Dân đồng lòng
Những năm qua, vào mùa mưa bão nhiều diện tích đất đai, hoa màu của người dân dọc sông Đăk Snghé (đoạn qua trung tâm huyện Kon Rẫy, Kon Tum) bị cuốn trôi, sạt lở. Người dân lo ngại nếu tình trạng này kéo dài sẽ không dừng lại ở đất canh tác mà ngay cả làng, nhà ở cũng bị dòng nước “nuốt chửng”.
Thấu hiểu sự lo lắng, bất an của người dân, UBND tỉnh Kon Tum quyết định đầu tư xây dựng tuyến kè 2 bên bờ sông dài 1km nhằm bảo vệ khu dân cư và khu trung tâm hành chính huyện Kon Rẫy. Tổng kinh phí xây dựng là 130 tỷ đồng từ nguồn vốn khắc phục bão lũ của Trung ương.
Thế nhưng, việc xây bờ kè cũng ảnh hưởng đến hơn 4ha đất sản xuất của 21 hộ dân xã Đăk Ruồng và Tân Lập (huyện Kon Rẫy). Trong khi đó, dự án không có kinh phí để đền bù hỗ trợ cho người dân khiến chính quyền địa phương đau đáu.
Chỉ sau ít ngày tuyên truyền, vận động, 21 hộ dân của 2 xã đồng tình hưởng ứng hiến đất làm bờ kè.
Gia đình A Nhuông có hơn 600m2 đất và cây trồng đang cho thu hoạch. Mặc dù, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng hay tin các cấp chính quyền quan tâm, xây bờ kè chống sạt lở cho người dân vợ chồng anh chị tình nguyện hiến đất.
“Trước đây, mỗi khi mưa bão sông Đăk Snghé lại bị sạt lở, xói mòn sâu vào đất canh tác của người dân. Không chỉ đất mà nhiều khi hoa màu cũng bị cuốn trôi, gây thiệt hại nặng nề.
Biết tin chính quyền sẽ làm bờ kè, vợ chồng tôi bàn bạc với nhau và quyết định hiến hết 600m2 đất. Dù diện tích đất canh tác giảm xuống, nhưng góp phần bảo vệ được nương rẫy cho cả dân làng là gia đình tôi sẵn lòng”, anh A Nhuông chia sẻ.
Nhà chị Y Kan (trú xã Đăk Ruồng) cũng có đất thuộc khu vực xây dựng kè chống sạt lở. Nắm được thông tin, chị Y Kan vừa mừng, vừa lo. Mừng vì bờ kè xây dựng đất đai của người dân sẽ không bị nước cuốn trôi nữa. Còn lo vì sẽ mất một phần đất của gia đình, cây trồng cũng bị ảnh hưởng.
Thế nhưng trước những thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra trong thời gian qua, chị Y Kan quyết định hiến 450m2 đất và di dời tài sản, cây trồng để bàn giao đất phục vụ thi công kè.
“Đất đai, cây trồng của gia đình sau bao năm làm lụng mới tích góp mua được nên ban đầu tôi cũng tiếc và buồn lắm. Nhưng nghĩ đến tương lai sau này, khi bờ kè được xây dựng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả làng tôi tình nguyện hiến đất”, chị Y Kan tâm sự.
Thuận lợi thi công
Theo ông A Loan, trưởng thôn Kon Skôi (xã Đăk Ruồng), thôn có 165 hộ, trong đó có khoảng 50 hộ sống dọc sông Đăk Snghé.
Những năm qua, mỗi khi vào mùa mưa nhiều diện tích đất canh tác của người dân bị sạt lở. Không những vậy, một số nhà dân cũng bị ảnh hưởng bởi nước lũ gây hư hỏng, thiệt hại. Khi mùa mưa đến gần, người dân luôn nơm nớp lo sợ và mong muốn có bờ kè bảo vệ chắc chắn, lâu dài.
“Bờ kè được triển khai xây dựng, người dân ai nấy đều vui mừng. Tôi mong bờ kè sớm hoàn thành để dân làng không còn nỗi lo sạt lở mỗi khi mùa mưa đến. Từ đó, người dân yên tâm sinh sống, lao động sản xuất để phát triển kinh tế”, ông A Loan nói.
Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho hay, dọc hai bên bờ sông Đăk Snghé có gần 350 hộ với trên 1.300 người dân của xã Đăk Ruồng và Tân Lập sinh sống. Ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ gây xói lở đất, khiến lòng sông ngày càng lấn sâu vào làng, đe dọa đời sống người dân.
Kè chống sạt lở bờ sông Đăk Snghé là mong mỏi của người dân 2 xã Tân Lập và Đăk Ruồng bao năm qua. Người dân luôn mong dự án sớm triển khai đầu tư để bảo vệ làng, giúp phát triển kinh tế ven sông.
Do đó, ngay sau khi UBND tỉnh Kon Tum quyết định đầu tư xây dựng tuyến kè 2 bên bờ sông và bố trí được nguồn vốn, chính quyền địa phương đã họp và vận động, giải thích cho người dân hiểu nhằm tạo sự đồng thuận. Chỉ sau vài ngày, 21 hộ đã đồng ý, tự nguyện hiến hơn 4ha đất và tài sản trên đất với giá trị trên 1 tỷ đồng để xây dựng kè.
“Đây là công trình trọng điểm mà công tác giải phóng mặt bằng triển khai nhanh nhất và được dân ủng hộ nhiều nhất. Đặc biệt, những hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số mặc dù cuộc sống còn khó khăn nhưng họ sẵn sàng hiến đất vì lợi ích của tập thể. Điều đó rất đáng quý và trân trọng”, ông Thủy nói.
Còn theo ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh (chủ đầu tư dự án kè), việc người dân hiến đất đã đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để nhà thầu thi công bờ kè.
Ban Quản lý đang đôn đốc nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ để công trình sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả như kỳ vọng và mong mỏi của người dân dọc bên bờ sông bấy lâu nay.