Theo xếp hạng của tuần báo Xinmin có trụ sở ở Thượng Hải, vị trí đầu tiên trên sàn catwalk tham nhũng của Trung Quốc là Ding Ming - Cựu quan chức thu hồi đất ở thành phố Trùng Khánh.
“Không có bộ vest nào của tôi có giá dưới 10.000 nhân dân tệ (gần 35 triệu đồng)” - Ding khoe với một công tố viên sau khi anh ta bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ.
Cựu quan chức này được cho là sở hữu hơn 100 bộ vest, trong đó nhiều bộ được nhập từ Hong Kong, và 200 đôi giày thiết kế riêng của các hãng nổi tiếng như Gucci.
Sau khi bị bắt, Ding thậm chí còn tư vấn thời trang cho những người bắt mình: “Giày da cần được đánh xi thường xuyên”. Hiện nay, Ding chỉ được diện bộ đồng phục màu cam đơn giản của tù nhân khi đang chịu án 13 năm tù giam vì tội nhận hối lộ.
Vị trí thứ hai trong xếp hạng là Jiang Runli ở tỉnh Liêu Ninh, miền đông bắc Trung Quốc. Khi phụ trách lĩnh vực quy hoạch đất đai ở thành phố Phủ Thuận, Jiang tự nghĩ mình giống như bà Imelda Marcos - Vợ của cố Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos.
Trong khi bà Imelda Marcos nổi tiếng mê giầy, Jiang chi tiền kiếm bất hợp pháp cho những chiếc túi xách xa xỉ. Jiang sở hữu hơn 200 túi hàng hiệu, trong đó có chiếc giá tương đương hơn 611 triệu đồng.
Người ta gọi Jiang là “Nữ hoàng LV” vì Jiang mê túi xách của hãng Louis Vuitton. Biệt hiệu đó có vẻ theo Jiang vào tận trong tù, nơi Jiang đang chịu án tù chung thân vì tội nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực.
Bảng xếp hạng “xấu hổ” được đưa ra trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng. Những ví dụ về đảng viên giữ chức vụ cao bị “ngã ngựa” vì các cáo buộc tham nhũng giờ đã dày đặc; những báo cáo về quan chức bị mất chức xuất hiện trên báo chí Trung Quốc gần như mỗi ngày.
Nhóm công tác chống tham nhũng xác nhận, các nhà điều tra tìm thấy 200 triệu nhân dân tệ tiền mặt trong nhà của Wei Pengyuan, một quan chức của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia.
Chiến dịch chống tham nhũng cũng mở rộng ra khỏi nhà của các quan tham. Các nhà hàng và câu lạc bộ xa xỉ cũng bị giám sát trong những tháng gần đây nhằm “dập tắt sự xa hoa, lãng phí trong giới cán bộ nhà nước”, Nhật báo Thượng Hải đưa tin hôm qua.
Báo Xinmin nhận định, chiến dịch chống tham nhũng đang đóng “vai trò răn đe đặc biệt” vì một điều dễ nhận thấy là doanh số sản phẩm, dịch vụ xa xỉ ở Trung Quốc giảm mạnh.
Tuần trước, hai nhà hàng ở Thượng Hải phải đóng cửa vì tác động của chiến dịch chống lại “các bữa ăn xa xỉ”. Những nhà hàng đắt tiền đã “gây thiệt hại cho lợi ích công cộng, kích thích tham nhũng và gây bất mãn trong xã hội”, báo chí nhà nước Trung Quốc đưa tin. Bây giờ không còn ai có thể đặt bàn tại những địa chỉ bị bêu gương như nhà hàng Tianxibahao ở tỉnh Quảng Đông.