm tin học (ĐH sư phạm): 85 hồ sơ/64 chỉ tiêu; Giáo dục chính trị (ĐH sư phạm): 67 hồ sơ/31 chỉ tiêu; Toán học (ĐH khoa học): 50 hồ sơ/35 chỉ tiêu; Văn học (ĐH khoa học): 62 hồ sơ/39 chỉ tiêu...
Còn lại, hầu hết các ngành khác, lượng hồ sơ nhận được đều không nhiều. Thậm chí có ngành như Kỹ thuật trắc địa bản đồ (Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng trị) mới chỉ nhận được duy nhất 1 hồ sơ trong khi ngành này thông báo lấy đến 60 chỉ tiêu. Ngành Hán Nôm (ĐH Khoa học) nhân văn lấy 35 chỉ tiêu nhưng cũng chỉ có 2 hồ sơ nộp. Một số ngành khác cũng rất ít thí sinh đoái hoài như Sư phạm kỹ thuật công nghiệp (ĐH sư phạm): 3 hồ sơ/43 chỉ tiêu; Sư phạm công nghệ thiết bị trường học (ĐH sư phạm): 7 hồ sơ/38 chỉ tiêu; Cơ khí bảo quản chế biến nông sản thực phẩm: 7 hồ sơ/ 50 chỉ tiêu; tiếng Hàn (ĐH Ngoại ngữ): 5 hồ sơ/24 chỉ tiêu; tiếng Pháp: 5 hồ sơ/24 chỉ tiêu...
Không chỉ ĐH Huế rơi vào nguy cơ thiếu nguồn tuyển, một số trường, nhất là các trường ĐH vùng cũng cùng chung cảnh ngộ.
Ông Đào Hoàng Nam – Hiệu trưởng trường ĐH Bạc Liêu cho biết, đến thời điểm này, trường đã nhận được khoảng 1000 hồ sơ trên tổng 1260 chỉ tiêu NV2. Trong đó, ngành nhận được nhiều hồ sơ nhất là Kế toán – Kiểm toán (188 hồ sơ/80 chỉ tiêu). Ngoài ngành này và một số ngành khác đã mấp mé chỉ tiêu, nhiều ngành trong trường vẫn đang “rộng cửa”. Như, ngành Nuôi trồng thủy sản mới có 31 hồ sơ/80 chỉ tiêu; ngành cử nhân Anh Văn: 37 hồ sơ/60 chỉ tiêu; Tin học: 39 hồ sơ/180 chỉ tiêu... Ông Nam cũng khẳng định, dù không tuyển đủ chỉ tiêu NV2, trường cũng kiên quyết không tuyển Nv3 để đảm bảo chất lượng.
Còn theo đại diện trường ĐH Trà Vinh, đến nay, số hồ sơ mà trường nhận được chưa bằng 1/3 chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó, các thí sinh chủ yếu lựa chọn vào các ngành Kinh tế, Luật, còn nhóm ngành kỹ thuật, nông nghiệp số lượng hồ sơ không nhiều. Với 800 hồ sơ nhận được ở cả hai bậc đại học và cao đẳng trong tổng số 2.600 chỉ tiêu, đại diện trường này cho rằng, thí sinh chỉ cần có điểm bằng điểm sàn là nắm cơ hội cao vào trường.
Trường ĐH Nha Trang tuyển gần 1.500 chỉ tiêu NV2 bậc ĐH nhưng đến ngày 6/9 mới chỉ nhận được khoảng 850 hồ sơ. Tương tự, ĐH Đồng Tháp cũng chỉ nhận được hơn 1 nghìn hồ sơ trên 2.100 chỉ tiêu NV2 cho bậc ĐH và CĐ.
Như Trường ĐH Mỏ - Địa chất, năm nay tuyển 995 chỉ tiêu NV2 bậc ĐH và 300 chỉ tiêu hệ cao đẳng nhưng đến ngày 6/9, trường mới nhận được hơn 500 hồ sơ nộp trực tiếp. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng mới nhận được trên 600 hồ sơ trên 765 chỉ tiêu NV2. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM thông báo tuyển 800 chỉ tiêu NV2 nhưng mới chỉ nhận được gần 300 hồ sơ.
Chưa thống kê số lượng hồ sơ NV2 vào trường nhưng hiệu trưởng trường ĐH Điện lực, ông Đàm Xuân Hiệp dự đoán, các thí sinh có thể vẫn đang nghe ngóng, tìm hiểu thông tin để nắm chắc hơn cơ hội trúng tuyển nên đến cận ngày, số thí sinh nộp hồ sơ NV2 vẫn còn nhiều.
Hiếu Nguyễn