Mặc dù TP HCM chỉ cho phép phụ thu giá vé dịp Tết từ 10-60% nhưng nhiều nhà xe thu vượt 120-160% (Trong ảnh: Tăng cường xe tại bến xe Miền Đông phục vụ người dân về quê đón Tết) - Ảnh: Đỗ Loan
Xe khách bán vé phụ thu trên 160%
Chiều 18/1, theo tìm hiểu của PV, một số nhà xe ở Bến xe Miền Đông TP HCM bán vé cao ngất ngưởng so với ngày thường. Khi PV liên lạc hỏi mua vé tết tuyến TP HCM - Hà Nội ngày 24 tháng Chạp, nhân viên bán vé hãng xe Hoàng Long cho biết, nhà xe còn khoảng 15 vé giường nằm ngày 24 tháng Chạp nhưng giá vé chênh lệch theo giờ đi. Cụ thể, đi 7h sáng giá vé 1.899.000 đồng, 17h30 giá vé 1.999.000 đồng, 21h là 2.150.000 đồng. Riêng ngày cao điểm 27 tháng Chạp, giá vé lên đến 2.500.000 đồng. Như vậy, trong một ngày, từ sáng đến tối, giá vé đã chênh lệch 250.000 đồng. Ngày thường vé giường nằm khoảng 700.000 - 800.000 đồng, cao điểm dịp Tết được phụ thu thêm 60%, tương đương 1.280.000 đồng. Như vậy, trường hợp hãng xe Hoàng Long đã bán vé phụ thu vượt 160%.
Tương tự, một số nhà xe như Cúc Tùng, Chín Nghĩa chạy tuyến miền Trung cũng đẩy giá vé lên rất cao. Theo tìm hiểu của PV, nhà xe Chín Nghĩa chạy tuyến Sài Gòn - Quảng Ngãi bán vé ngày 24 tháng Chạp là 610.000 đồng/vé ghế ngồi, 1.185.000 đồng/vé giường nằm. Ngày 26 tháng Chạp nhà xe này không còn vé, ngày 27 chỉ còn vé ghế ngồi. Theo tìm hiểu, ngày thường, giá vé xe Chín Nghĩa là 340.000 đồng/vé giường nằm, nếu thêm 60% giá vé phụ thu sẽ tương đương khoảng 544.000 đồng. Thế nhưng, dịp Tết này nhà xe đã tăng vượt mức cho phép 140%.
Ngoài ra, nhà xe Phượng Hoàng tại Bến xe Miền Đông cũng tăng vượt phụ thu. Cụ thể, khi PV gọi điện hỏi thông tin giá vé đi TP HCM - Hà Nội, nhân viên bán vé cho biết, từ ngày 20 - 28 tháng Chạp, giá 1.600.000 đồng/vé giường nằm, ngày 24 còn nhiều vé, riêng ngày 27 không còn vé. Theo tính toán, ngoài mức phụ thu được phép 60%, nhà xe này đã thu vượt 40%.
Trong khi đó, Phương Trang là một trong những doanh nghiệp vận tải thực hiện nghiêm túc việc phụ thu giá vé đúng quy định, thậm chí công ty này còn thu hồi lại 400 vé bán cao hơn giá niêm yết để chống đầu cơ vé. Ông Đặng Trọng Hiền, Tổng giám đốc Công ty CP Xe khách Phương Trang cho biết: “Nhiều người mua vé của công ty trên mạng sau đó bán lại cho hành khách với giá cao hơn. Khi phát hiện, công ty đã thu hồi các vé trên để không làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị”. Ngoài ra, để đảm bảo phục vụ người dân trong dịp Tết, công ty đã bố trí thêm phương tiện để giải tỏa khách. Cụ thể, tăng cường 60 xe tại Bến xe Miền Đông, 80 xe tại Bến xe Miền Tây; tăng cường 60 xe giường nằm đi các tỉnh miền Trung, thêm mới 120 xe trung chuyển 16 chỗ phục vụ khách. Công ty đã quán triệt các lái xe chấp hành nghiêm túc luật giao thông, đảm bảo an toàn khi vận chuyển khách.
Hành khách mua vé tại Bến xe Miền Đông sáng 20/1 - Ảnh: Sỹ Đồng
Xử lý phụ thu vượt mức cho phép thế nào?
Trao đổi với PV về thông tin một số nhà xe bán vé xe Tết vượt mức phụ thu cho phép, đại diện phòng vận tải (Sở GTVT TP HCM) cho biết, hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp vận tải xe khách đều trình Sở đề xuất tăng từ 20 - 60% phụ thu giá vé tùy thời điểm, lộ trình. Việc kê khai tăng giá vé dịp Tết để các doanh nghiệp bù vào chiều chạy rỗng từ tuyến tỉnh trở về thành phố và chi trả các chi phí đều tăng trong dịp Tết. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp trong bến phải đảm bảo đủ xe phục vụ người dân, các điều kiện về an toàn, phòng chống cháy nổ, chạy đúng tuyến, chở đúng số ghế theo quy định. Giá vé trên phải được công khai niêm yết tại điểm bán vé trong các bến xe. Nếu nhà xe nào không chấp hành, thu quá giá quy định sẽ bị xử phạt theo quy định.
“Thông tin về những nhà xe bán vé cao hơn quy định, Sở sẽ phối hợp với đơn vị liên quan kiểm tra lại. Sắp tới, Thanh tra Sở Tài chính sẽ phối hợp với Thanh tra Sở GTVT kiểm tra tình hình giá vé, điều kiện an toàn tại các bến xe trên địa bàn”, vị đại diện Sở GTVT cho hay.
Cũng theo vị này, thực tế các doanh nghiệp niêm yết giá tại quầy vé đúng với giá quy định của nhà nước. Tuy nhiên, việc các nhân viên các hãng xe thông tin về giá vé vượt quá quy định sẽ rất khó để xử lý. Thanh tra Sở Tài chính sẽ phối hợp với ngành giao thông để kiểm tra vấn đề này, nếu có việc bán giá vé sai quy định sẽ có hình thức xử lý nghiêm.
Ông Kiều Nam Thành, Giám đốc Bến xe Miền Đông cũng cho biết, theo quy định, các nhà xe đăng ký bán vé tại bến xe chỉ được bán vé đúng giá niêm yết, mức phụ thu từ 20 - 60% đã được Sở GTVT chấp thuận. Tất cả những thông tin về giá vé sẽ được niêm yết công khai tại quầy bán vé và trên website của các hãng. Nếu nhà xe nào vẫn tổ chức bán vé cao hơn mức phụ thu, bến xe sẽ kiểm tra và xử phạt theo quy định”.
Tuy nhiên, hiện có tình trạng nhiều xe chạy hợp đồng bên ngoài, không vào bến nên dù có tăng giá vé liên tục trong những ngày giáp Tết nhưng lại không được kiểm soát. Anh Nguyễn Thế An (Thừa Thiên - Huế) cho biết, vừa đặt mua 3 vé về quê ngày 26 tháng Chạp với giá 1.800.000 đồng, trong khi ngày thường đi chỉ 500.000 đồng/vé. “Khách điện thoại đến đặt chỗ, muốn chắc ăn thì đến văn phòng của nhà xe lấy một tờ giấy có thông tin ngày đi, số giường và trả tiền. Đến ngày xuất phát, nhà xe sẽ điện để đón khách về quê”, anh Thế An cho hay.
Ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP HCM cho biết, với loại hình xe hợp đồng, giá vé do thỏa thuận giữa nhà xe và hành khách chứ không bị kiểm soát bởi trần cho phép tăng phụ thu của Nhà nước. Thanh tra Sở GTVT cũng không kiểm soát được giá vé của những loại xe hợp đồng này. “Sắp tới, chúng tôi tăng cường tập trung lực lượng xử lý các loại xe hợp đồng đón trả khách không đúng nơi quy định, đặc biệt là trên các tuyến quốc lộ, nội đô để đảm bảo trật tự giao thông”, ông Khánh chia sẻ.