Nhiều phương án
Bộ GTVT vừa có Văn bản số 1077/BGTVT-VT gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã gửi phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ đối với nội dung quản lý xe dưới 9 chỗ ngồi theo 2 phương án. Phương án 1 là xe hợp đồng và phương án 2 là xe taxi. Tổng số phiếu gửi xin ý kiến là 27. Trong đó, có 26/26 thành viên Chính phủ thống nhất biểu quyết thông qua dự thảo nghị định để ban hành.
Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho biết có 15/26 thành viên Chính phủ chọn phương án 1 là xe hợp đồng; 8/26 thành viên Chính phủ chọn phương án 2 là xe taxi; 3/26 thành viên Chính phủ không chọn phương án nào và đề nghị đưa ra quy định riêng cho loại hình mới (không phải là taxi, cũng không phải xe hợp đồng). Có 10/26 thành viên Chính phủ có nội dung góp ý bổ sung gửi kèm theo phiếu ghi ý kiến.
Với phương án quản lý xe chở khách dưới 9 chỗ ngồi có ứng dụng phần mềm là xe taxi, Bộ GTVT cho rằng, chưa phù hợp với quy định của Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1, Điều 9, Luật Giao dịch điện tử năm 2005, trong hoạt động kinh doanh, các chủ thể được quyền tự lựa chọn sử dụng giao dịch điện tử; việc cản trở lựa chọn như trên vi phạm quy định tại Điều 9, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 (ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Tư pháp).
Đối với phương án quản lý xe chở khách dưới 9 chỗ được sử dụng hợp đồng điện tử, đồng thời xe taxi được sử dụng phần mềm tính tiền kết nối với hành khách (sau đây gọi tắt là phương án 2), Bộ GTVT chỉ ra mặt thuận lợi là phù hợp với ý kiến của 15 thành viên Chính phủ và ý kiến của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, VCCI; Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Tuy nhiên, mặt hạn chế của phương án này là phát sinh một số quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh (để đảm bảo công bằng, phân biệt với xe taxi và quản lý chặt chẽ đối với loại hình này) khi chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ. Ngoài ra, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng điện tử phải có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông; phát sinh chi phí để lắp đặt bảng điện tử trong xe đối với với khoảng 50.000 xe.
Lợi thế ứng dụng công nghệ
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng nêu rõ: Qua quá trình thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử thời gian qua, Bộ và các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thí điểm đúng loại hình đã cho phép, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy sự đổi mới trong hoạt động vận tải.
Quá trình thí điểm cho thấy, phương thức hoạt động của các xe sử dụng hợp đồng điện tử là tương đối giống với xe taxi (có nhiều nét tương đồng về phạm vi hoạt động chủ yếu trong đô thị, đối tượng khách hàng, phương thức gọi xe…). Mặc dù, việc quy định là xe taxi hiện còn có những hạn chế, bao gồm cả việc chưa phù hợp với một số luật hiện nay, nhưng đáp ứng được việc không triệt tiêu ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tạo thuận lợi cho công tác quản lý và không ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân.
“Vì vậy, trên cơ sở kết quả thí điểm và những nét tương đồng giữa xe taxi với xe dưới 9 chỗ ứng dụng hợp đồng điện tử, để tăng cường công tác quản lý đối với xe dưới 9 chỗ chở khách, Bộ GTVT đề xuất chọn phương án quản lý áp dụng quy định tất cả các xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng dưới 9 chỗ mà ứng dụng hợp đồng điện tử thì là xe taxi”, văn bản nêu rõ.
Liên quan đến những đề xuất trên, theo Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng, các xe hợp đồng dưới 9 chỗ bản chất là hoạt động kinh doanh vận tải nên phải được coi là taxi. Các xe này phải có bộ nhận diện riêng để phân biệt với xe gia đình. Việc quy định cả taxi truyền thống và taxi công nghệ đều là taxi là đúng bản chất, bảo đảm dễ quản lý và bình đẳng các nghĩa vụ, trách nhiệm. Còn doanh nghiệp nào ứng dụng công nghệ tiên tiến, doanh nghiệp đó sẽ có lợi nhuận cao hơn.
Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cũng nhấn mạnh, bản chất cùng là hoạt động taxi nhưng Grab lại là xe hợp đồng điện tử với quy định quản lý lỏng lẻo hơn và rất ít nghĩa vụ với Nhà nước, người lao động, khách hàng. Phương án đề xuất của Bộ GTVT sẽ giúp khách hàng, cơ quan quản lý dễ nhận diện đối tượng và dễ quản lý hơn, tạo bình đẳng các nghĩa vụ và trách nhiệm giữa các loại hình.