Xe đạp: Chuyện nhỏ mà lớn

Kẹt xe, ùn tắc giao thông (UTGT) đã và đang là vấn đề lớn của mọi đô thị trên thế giới, không riêng đô thị Việt Nam. Đặc biệt ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh UTGT đã trở thành nỗi “ám ảnh” của cư dân và là nỗi lo thường trực của những nhà quản lý.

Xe đạp: Chuyện nhỏ mà lớn

Do nhiều nguyên nhân, nhưng phương tiện cá nhân nhất là xe máy đang được nhận diện là một trong những “thủ phạm” chính. Công bằng mà nói, không ở đâu trên thế giới nhiều xe máy như ở Việt Nam. Xe máy là “dân sinh”, xe máy là UTGT.

Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, người có nhiều năm nghiên cứu về giao thông đô thị, để “bùng nổ” số lượng xe máy như hiện nay có lỗi của cơ quan chức năng - hay nói cách khác, là tầm nhìn của cơ quan chức năng chưa theo kịp với sự phát triển, chứ không phải lỗi của người dân.

Xe máy được cho là thủ phạm chính khiến xảy ra tình trạng UTGT hiện nay.

Gần đây là Hà Nội đang xây dựng Đề án tăng cường quản lý phương tiện cá nhân nhằm giảm UTGT, đang tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện trước khi báo cáo Thành ủy, UBND TP Hà Nội. Đề án có đề cập đến việc cấm xe máy.

Đây là câu chuyện không hề nhỏ. Việc cấm xe máy vào nội đô cũng ảnh hưởng đến công việc của hàng triệu người lao động. Mỗi ngày có 12 - 13 triệu người lưu thông ở Hà Nội bằng xe máy.

Điều dễ nhận thấy do yếu kém về quy hoạch và sự gia tăng dân số “khủng khiếp”, trong khi phương tiện vận tải công cộng (PTVTCC) không đáp ứng thuận tiện nhu cầu đi lại của người dân nên nếu “cấm xe máy” sẽ trở thành câu chuyện lớn.

Tất nhiên, nếu “cấm”, Hà Nội cũng sẽ làm thí điểm. Khi triển khai để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân tại khu vực nội đô (vành đai 1) sẽ lựa chọn các tuyến có đầy đủ hạ tầng từ trông giữ phương tiện đến việc vận hành hiệu quả các PTVTCC để đáp ứng tốt nhất.

Không thể “cưỡng bức” cuộc sống. Phải có tầm nhìn và lộ trình.

Trong khi “thả rông” xe máy thì chúng ta lại “quên” và “ghẻ lạnh” dần với xe đạp. Tại các nước phát triển, xe đạp hiện nay là phương tiện giao thông được khuyến khích sử dụng nhằm giảm UTGT và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo 5 địa phương gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ phải triển khai đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền người dân sử dụng xe đạp, góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an toàn giao thông và chống UTGT.

Tuy nhiên, hình như câu chuyện này cũng đã bị “bỏ quên”?

PTVTCC kết hợp với cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng đã được nhiều nước sử dụng thành công trong “cuộc chiến” chống UTGT.

Xe dap, chuyen nho ma lon - Anh 2

Sử dụng xe đạp góp phần giảm thiểu UTGT, cải thiện môi trường tại các thành phố lớn. Ảnh minh họa

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - hàng ngày vẫn đi làm bằng xe đạp mặc dù ông có tiêu chuẩn xe ô tô.

Ông cho rằng, nếu được tổ chức khoa học, kết nối hiệu quả với hệ thống PTVTCC, xe đạp sẽ góp phần giảm UTGT, cải thiện môi trường tại các thành phố lớn.

Xe đạp là câu chuyện không hề nhỏ!

Theo Pháp Luật Plus

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ