Xếp hạng đại học THE 2016: Châu Á thăng, châu Âu trầm

GD&TĐ - Trong bảng xếp hạng các trường đại học 2016 của tạp chí uy tín quốc tế Times Higher Education (THE), nhiều trường đại học hàng đầu Tây Âu đã tụt hạng so với năm trước, cùng đó là sự thăng hạng của nhiều trường châu Á…

Xếp hạng đại học THE 2016:  Châu Á thăng, châu Âu trầm

Nhiều tên tuổi châu Âu tụt hạng

Những trường đại học đứng đầu ở Anh đều sa sút thứ hạng, nguyên nhân được cho chủ yếu là do chính sách đa dạng hóa nguồn tuyển sinh.

Các trường hàng đầu, bao gồm cả Oxford và Cambridge, đều chịu sức ép chính trị rất lớn tuyển sinh viên thuộc cộng đồng thiểu số. Thủ tướng Anh, David Cameron, công kích các trường phân biệt chủng tộc và không nỗ lực để đa dạng hóa nguồn tuyển.

Đầu năm nay, ông Cameron dọa sẽ buộc các trường phải công khai tỉ lệ tuyển sinh đối với sinh viên thuộc cộng đồng thiểu số nhằm tăng sự minh bạch.

Sức ép này dường như đã buộc các trường đại học phải “chuyển hướng khỏi mục tiêu chính” là cải thiện chất lượng nghiên cứu và giảng dạy – sang ưu tiên thực hiện chính sách tuyển sinh “mở rộng” (chấp nhận tuyển sinh những SV không xuất sắc nhất) nhằm làm dịu áp lực chính trị.

Kết quả là, Trường Cambridge rơi từ vị trí thứ hai năm ngoái xuống vị trí thứ bốn; trong khi Oxford rơi từ thứ ba xuống thứ năm.

Số trường ĐH của Vương quốc Anh trong tốp 100 cũng giảm từ 12 năm ngoái xuống 10 trong năm nay. Bristol và Durham là 2 trường rơi khỏi tốp 100. Vương quốc Anh chỉ có 3 trường khác (ngoài Cambridge và Oxford) nằm trong tốp 30.

Sa sút thứ hạng còn nhìn thấy ở nhiều quốc gia Tây Âu. 4 trong 6 trường đại học của Đức trong tốp 100 tụt hạng trong xếp hạng năm nay.

Hà Lan cũng có 4 trong 5 đại diện thuộc tốp 100 bị tụt hạng.

Đan Mạch và Phần Lan thê thảm hơn là không còn đại diện nào trong tốp 100.

Thụy Điển là điểm sáng nhỏ nhoi tại châu Âu khi lần đầu tiên có 2 trường ĐH trong tốp 100 kể từ năm 2013 đến nay, tăng từ 1 đại diện năm ngoái.

Châu Á thăng tiến mạnh mẽ

Tính tổng cộng, các quốc gia châu Á có 18 trường đại học nằm trong tốp 100, tăng 8 trường so với năm ngoái.

Nhật Bản, Trung Quốc và Hồng Kông là những quốc gia và vùng lãnh thổ có các trường đại học thăng tiến mạnh mẽ nhất trên trường quốc tế - một diễn biến được coi như sự cân bằng quyền lực GD đại học “chầm chậm chuyển từ Tây sang Đông”.

Đại học Tokyo xếp hạng cao nhất tại châu Á với vị trí thứ 12 trên bảng xếp hạng thế giới. Trong khi Trung Quốc lần đầu tiên “khoan thủng” tốp 20 với đại diện là Trường ĐH Thanh Hoa xếp thứ 18. Đại học Bắc Kinh cũng có thứ hạng rất cao là 21.

Trong tốp 100 thế giới, xếp thứ tư châu Á là ĐH Quốc gia Singapore (thứ 26); ĐH Kyoto, Nhật Bản (thứ 27); ĐH Hồng Kông và ĐH Quốc gia Seoul (cùng thứ 45); ĐH Osaka (nhóm thứ hạng 51 – 60); ĐH Hồng Kông, Trung Quốc (nhóm 71 – 80).

Xếp hạng 10 trường đại học hàng đầu thế giới của THE

1. ĐH Harvard; 2. Viện Công nghệ Massachusetts; 3. ĐH Stanford; 4. ĐH Cambridge; 5. ĐH Oxford; 6. ĐH California – Berkeley; 7. ĐH Princeton; 8. ĐH Yale; 9. ĐH Columbia; 10. Viện Công nghệ California.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ