Với tác phẩm “Tự truyện của Mãnh hổ đường số Chín”, độc giả có cơ hội được thấy cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc thông qua góc nhìn đặc biệt của một chiếc xe tăng.
Cuộc đời đáng nhớ
Những trang sách đầu tiên của tác phẩm được sử dụng để giới thiệu “quê hương” của chiếc xe tăng 555. Thì ra, quê hương của chiếc xe tăng anh hùng này “là Nhà máy chế tạo xe tăng mang tên Ki – rốp nằm ở ngoại vi thành phố Lê – nin – grát xinh đẹp và quyến rũ”.
Sau khi được xuất xưởng vào “một ngày đầu mùa Đông năm 1965”, xe tăng 555 đã trải qua chặng đường dài từ Liên Xô tới Việt Nam qua đường tàu hỏa, và tới ngày 14/10/1967 nó chính thức bắt đầu lên đường chiến đấu, để rồi từ đó tạo nên những chiến công vang dội.
Đó là khi gian nan, khó khăn không thể cản bước được xe tăng 555 tiến lên lập công trong trận đánh Tà Mây và Làng Vây. Tại cứ điểm Tà Mây, trở ngại đầu tiên đã xuất hiện khi nó bị đứt xích, làm nghẽn tuyến đường ngầm vượt suối.
Để rồi khi vượt qua được ngầm, và chiến thắng cận kề, xe tăng 558 lại bị đứt xích trước cánh cửa đã mở toang, tạo điều kiện để xe tăng 555 lao lên, chiếm cứ điểm. Tại cứ điểm Làng Vây, hỏa lực địch đã được tăng cường với các loại vũ khí chống tăng như DKZ và M72, gây tổn thất không nhỏ tới lực lượng xe tăng của quân đội ta.
Không chùn bước trước sự hi sinh anh dũng của các bạn xe tăng đồng đội, xe tăng 555 đã khéo léo di chuyển, tiến lên và phối hợp cùng với xe tăng từ Đại đội 9 hoàn thành chiếm đóng cứ điểm Làng Vây.
Hay đó là trận chiến đã làm nên tên tuổi của chiếc xe tăng 555 – trận chiến đánh chiếm điểm cao 543, nơi đóng Sở Chỉ huy Lữ đoàn Dù 3 ngụy Sài Gòn. Nó đã dùng mãnh đi đầu húc đổ cây, cùng với các xe tăng khác yểm trợ bộ binh cùng xung phong.
Rồi khi chứng kiến hai người bạn 546 và 563 phải dừng lại bởi dính bom, một mình 555 đã tiến lên. Kĩ năng lái xe tuyệt vời của lái xe Đặng Văn Đoàn, kết hợp với những loạt đạn chính xác của trưởng xe Nguyễn Văn Duyên và pháo thủ Nguyễn Thoảng, nó đã chiếm được điểm cao 543, bắt sống tướng ngụy Nguyễn Văn Thọ - Lữ trưởng Lữ đoàn Dù 3. Để rồi sau trận đánh ấy, xe tăng 555 được yêu mến đặt biệt danh là “Mãnh hổ đường số Chín”, và mãi được ghi nhớ tới tận ngày hôm nay.
Phẩm chất cao đẹp
Bên cạnh giới thiệu tới độc giả những chiến công lẫy lừng của chiếc xe tăng 555, tác phẩm còn khắc họa hình ảnh những người lính, người chiến sĩ. Thông qua những hành động, lời nói, cử chỉ, họ hiện lên không chỉ là những người chiến sĩ dũng cảm, mà còn có nhiều phẩm chất cao đẹp khác.
Đó là sự kiên trì, óc sáng tạo của những anh bộ đội Cụ Hồ. Họ tìm ra những giải pháp “có một không hai” để đáp ứng điều kiện, hoàn cảnh còn khó khăn khi ấy. Đó là cách “rửa chân” cho xe tăng “ngoài sách giáo khoa”: “Nếu như ở các khu để xe chính quy thì chúng tôi cứ việc trèo lên bệ rửa, còn những ông chủ chỉ việc cầm cái vòi phun nước với áp lực cao mà xối vào từng ngóc ngách một. […] Còn ở đây, người ta phải tháo rời chân chúng tôi ra thành từng đoạn rồi gánh xuống con suối gần đó để cọ rửa”.
Hay trên đường tiến lên điểm cao 543 có nhiều cây cối mà “Công binh không thể mở đường sẵn vì nếu chặt cây mở đường sẽ lộ bí mật”. Và, giải pháp “độc lạ” đã được ra đời: Công binh chỉ chặt 2/3 diện tích thân cây, còn lại 1/3 diện tích thân cây tận dụng sức mạnh xe tăng để húc đổ! Qua những hành động ấy, ta có thể thấy rằng, chỉ cần lòng kiên trì, cùng với sự sáng tạo vô biên, ta sẽ vượt qua mọi gian nan, thử thách.
Hay đó là sự yêu thương, sẻ chia với nhân dân của các anh bộ đội. Khi đi dã ngoại ở làng Giếng Êm, kíp điều khiển xe tăng 555 thường lấy phần của mình về cùng ăn với gia đình cho ở trọ. Bên ngoài tuy họ nói rằng “Lấy về ăn cho vui”, nhưng thực chất là muốn nhường suất ăn có phần đầy đủ của mình cho cụ già và các cháu nhỏ. Tất cả những hành động ấy đã nói lên tình nghĩa khăng khít giữa quân và dân ta trong thời kì chiến tranh, khốn khó.
Qua tác phẩm “Tự truyện của Mãnh hổ đường số Chín”, độc giả sẽ hiểu hơn về những trận đánh cứ điểm Tà Mây, Làng Vây và điểm cao 543 thông qua góc nhìn chân thực, mộc mạc của xe tăng 555.
Bên cạnh đó, độc giả còn có thể cảm nhận được những phẩm chất đáng quý như lòng dũng cảm, kiên trì, tháo vát và sự gắn bó, yêu thương nhân dân của những người lính, qua đó có thể tự rút ra những bài học sâu sắc, ý nghĩa cho bản thân mình.
Tác phẩm “Tự truyện của Mãnh hổ đường số Chín” của tác giả Nguyễn Khắc Nguyệt được giới thiệu tới độc giả bởi Nhà xuất bản Kim Đồng. Cuốn sách bao gồm 8 chương, với độ dài gần 200 trang, kể về cuộc đời của chiếc xe tăng “Mãnh hổ đường số Chín” - xe tăng bơi PT-76 số hiệu 555.