Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Chuyện của người chiến sĩ tiêu diệt cứ điểm 506

GD&TĐ - 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn luôn in đậm trong tâm trí của người cựu binh từng tham gia tiêu diệt cứ điểm 506.

Khoảnh khắc đời thường của người cựu binh năm xưa.
Khoảnh khắc đời thường của người cựu binh năm xưa.

Trung đoàn 300 người chỉ còn 7

Chúng tôi gặp Đại tá Hoàng Ngánh (SN 1936) quê Nghệ An, thương binh 4/4 tại ngôi nhà ở quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng trong những ngày tháng 5, khi cả nước tưng bừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Ở tuổi 88, có 70 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, trải qua 2 cuộc kháng chiến cứu nước, Đại tá Hoàng Ngánh vẫn nhớ như in những tháng ngày mà ông tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Ông Ngánh sinh ra và lớn lên ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Tháng 12/1953, ông tham gia cách mạng và đi bộ đội tại Trung đoàn 44, Quân khu 4. Đến ngày 1/1/1954, ông được bổ sung vào đơn vị Trung đội 82, Đại đội 505, Tiểu đoàn 115, Trung đoàn 175, Đại đoàn 312. Đơn vị ông có nhiệm vụ làm đường kéo pháo và chuẩn bị công sự cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 20/3/1954 khi bộ đội ta chuẩn bị đánh sân bay Mường Thanh, đơn vị của ông nhận lệnh đi phòng ngự và dồn địch, thu hẹp căn cứ Mường Thanh, lên cọc tiêu để cho pháo binh bắn phá. Mục tiêu của đơn vị là cứ điểm 506, trên điểm này có 10 điểm tựa của đối phương. Theo lời ông Ngánh, để ngăn chặn quân ta chiếm đánh, quân Pháp đã gia cố cứ điểm 506 rất chắc chắn bằng dây thép gai, bẫy mìn nhiều lớp… với phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Ngoài ra, nơi đây được bố trí vũ khí hiện đại, tối tân nhất lúc bấy giờ.

“Trái lại, quân ta chỉ có một số vũ khí được các nước Trung Quốc, Liên Xô viện trợ. Anh em chiến sĩ chúng tôi đầu trần, chân đất, ăn uống thì chỉ có cơm trắng và muối vừng. Thế nhưng chúng tôi cố gắng động viên nhau vượt qua gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ”, ông Ngánh nói.

Do cứ điểm 506 được đối phương bố trí chắc chắn nên ông và đồng đội phải đào hầm hang chồn để tiếp cận cứ điểm. Mỗi hầm bố trí 3 - 5 người đào, khi đến cửa hầm của đối phương, quân ta dùng thủ pháo, lựu đạn ném thẳng vào để tiêu diệt. “Mỗi điểm tựa như vậy chúng tôi đánh từ 5 - 7 ngày. Bởi vì khó nên chúng tôi phải tính toán chi li, 10 điểm tựa ở cứ điểm 506, trung đoàn chúng tôi đánh trong vòng 1 tháng mới xong”, người cựu binh kể.

Đến 15 giờ ngày 7/5/1954, trung đoàn của Đại tá Ngánh đánh chiếm xong cứ điểm 506, cùng lúc này bộ đội ta đã chiếm được sở chỉ huy của đối phương.

“Lúc này đồng chí Tạ Quốc Luật - người dẫn đầu tổ xung kích bắt sống Tướng De Castries thông báo tướng đối phương xin hàng. Anh em trung đoàn chúng tôi ai cũng thở phào. Nhưng khi nhìn lại, chúng tôi không khỏi đau đớn bởi cả trung đoàn 300 người chỉ còn sống 7 người. Lúc này, tôi không kìm được nước mắt mà khóc. Thương anh em đồng đội đã ngã xuống vì đất nước, vì hòa bình của dân tộc”, ông Ngánh nhớ lại.

Sau khi bắt sống được tướng De Castries, tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ông Ngánh được điều động tham gia giải giáp 1.500 tù binh Pháp, Âu - Phi và Mỹ. Trên đường giao tù binh, ông Ngánh vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và động viên.

“Lúc Bác Hồ đến, tôi đang đứng ở hàng đầu tiên nên Bác sang bắt tay chúc mừng và động viên sau đó hỏi tôi quê ở đâu. Khi tôi nói cháu quê Nghệ An thì Bác Hồ mới nói rằng Bác cũng quê Nghệ An. Bác vui khi gặp được một người đồng hương. Đây là kỷ niệm mà suốt đời tôi không bao giờ quên được”, ông Ngánh tâm sự.

Đại tá Hoàng Ngánh thời trẻ.

Đại tá Hoàng Ngánh thời trẻ.

Lên đường chi viện cho miền Nam

Sau khi Chiến thắng Điện Biên Phủ, các đơn vị được chia về các địa phương. Ông Ngánh ở Sư đoàn 312 và điều về tỉnh Bắc Giang để huấn luyện sẵn sàng lực lượng vào miền Nam chiến đấu.

Năm 1958, ông Ngánh chuyển sang bộ đội phòng không, Sư đoàn phòng không 367. Năm 1964, ông Ngánh về Trường Pháo binh (nay là Học viện Phòng không - Không quân Việt Nam) được phong hàm thiếu uý và tham gia giảng dạy ở phòng kỹ thuật.

Đầu năm 1972, ông Ngánh được điều làm trợ lý tác chiến Sư đoàn 365 tại Thọ Xuân (Thanh Hoá) để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đến ngày 11/4/1975, đơn vị của ông Ngánh cùng với nhiều đơn vị khác đồng loạt xuất quân vào miền Nam tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh cho đến ngày thống nhất đất nước.

“Chúng tôi, thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu, cống hiến trí tuệ, sức khoẻ, kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước để đem lại độc lập tự do cho dân tộc. Vì thế, thế hệ trẻ hãy cố gắng học tập để xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh. Đồng thời, luôn kiên định lý tưởng cộng sản, con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn”, Đại tá Hoàng Ngánh nhắn nhủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ