Xe chở cây cao su ở Kon Tum cày nát đường vào khu sản xuất

GD&TĐ - Người dân ở xã Tân Cảnh (huyện Đăk Tô) gặp không ít khó khăn khi canh tác, vận chuyển nông sản… vì đường dẫn vào khu sản xuất bị hư hỏng nặng!

Đường xuất hiện những hố sâu khiến người dân khó khăn khi di chuyển. Ảnh: Trúc Hân
Đường xuất hiện những hố sâu khiến người dân khó khăn khi di chuyển. Ảnh: Trúc Hân

Nhiều ngày qua, người dân ở xã Tân Cảnh (huyện Đăk Tô) gặp không ít khó khăn khi canh tác, vận chuyển nông sản… vì đường dẫn vào khu sản xuất bị hư hỏng.

Tuyến đường vào khu sản xuất ở thôn 3 (xã Tân Cảnh) có chiều dài hơn 2km. Đây là tuyến đường duy nhất dẫn đến khu sản xuất của 300 hộ dân thôn 1 đến thôn 5 với diện tích khoảng 500 ha trồng cao su, cà phê, bời lời, sầu riêng...

Những năm qua, người dân vẫn canh tác, vận chuyển nông sản từ khu sản xuất ra đường Hồ Chí Minh. Thế nhưng khoảng 2 tháng qua, đơn vị nhận khai thác, vận chuyển gỗ cây cao su của Nông trường Cao su Tân Cảnh (Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum) di chuyển qua lại khiến con đường bị hư hỏng, xuống cấp.

Mỗi ngày, những chiếc xe chở cây tấp nập ra vào khiến mặt đường xuất hiện nhiều hố sâu hoắm. Ngày mưa nước đọng lại gây khó khăn và nguy hiểm cho người dân khi di chuyển qua lại.

Gia đình bà Mai Thị Loan (thôn 3) có 5 ha trồng cà phê, cao su. Thế nhưng 2 tháng qua, đường hư hỏng khiến việc đi lại để chăm sóc, thu hoạch mủ cao su gặp nhiều khó khăn.

Trước đó, mỗi ngày gia đình bà thu hoạch được khoảng 3 triệu đồng tiền bán mủ cao su. Tuy nhiên gần 1 tháng qua, xe chở mủ cao su không thể vào được nên bà Loan cũng dừng việc thu hoạch.

Còn ông Nguyễn Nhật Nghị (thôn 2, xã Tân Cảnh) cho biết, trước đây vào ngày mưa hay nắng người dân vẫn đi lại bình thường. Kể từ khi đơn vị khai thác gỗ cao su vận chuyển khiến đường bị hư hỏng nặng. Đặc biệt vào ngày mưa đường càng trơn trượt và xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi. Điều này ảnh hưởng đến việc di chuyển, thu hoạch nông sản của người dân, gây thiệt hại về kinh tế.

“Chúng tôi đề nghị trong quá trình vận chuyển cây cao su, đơn vị vận chuyển làm hư hỏng đến đâu, sửa đến đó. Như vậy mới đảm bảo việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân.

Cùng với đó, chính quyền địa phương cần có biện pháp can thiệp kịp thời, yêu cầu đơn vị khai thác thực hiện như cam kết để đảm bảo an toàn khi di chuyển, như vậy người dân mới yên tâm canh tác”, ông Nghị nói.

kon tum xe cho cay cao su cay nat duong vao khu san xuat (1).jpg
Đường vào khu sản xuất của người dân bị xe chở gỗ cây cao su cày nát. Ảnh: Trúc Hân

Ông Mai Huy Hưng - Chủ tịch UBND xã Tân Cảnh cho hay, xã đã mời đơn vị khai thác cùng đại diện Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, các thôn trưởng lên làm việc, thống nhất phương án khai thác, vận chuyển.

Qua làm việc, đơn vị khai thác, vận chuyển cam kết đường hư hỏng đến đâu sẽ khắc phục đến đó. Đồng thời, sau khi hoàn thành khai thác sẽ khắc phục hoàn trả lại hiện trạng ban đầu.

Ông Hưng cho biết, phía đơn vị khai thác không khắc phục ngay những hư hỏng như đã cam kết nên người dân ngăn cản, không cho xe chở gỗ lưu thông. Do đó, địa phương yêu cầu đơn vị khai thác tạm dừng việc vận chuyển gỗ để khắc phục những hư hỏng, đảm bảo cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản.

Theo ông Hưng, để tránh ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân phía đơn vị khai thác đã nộp trước 50 triệu đồng cho địa phương quản lý. Sau khi khai thác xong, nếu đường bị hư hỏng thì đơn vị khai thác phải khắc phục trả lại hiện trạng ban đầu. Trường hợp đơn vị này không khắc phục thì số tiền trên sẽ được sử dụng để sửa chữa, đảm bảo việc đi lại của người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ