Kon Tum: Bệnh viện bù lỗ khi lò đốt chất thải y tế 'ốm'

GD&TĐ - Thời gian sửa chữa lò đốt chất thải y tế, Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum dự kiến bù lỗ từ 12 đến 15 triệu đồng/tháng.

Trong thời gian tìm nhà thầu, chờ sửa chữa, hàng tháng Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum chi hàng chục triệu hợp đồng xử lý chất thải.
Trong thời gian tìm nhà thầu, chờ sửa chữa, hàng tháng Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum chi hàng chục triệu hợp đồng xử lý chất thải.

Trong thời gian sửa chữa lò đốt chất thải y tế, Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum dự kiến bù lỗ từ 12 đến 15 triệu đồng/tháng để thuê xử lý chất thải.

Cấp 441 triệu đồng để sửa chữa

Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum là Bệnh viện hạng III, quy mô 205 giường bệnh. Đây là tuyến khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại cao nhất của tỉnh Kon Tum.

Tuy nhiên, do hoạt động với công suất cao nên lò đốt chất thải rắn y tế nguy hại tập trung CKT-100 của bệnh viện đã xuống cấp, hư hỏng một số bộ phận.

Trước tình trạng trên, năm 2024 Sở Y tế Kon Tum cấp cho bệnh viện 441 triệu đồng để sửa chữa. Phía bệnh viện cũng tiến hành quy trình đấu thầu để lựa chọn đơn vị phù hợp và sửa chữa lò đốt chất thải rắn y tế tập trung CKT-100.

Thời gian thực hiện quy trình đấu thầu, mỗi tháng bệnh viện thu gom khoảng 9 tấn chất thải rắn y tế. Trong thời gian chờ sửa chữa, bệnh viện liên hệ với Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi để xử lý chất thải rắn. Tuy nhiên, lò đốt của Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi cũng xuống cấp nên không đủ khả năng.

Do đó, Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum xin ý kiến Sở Y tế ký kết hợp đồng với Công ty Môi trường Hậu Sanh (tỉnh Bình Định) để thu gom và xử lý số lượng chất thải rắn y tế trong thời gian sửa chữa.

Dự kiến, đơn giá ký kết hợp đồng với Công ty Môi trường Hậu Sanh thu gom và xử lý chất thải rắn y tế là 19.000 đồng/kg. Với mức giá như vậy dự kiến 1 tháng Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum phải bù lỗ từ 12 đến 15 triệu đồng.

Theo Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum, đơn vị đang gặp nhiều khó khăn về vấn đề kinh phí. Do đó, trước mắt bệnh viện sẽ cố gắng cân đối, bù lỗ phần kinh phí trên. Tuy nhiên, nếu thời gian sửa chữa kéo dài, bệnh viện mong nhận được sự quan tâm, chia sẻ của Sở Y tế tỉnh Kon Tum và các đơn vị trong cụm xử lý rác.

kon tum benh vien bu lo khi lo dot chat thai y te om (1).jpg
Lò đốt chất thải y tế tại Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum hư hỏng, xuống cấp.

Xử lý lò đốt không hoạt động thế nào?

Ông Trần Ái, Phó Giám đốc Sở Y tế Kon Tum cho biết, Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng có 2 hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại, gồm: Hệ thống xử lý bằng phương pháp đốt (dầu DO) và hệ thống xử lý bằng công nghệ vi sóng (là công nghệ xử lý chất thải y tế thân thiện với môi trường).

Theo ông Ái, hệ thống xử lý chất thải bằng công nghệ vi sóng vẫn hoạt động bình thường, nhưng không xử lý được các chất thải rắn sắc nhọn, cứng (do lưỡi dao cắt phải các vật cứng sẽ gãy). Do đó phía bệnh viện vẫn sử dụng công nghệ đốt (bằng dầu DO) để xử lý loại chất thải này.

Lò đốt chất thải rắn y tế nguy hại tập trung CKT-100 được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động từ tháng 3/2020. Tuy nhiên, trong đợt dịch Covid-19 kéo dài, lò đốt phải hoạt động liên tục với công suất xử lý bình quân từ 350 - 400 kg/ngày.

Do phải vận hành liên tục, nên dù được bảo dưỡng, lò vẫn bị xuống cấp, hỏng hóc không đảm bảo công suất, hiệu quả hoạt động như ban đầu. Điều đó ảnh hưởng đến công tác xử lý chất thải rắn y tế nguy hại. Trước thực trạng đó, Sở Y tế Kon Tum đã bố trí kinh phí 441 triệu đồng cho Bệnh viện Y dược cổ truyền – Phục hồi chức năng sửa chữa để đưa hệ thống vận hành tốt.

“Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng đang thực hiện các bước theo đúng quy định để lựa chọn nhà thầu sửa chữa. Dự kiến năm 2025, Sở Y tế tiếp tục bố trí kinh phí sửa chữa, duy tu, bảo trì, bảo dưỡng để lò đốt vận hành đảm bảo chất lượng quy định. Trong thời gian sửa chữa, bệnh viện hợp đồng với Doanh nghiệp tư nhân Hậu Sanh (Bình Định) để xử lý phần chất thải rắn y tế sắc nhọn, cứng”, ông Ái nói.

Từ năm 2018, việc đầu tư 2 cụm xử lý chất thải rắn y tế nguy hại (công nghệ vi sóng) tại Bệnh viện Y dược cổ truyền – Phục hồi chức năng và Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Sau đó, UBND tỉnh có quyết định thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình cụm trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Do đó, toàn bộ chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum được chuyển đến khu xử lý chất thải rắn y tế nguy hại của Bệnh viện Y Dược cổ truyền - Phục hồi chức năng. Kể từ đó, lò đốt chất thải y tế nguy hại tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum hoạt động không thường xuyên mà chuyển sang định kỳ để duy trì tránh hỏng hóc.

Theo ông Ái, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đang mời các đơn vị liên quan đánh giá hiện trạng lò đốt để có cơ sở đề xuất phương án xử lý. Đồng thời có kế hoạch điều chuyển đến khu xử lý chất thải rắn y tế nguy hại của Bệnh viện Y dược cổ truyền – Phục hồi chức năng để tăng cường khả năng xử lý chất thải rắn y tế cho cụm.

Trước đó, Báo Giáo dục và Thời đại có bài viết về việc lò đốt chất thải rắn y tế nguy hại tập trung của Bênh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum hư hỏng, xuống cấp. Còn 2 lò đốt chất thải y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum không thể hoạt động nên ảnh hưởng đến công tác xử lý chất thải y tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng cùng người dân Yên Bái xuyên đêm canh lũ.

Người dân Yên Bái trắng đêm canh lũ

GD&TĐ - Tính đến sáng 9/9, bão số 3 đã làm 3 người chết, 4 người bị thương, nước sông dâng cao liên tục khiến người dân Yên Bái trắng đêm canh lũ.

Cổng Trời - Hoành Sơn Quan tọa lạc trên đỉnh Đèo Ngang (xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Ảnh: Phượng Vũ.

Cổng Trời 200 tuổi trên đỉnh Đèo Ngang

GD&TĐ - Hoành Sơn Quan nằm trên đỉnh Đèo Ngang, thuộc ranh giới hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, người dân địa phương thường gọi di tích trên là 'Cổng Trời'.

Khắp Firozabad, đâu đâu cũng có người bán vòng tay thủy tinh. Ảnh: Bbc.com

Độc đáo nghề lọc vàng từ rác

GD&TĐ - Firozabad (Ấn Độ), 'kinh đô buôn bán vòng tay thủy tinh', xuất hiện một nghề không ai ngờ tới là lọc vàng từ rác sản xuất vòng tay.