“Xế cà tàng”… kể chuyện

GD&TĐ - Những chiếc xe máy cũ kỹ - “xế cà tàng” của đoàn người từ các tỉnh phía Nam trở về quê tránh dịch được trưng bày ở một hội quán tại Đà Nẵng. Mỗi chiếc xe là một câu chuyện khó quên.

Những chiếc xe máy cũ kỹ của đoàn người từ miền Nam về quê tránh dịch khi đi qua Đà Nẵng đã bị hư hỏng và được nhà hảo tâm tặng xe máy mới về quê. Xe máy cũ này được trưng bày tại số 117 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ).
Những chiếc xe máy cũ kỹ của đoàn người từ miền Nam về quê tránh dịch khi đi qua Đà Nẵng đã bị hư hỏng và được nhà hảo tâm tặng xe máy mới về quê. Xe máy cũ này được trưng bày tại số 117 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ).

Gãy đầu, đứt xích, chết tại điểm dừng chân…

Thời gian gần đây, nhiều người dân Đà Nẵng đến số 117, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để check-in với những chiếc “xế cà tàng”. Đây là những chiếc xe máy của đoàn người từ phía Nam trở về quê tránh dịch bỏ lại khi đi qua Đà Nẵng.

Vượt cả ngàn cây số, khi đến Đà Nẵng, những chiếc xế cà tàng này có chiếc thì gãy đầu, thủng lốp, chiếc thì đứt xích… không thể chạy tiếp được. Chính quyền và người dân thành phố đã quyên góp và tặng xe mới cho người dân tiếp tục hành trình về quê. Những chiếc xe cũ kỹ bị bỏ lại nơi dừng chân, sau thời gian dài gắn bó với họ trên đường mưu sinh.

Anh Lê Văn Toàn - Trưởng ban sự kiện Câu lạc bộ (CLB) Xe bán tải Đà Nẵng cho biết, người dân khó khăn đi mưu sinh ở miền Nam đã chạy xe máy hàng ngàn cây số để về quê tránh dịch.

Theo anh Toàn, hồi đầu tháng 10, khi đoàn người vượt đèo Lò Xo (tỉnh Kon Tum) dọc theo đường Hồ Chí Minh qua địa phận Quảng Nam để đến đèo Hải Vân (TP Đà Nẵng) trong mưa to, nhiều chiếc xe bị hỏng đến mức không vượt nổi đèo Hải Vân.

“Nhiều người rơi vào cảnh tuyệt vọng khi những tình nguyện viên sửa xe cũng không thể sửa được. Những chiếc xe được xem là gia tài của người dân, đã cùng họ vượt qua ngàn cây số để đi mưu sinh.

Chứng kiến hình ảnh đáng thương đó, chúng tôi đã gọi sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm và mạnh thường quân. Họ tặng xe máy mới cho người dân tiếp tục hành trình về quê”, anh Toàn chia sẻ.

Anh Toàn cho hay, khi người dân được tặng xe máy mới để tiếp tục về quê, nhiều người đã bật khóc. Có lẽ đối với họ, chưa bao giờ nghĩ mình có thể sở hữu một chiếc xe mới toanh giữa bộn bề khó khăn này. 

Hành trình 1.703km

Anh Toàn bên chiếc xế cà tàng của anh Mến quê Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Anh Toàn bên chiếc xế cà tàng của anh Mến quê Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Theo quan sát, trong quán của anh Toàn hiện có 9 xế cà tàng như vậy, được treo lên vách, cùng mô hình các cột mốc, nơi đi, nơi đến, số km, cùng những hình ảnh chụp các chủ nhân thời điểm trao nhận xe tại hiện trường.

Chỉ tay vào chiếc xe Dream cũ nát, gãy đầu treo trên vách, gắn bên mô hình cột cây số ghi “Bình Chánh/TPHCM - Vĩnh Lộc/Thanh Hóa 1.703km”, anh Toàn cho biết chủ xe là một thanh niên quê Vĩnh Lộc, Thanh Hóa tên là Mến.

“Tại chốt hầm Hải Vân đêm đó, tôi cùng các anh em nhìn thấy anh Mến loay hoay với chiếc xe máy rỉ sét, lốp cũ nát, còn đầu xe gần như đã bị gãy rời. Anh Mến làm phụ hồ ở Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh).

Khi dịch tới căng thẳng, không thể ở lại được nên đành xách xe gom đồ chạy về quê. Vượt ngàn cây số, khi trên đường Hồ Chí Minh tới đèo Lò Xo (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) thì xe máy của anh Mến bị gãy cổ, người ngã nhào may không bị làm sao.

Lúc đó, anh Mến đã tìm cách nối lại đầu xe rồi chạy tiếp. Đến hầm Hải Vân (TP Đà Nẵng) anh Mến đã được CLB xe bán tải của anh Toàn tặng chiếc xe máy mới để tiếp tục chạy về quê. Mừng quá, Mến tặng lại “con ngựa chiến” của mình cho anh em giữ làm kỷ niệm”, anh Toàn cho hay.

Cũng trong đoàn người hồi hương này, anh Toàn bắt gặp hình ảnh anh Lý A Dế (31 tuổi, quê ở tỉnh Lai Châu) chạy chiếc xe máy không thể cũ hơn để về quê.

Anh Toàn tâm sự, khi được mấy anh em CLB tặng chiếc xe máy mới, bạn ấy rất bất ngờ và không tin đây là sự thật. “Dù bạn Dế đã 31 tuổi nhưng không biết chữ. Khi làm xong thủ tục mình đưa giấy tờ cho bạn ký nhận xe.

Nhưng rồi thấy bạn ấy cứ lúng túng, loay hoay không ký. Lúc đó mình mới hay là bạn ấy không biết chữ. Mình thật sự thấy thương cho hoàn cảnh của bạn. Vì nhà nghèo nên đã nghỉ học sớm, xa quê lập nghiệp nhưng do dịch nên phải về quê”, anh Toàn kể.

Muốn lưu giữ kỷ vật đặc biệt

Những chiếc xe máy của người dân từ miền Nam về quê trong tháng 10/2021.
Những chiếc xe máy của người dân từ miền Nam về quê trong tháng 10/2021. 

Anh Đoàn Văn Lý (35 tuổi, quê tỉnh Nghệ An, một người dân được tặng xe) cho biết, anh sống ở TP Thủ Đức (TPHCM), làm bốc vác tại chợ đầu mối, khi về đến TP Đà Nẵng xe hư đến mức không đi được.

“Tôi được các nhà hảo tâm tặng khi đi qua Đà Nẵng. Các nhà hảo tâm lúc tặng xe máy có nói đổi xe mới, lấy xe cũ. Và chúc chúng tôi về quê bình an. Tôi nhớ mãi những lời nói và món quà quý giá này từ các nhà hảo tâm ở Đà Nẵng”, anh Lý nói.

Vợ chồng người Mông Vừ A Chừ (tỉnh Điện Biên) khi chở cả gia đình 4 người trên chiếc xe cũ nát về quê, cũng đã được giúp đỡ.

“Vợ chồng được nhận xe mới không dám đi. Trong thời gian cách ly người thân đã mang xe về nhà cất giữ. Tôi quý nó lắm, cả đời không nghĩ mua được chiếc xe này. Nghe người ta gọi báo chiếc xe cũ được giữ ở TP Đà Nẵng, khi nào vào miền Nam sẽ ghé đây, cảm ơn các anh chị ở đó”, A Chừ cười nói.

Theo anh Toàn, sở dĩ bản thân anh và CLB muốn giữ và trưng bày những chiếc xe này vì bản thân anh cũng là người xa quê mưu sinh để thay đổi cuộc sống.

“Những người dân đi tha hương cầu thực nhưng vì dịch bệnh, thất nghiệp họ đành phải quay về quê. Những chiếc xe này nhiều lúc là tải sản lớn nhất của họ, chính vì vậy tôi muốn giữ những kỷ vật rất đặc biệt và vô giá này. Tôi muốn lưu giữ như một hồi ức về tình người, để từ đó lan tỏa nhiều hơn”.

Được biết, sắp tới CLB Xe bán tải TP Đà Nẵng sẽ tổ chức đấu giá 2 chiếc xe được trưng bày, toàn bộ số tiền thu được sẽ dành để hỗ trợ bà con chịu ảnh hưởng bởi các đợt mưa lũ. Trước đó, CLB cũng đã tổ chức thành công một số buổi đấu giá vật phẩm khác để lấy kinh phí giúp đỡ bà con khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.