“Thẳm sâu trong từng kỷ vật”: Truyền đam mê khoa học cho thế hệ trẻ

GD&TĐ - Hơn 100 hiện vật của trên 90 nhà khoa học Việt Nam được trưng bày tại triển lãm “Thẳm sâu trong từng kỷ vật” tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (huyện Cao Phong, Hòa Bình) đang thu hút khá đông thầy cô giáo và các em học sinh đến trải nghiệm. 

“Thẳm sâu trong từng kỷ vật”: Truyền đam mê khoa học cho thế hệ trẻ

Mỗi kỷ vật gắn với mỗi câu chuyện của các nhà khoa học luôn mang lại cho các em sự hào hứng tìm hiểu, khám phá.

Trải nghiệm cùng di sản

Sau bốn tháng khai trương, triển lãm “Thẳm sâu trong từng kỷ vật” tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã đón hơn 10 nghìn khách tham quan, đặc biệt nhiều đoàn từ các trường phổ thông và đều lưu lại những ấn tượng tốt đẹp.

Đến tham quan triển lãm, em Phạm Thị Duyên, học sinh Trường THPT Tống Văn Trân (Ninh Bình) cho hay: “Chúng em được biết và hiểu nhiều hơn về lịch sử của cha ông, đặc biệt là lịch sử những đóng góp, cống hiến và hy sinh của nhiều thế hệ các nhà khoa học. Em cảm ơn tất cả các thế hệ đi trước đã cống hiến hết mình để xây dựng đất nước chúng ta có được như ngày hôm nay, ngày mà mỗi người dân Việt được sống trong độc lập, hạnh phúc, ngày mà các lớp học sinh có nhiều điều kiện để học tập và cống hiến”.

Em Hoàng Quốc Đại, học sinh lớp 11A1, Trường THPT Vân Cốc (Hà Nội) chia sẻ: “Em cảm thấy vô cùng may mắn khi được tới tham quan một công viên di sản với không gian khoáng đạt, cảnh sắc tươi đẹp, những con người thân thiện, nhiệt tình. Em rất ấn tượng với cách thức trưng bày tài liệu hiện vật của các nhà khoa học Việt Nam, giúp em có thêm nhiều hiểu biết, thêm sự tự tin để phấn đấu cho tương lai của mình”.

Đưa học sinh đến tham quan và học tập tại công viên, cô Diệp Thị Tình, Trưởng đoàn Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Hòa Bình cho biết: “Là lần đầu tiên trường tổ chức ngoại khóa cho học sinh tại công viên, nhưng đoàn đã được cán bộ nhân viên đón tiếp rất nhiệt tình, chu đáo. Chúng tôi và các em học sinh đã hiểu thêm về quá trình phát triển khoa học Việt Nam. Cảm ơn công viên đã giúp đoàn có một buổi ngoại khóa đầy ý nghĩa”.

Truyền lửa đam mê khoa học cho thế hệ trẻ

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tiếp nhận nhiều tư liệu quý của các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như PGS Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, PGS.NGƯT Đỗ Văn Nhung - nguyên giảng viên khoa Sử, Trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam… Những khối tài liệu, hiện vật đều gắn với cuộc đời hoạt động của các nhà khoa học.

Đó có thể là một trang bản thảo, một mẩu giấy với vài dòng chữ, những cuốn sổ cũ, bức ảnh ố màu hay chiếc máy chữ hoen gỉ theo thời gian… nhưng đều ẩn chứa những câu chuyện cụ thể về quá trình không ngừng nỗ lực học tập, vươn lên chiếm lĩnh tri thức, chuẩn bị hành trang cho bản thân để phục vụ đất nước. Câu chuyện về quá trình nghiên cứu khoa học, sự sáng tạo, nghị lực vươn lên để có những thành công trong sự nghiệp….

PGS Đỗ Doãn Đại cho biết: “Trong số các bức ảnh tặng trung tâm, tôi quý nhất là bức ảnh tôi cùng đồng đội trên đường hành quân ở vùng địch hậu năm 1949. Đó là một bức ảnh ghi dấu một giai đoạn lịch sử . Trong thời gian tới, tôi sẽ dành thời gian hàng tuần làm việc với nghiên cứu viên trung tâm để chia sẻ những câu chuyện ký ức về lịch sử cuộc đời mình”.

GS.TS Đỗ Năng Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, Giám đốc Phòng thí nghiệm liên kết Việt - Pháp cũng bày tỏ: “Ý tưởng thành lập Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam rất tốt và đặc biệt. Hy vọng trung tâm sẽ phát huy hiệu quả tấm gương của những nhà khoa học ở các lĩnh vực để truyền lửa cho thế hệ sau có lòng yêu khoa học. Về phần tôi, dù đang rất bận nhưng sẽ bố trí thời gian để chọn lọc những thông tin, tư liệu chất lượng nhất gửi vào trung tâm”.

Để đáp ứng nhu cầu tham quan của khách, Công viên và Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động ý nghĩa, hấp dẫn hơn. Sắp tới là Lễ hội Hoa Hướng dương lần thứ 2 và Tuần Thư pháp từ ngày 25/4 - 1/5/2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.