Theo các chuyên gia, điểm chuẩn năm nay cơ bản ổn định, không còn tình trạng thí sinh 30 điểm trượt đại học. Với em chưa đỗ đợt 1 vẫn còn nhiều cơ hội trong đợt xét tuyển bổ sung.
Sư phạm vẫn có sức hút
Một trong những điểm nổi bật của mùa tuyển sinh năm nay là điểm chuẩn vào các ngành sư phạm tương đối tốt và ổn định. Trong đó, ngành Sư phạm Lịch sử của nhiều cơ sở đào tạo giáo viên có điểm chuẩn khá cao.
Đơn cử: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên), điểm chuẩn của ngành này là 28/30 điểm. Tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, điểm chuẩn của ngành này là 28,58.
PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 phân tích, Lịch sử trở thành môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo dự thảo của Bộ GD&ĐT, phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025 trở đi, Lịch sử cũng là môn thi bắt buộc. Đây là một trong những lý do quan trọng khiến ngành Sư phạm Lịch sử có sức hút với thí sinh.
GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận xét, về mặt bằng chung, điểm chuẩn vào nhóm ngành đào tạo giáo viên vẫn ở mức cao và tương đối ổn định so với năm trước.
Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện sức hút riêng của ngành Sư phạm. Ngoài ra, chất lượng đầu vào cao là điều kiện quan trọng để các trường sư phạm có thể đào tạo ra giáo viên có năng lực tốt.
Cho rằng, điểm chuẩn các ngành Sư phạm không có nhiều biến động, GS.TS Nguyễn Văn Minh chia sẻ, thứ tự các ngành có dịch chuyển nhưng không đáng kể. Tuy nhiên năm 2022, hiệu ứng tích cực từ Nghị định 116 của Chính phủ “Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm” có tác động tốt hơn so với năm nay.
Hiện, việc triển khai Nghị định này gặp một số khó khăn, vướng mắc nên phần nào tác động đến tâm lý của thí sinh khi đăng ký xét tuyển vào nhóm ngành Sư phạm.
Thí sinh dự thi năng khiếu vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – năm 2023. Ảnh: TG |
Không có đột biến, bất thường
“Về cơ bản, điểm trúng tuyển ở tất cả phương thức xét tuyển của nhà trường ổn định và chênh lệch không nhiều so với năm 2022”, PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương nhận định.
Với nhóm trường đại học thuộc lĩnh vực kinh tế, các chuyên gia nhận xét, điểm chuẩn tương đối đồng đều, không có đột biến. Đơn cử như Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội), mức điểm chuẩn cao nhất là ngành Ngôn ngữ Trung Quốc - chuyên ngành Tiếng Trung Thương mại, với 28,5 điểm, tổ hợp D01: Toán, Văn, Anh.
Tiếp theo là 28,3 điểm, tổ hợp A00 đối với ngành Kinh tế - chuyên ngành Kinh tế đối ngoại và chuyên ngành Thương mại quốc tế. Mức điểm 28 của tổ hợp A00 đối với ngành Kinh tế quốc tế.
Năm nay, dải điểm chuẩn của Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) từ 14 - 22,5 điểm. TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, một số ngành có điểm chuẩn tăng, giảm không đáng kể so với năm trước, dao động từ 0,5 - 1 điểm. Điểm chuẩn ngành thuộc lĩnh vực môi trường vẫn ở mức thấp và chưa có nhiều sức hút.
Chia sẻ với những thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1, TS Võ Thanh Hải tư vấn, các em còn nhiều cơ hội cho đợt xét tuyển bổ sung. Tuy nhiên, các em cần lưu ý, không phải trường, ngành nào cũng dành chỉ tiêu xét tuyển bổ sung. Vì thế, nếu mong muốn được xét tuyển trong đợt này cần bám sát thông tin, hướng dẫn của cơ sở đào tạo mà mình dự định tham gia xét tuyển bổ sung.
“Từ ngày 6/9, những trường xét tuyển bổ sung sẽ có thông báo trên website. Thí sinh cần chủ động tìm hiểu thông tin để không bị “lỡ nhịp””, TS Võ Thanh Hải khuyến cáo, đồng thời cho biết, Trường ĐH Duy Tân sẽ xét tuyển bổ sung một số ngành nhưng chỉ tiêu không nhiều. Các em cần cập nhật thông tin để kịp thời nộp hồ sơ xét tuyển (nếu cần).
Nhấn mạnh, đến thời điểm này, công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh ngành Giáo dục Mầm non năm 2023 tương đối thành công, TS Võ Thanh Hải nhìn nhận, có 2 điểm sáng trong công tác này:
Thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành, không phải đăng ký xét tuyển theo tổ hợp và phương thức xét tuyển. Tiếp đó, là cách tính điểm ưu tiên khu vực và đối tượng. Theo đó, điểm thi của thí sinh càng cao, mức điểm ưu tiên càng thấp. Thí sinh đạt 30 điểm không còn được cộng điểm ưu tiên.
“2 yếu tố trên đã góp phần không nhỏ vào thành công chung của công tác tuyển sinh năm nay”, TS Võ Thanh Hải khẳng định, đồng thời viện dẫn, năm nay không có thí sinh đạt điểm xét tuyển vượt quá 30 và cũng không có thí sinh nào 30 điểm nhưng vẫn trượt đại học.
Đồng quan điểm, TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhìn nhận, bước đầu công tác tuyển sinh đã đạt được mục tiêu đề ra. Điểm chuẩn của các cơ sở giáo dục đại học tương đối ổn định, không có biến động bất thường.
Nhìn vào điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cho thấy, công tác làm đề thi ngày một tốt hơn. Điều này được thể hiện trên các phương diện: Ngân hàng đề thi phong phú, cách thức ra đề chuẩn hơn và đội ngũ làm đề thi ngày một chuyên nghiệp.
“Có một số thí sinh thủ khoa toàn quốc nhưng trượt nguyện vọng 1. Tuy nhiên, cơ sở đào tạo đã có giải thích rõ ràng, tường minh về trường hợp hy hữu này. Trên phương diện tuyển sinh, điều này cho thấy tính cạnh tranh cao và công bằng với mọi thí sinh”, TS Lê Viết Khuyến nhận định.
Thời điểm này, cơ sở đào tạo có kết quả cuối cùng để công bố điểm trúng tuyển cũng như danh sách thí sinh trúng tuyển. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay: Năm nay, Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung cung cấp nhiều nguồn dữ liệu hơn để hỗ trợ các trường sử dụng trong xét tuyển đợt 1.
Thí sinh cũng thuận lợi khi chỉ phải đăng ký xét tuyển theo ngành, không phải đăng ký xét tuyển theo tổ hợp và phương thức xét tuyển. Việc này tránh được nhầm lẫn đáng tiếc đã từng xảy ra như năm trước.
Xét ở mặt bằng chung, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy bày tỏ, kết quả bước đầu ghi nhận điểm trúng tuyển của các trường khá tương đồng với năm 2022. Đa số cơ sở đào tạo ghi nhận tích cực về số lượng thí sinh trúng tuyển với mức điểm chuẩn đã xác định và dữ liệu nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển.
Đặc biệt, nhờ tối ưu hóa các dữ liệu sử dụng để xét tuyển, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển gia tăng tích cực. Ngoài ra, việc áp dụng tính điểm ưu tiên theo Quy chế tuyển sinh và tối ưu hóa lựa chọn tổ hợp xét tuyển cho thí sinh nên nhìn chung điểm chuẩn không quá cao.
Từ điểm chuẩn của khối ngành đào tạo giáo viên, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ nhận xét, ngành Sư phạm vẫn có sức hút và cơ bản giữ được “phong độ”. Tuy nhiên tác động của Nghị định 116 dường như đang chững lại, không được như năm đầu tiên khi Nghị định này có hiệu lực.