Điểm sáng là phần mềm lọc ảo
TS Đậu Xuân Cảnh phân tích: Các trường được phép sử dụng được kết quả thi của Kỳ thi THPT quốc gia để làm cơ sở phục vụ cho công tác tuyển sinh của nhà trường. Điều này rất phù hợp với thông lệ quốc tế đang áp dụng và phù hợp với thực tế xã hội Việt Nam.
Một trong những điểm mới và cũng là điểm sáng của mùa thi năm nay đó là: Nhóm các trường miền Bắc đã tạo ra một khối liên kết do Trường Đại học Bách Khoa chủ trì (còn gọi là nhóm GX) Từ đó các trường có sự hỗ trợ lẫn nhau trong công tác tuyển sinh nên rất thuận lợi. Có thể nói, năm nay các trường đã chủ động hơn trong vấn đề tuyển sinh của mình.
Đặc biệt, phần mềm lọc ảo để phục vụ trong công tác tuyển sinh rất tốt và trơn tru và nếu không có phần mềm lọc ảo, chắc chắn các trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
“Phải nói rằng, nhờ phần mềm tuyển sinh và sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các trường nên công tác tuyển sinh của chúng tôi rất nhẹ nhàng, tránh tình trạng thí sinh ảo” - TS Đậu Xuân Cảnh chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh: Phương thức tuyển sinh năm nay đảm bảo tôn trọng quyền lợi của thí sinh, trong đó có quyền lợi về thứ tự ưu tiên các nguyện vọng.
Tôn trọng quyền lợi của thí sinh là điều rất cần thiết trong tuyển sinh, và nhà trường có uy tín hay không, xã hội đánh giá nhà trường như thế nào đều thông qua sự lựa chọn của thí sinh. Qua đó, cũng đánh giá được uy tín của trường đối với xã hội.
Thí sinh nên linh hoạt cho sự lựa chọn của mình
Theo TS Đậu Xuân Cảnh, các trường có điểm chuẩn cao thường rơi vào các trường nhu cầu xã hội lớn, cộng với cơ hội việc làm của các em rất tốt, cho nên những trường này thường có nhiều thí sinh đăng ký.
Khi có nhiều thí sinh đăng ký vào sẽ dẫn đến một sự cạnh tranh rất cao và cạnh tranh lành mạnh. Từ đó có thể xuất hiện điểm chuẩn cao hơn so với mọi năm. Cho nên khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh cần cân đối tương quan về phổ điểm để tránh tình trạng những em điểm cao không có cơ hội đỗ vào trường mà mình yêu thích.
TS Đậu Xuân Cảnh dẫn giải: Chẳng hạn như hiện nay cũng đào tạo ngành Y - Dược, có nhiều trường điểm chuẩn cao, nhưng cũng có nhiều trường điểm chuẩn ở mức vừa phải.
Do đó, nếu các em lựa chọn chuyên ngành này thì có rất nhiều sự lựa chọn: Có thể là đăng ký trường công lập hoặc ngoài công lập. Tức là các em phải năng động, linh hoạt cho sự lựa chọn của mình và không nên cực đoan.
“Tôi muốn trao đổi với các em rằng, về mặt xã hội Bộ Y tế đang có kế hoạch: Sinh viên học bất kỳ ở trường y nào thì khi ra trường, muốn được hành nghề phải được cấp chứng chỉ nghề. Theo đó, các em sẽ phải trải qua một kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ này.
Nghĩa là dù các em học ở bất kỳ trường y nào thì các em đều cơ hội được cấp một chứng chỉ hành nghề quốc gia, cho nên các em cũng đừng ngại là mình học trường y này hay trường y kia. Quan trọng là mình có qua được kỳ thi để được cấp chứng chỉ hành nghề quốc gia hay không. Đó mới là điều các em cần lưu tâm.
Do đó, thay vì lựa chọn một trường nào đấy có thương hiệu thì các em nên lựa chọn mình một trường vừa sức và nỗ lực hết mình trong quá trình học tập để vượt qua kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề quốc gia” - TS Đậu Xuân Cảnh chia sẻ.
TS Đậu Xuân Cảnh: Cho đến thời điểm này gần như chưa phát hiện sai sót gì trong quá trình tuyển sinh |
Sự phân hóa mềm mại hơn
Theo TS Đậu Xuân Cảnh, kết quả thi năm nay có sự phân hóa rõ nét. Và sau đợt xét tuyển đại học, cao đẳng đầu tiên này cũng đã phân hạng được các trường đại học.
“Ví dụ như trường tôi năm nay điểm chuẩn cao hơn năm ngoái 2 điểm nhưng có ngành chỉ cao hơn năm ngoái một điểm. Tuy nhiên sự phân hóa này cũng mềm mại hơn nhiều so với trước đây khi khoảng cách điểm chuẩn đầu vào giữa các trường trong cùng thứ hạng không quá xa.
Chẳng hạn trong nhóm trường top trên, điểm chuẩn của các trường cũng chỉ chênh lệch từ 1 đến 2 điểm, chứ không phải trường A lấy 29 điểm mà trường B lấy 19 điểm” - TS Đậu Xuân Cảnh phân tích.
Trao đổi về việc có nên duy trì phương thức tuyển sinh như năm nay hay không, TS Đậu Xuân Cảnh – khẳng định: Một người làm tuyển sinh thực sự rất mong muốn chính sách ổn định, ít nhất là trong một đến hai năm tới. Bởi chính sách càng ổn định bao nhiêu thì các trường càng chủ động bấy nhiêu.
“Tuy nhiên, trong tương lai khi xã hội ngày càng phát triển đòi hỏi chúng ta phải tiếp cận với công nghệ mới, phương thức tuyển sinh mới để phù hợp hơn với thực tiễn thì Bộ GD&ĐT cũng nên tính toán, cân nhắc để đạt được sự tối ưu nhất” - TS Đậu Xuân Cảnh nêu quan điểm.