Rồi cô nức nở kể chuyện cuộc đời mình: 20 tuổi lấy chồng (sau 3 tháng yêu) - gần 21 tuổi sinh con – 22 tuổi vì mâu thuẫn với gia đình nhà chồng mà bỏ con, bỏ chồng sống ly thân cho đến bây giờ (25 tuổi)…
Cái ngày đau buồn nhất trong cuộc đời của cô là cận Tết. Cô về quê nói sự thật với cha mẹ trong bữa cơm. Đám bát, đĩa liền theo tay bố bay tới cô tới tấp. Đêm, cô tức tưởi bắt xe lên thành phố, thề không trở về, đi trông xưởng thuê qua đêm Giao thừa, qua ba ngày Tết… Tết ấy, bố mẹ đã không gọi cô trở về…
Thế nên, “Về nhà đi con!” - tiếng gọi những đứa con Huệ, Thư, Dương của ông Sơn trở về nhà có lẽ giờ đây đang trở thành niềm khát khao của biết bao người như L. Tiếng gọi ấy rõ ràng rất đỗi giản đơn mà sao không phải ông bố, bà mẹ nào cũng có thể cất lên? Chẳng lẽ, chỉ có thể là ông Sơn ở trong phim mới có thể cất lên thôi sao?
Nhưng, L. hay rất nhiều người con khác phần nào đã nhầm lẫn khi cho rằng bố mẹ có trách nhiệm phải gọi con trở về nhà, kể cả họ đang chối bỏ chính trách nhiệm làm mẹ như L. Sai rồi. Đâu phải lúc nào ông Sơn cũng gọi các con của ông trở về?
Chẳng phải, khi Huệ vướng mắc với tình cũ - Thành, bị cấp cứu trong bệnh viện, không nhà không cửa, ông Sơn nào có gọi cô về? Chẳng phải khi Dương hỗn hào, ông Sơn cũng “phớt lờ” luôn đấy thôi?
Ông Sơn chỉ gọi Huệ, Thư trở về nhà khi ông biết sự thật về Khải, về Vũ – những chàng rể không xứng đáng với các cô con gái mà ông ví là những “bình rượu mơ” quý.
Rõ ràng, để cất lên tiếng gọi “Về nhà đi con”, cất lên những lời tự thẳm sâu đáy lòng: “Giờ bố già rồi, lẩm cẩm, giáo điều. Nhưng bố có tình yêu, tình yêu và một ngôi nhà thì bất cứ lúc nào các con cũng có thể trở về”, ông Sơn lúc nào cũng có cái lý rất sâu sắc của riêng mình.
Cũng vì thế mà những đứa con của ông Sơn đã luôn yêu thương, tôn trọng cha hết mực, chứ không phải là những đứa con bất hiếu trong xã hội, bắt thóp cha mẹ sẽ gọi mình về nhà mà cứ mặc nhiên làm càn, làm sai.
Vậy đấy, “Về nhà đi con” – một bộ phim truyền hình Việt Nam đang khiến bao ông bố, bà mẹ và những đứa con rơi nước mắt không chỉ vì những câu chuyện tình cảm, những mối xung đột trong gia đình hay xã hội.
Bộ phim còn dành cho chúng ta những khoảng lặng cùng nghĩ suy về trách nhiệm gieo tình yêu, xây lòng tôn trọng trong mỗi người. Và, chỉ khi đó chúng ta mới có quyền ngóng chờ cha mẹ gọi: “Về nhà đi con!”.