Không gian Văn hóa Trịnh Công Sơn: Những kỷ vật đầu tiên

Kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1/4/2001 -1/4/2021), bên cạnh các hoạt động âm nhạc tưởng nhớ ông ở nhiều địa phương, một công trình văn hóa mang tên Trịnh Công Sơn được đưa vào xây dựng tại Hội An.

Không gian Văn hóa Trịnh Công Sơn: Những kỷ vật đầu tiên
Những kỷ vật đầu tiên trưng bày tại đây vừa được chủ sở hữu Dương Minh Long trao lại cho gia đình nhạc sĩ.

26 năm trôi qua, 27 lần chuyển nhà, nhưng chưa bao giờ Dương Minh Long rời xa chiếc va ly chứa 1.000 kỷ vật của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đối với anh, chúng là vật bất ly thân, chết cũng phải mang theo (!). Nhưng mới đây anh đã quyết trao lại kho báu này cho Không gian Văn hóa Trịnh Công Sơn sắp mở tại Hội An.

Không gian Văn hóa Trịnh Công Sơn: Những kỷ vật đầu tiên ảnh 1

Dương Minh Long và Trịnh Công Sơn tại núi Ngự Bình (Huế) trong lần đi thăm mộ bố của Trịnh Công Sơn. Ảnh: Đỗ Việt Dũng

26 năm trước, Dương Minh Long là một người em thường hay kề cận bên Trịnh Công Sơn trong các cuộc trà dư tửu hậu và cuộc sống đời thường.

Dương Minh Long kể: “Một lần anh nói tôi lên anh có việc cần nhờ. Tôi đi theo anh qua dãy hành lang, lên căn gác nơi đặt bàn thờ ba má, anh mở cánh cửa tủ, trong đó có hàng loạt túi đồ, bọc giấy buộc dây rơi ra. Anh nhờ tôi tìm giúp một lá thư đã viết không biết lẫn vào đâu.

Tôi mở tủ, trải đồ ra sàn, tìm lá thư nhưng vì quá nhiều đồ quan trọng mà để lẫn lộn, nên tôi đã ngồi phân loại từng thứ đồ một và sắp xếp lại chúng một cách rành mạch. Buổi chiều anh Sơn lên, hỏi tôi đã tìm được chưa. Tôi nói chưa, anh rất ngạc nhiên khi thấy cách tôi phân loại như thế.

Thú thực là tôi cứ mê man sắp xếp, bỏ cả ăn uống, quên hết tất cả chỉ để tập trung ngồi xếp và phân loại các thứ đồ anh cất trong tủ”.

Có lẽ đó là những kỷ vật đã gắn bó với những gì diễn ra trong cuộc đời của Trịnh Công Sơn, nên chúng thu hút sự say mê của nhiếp ảnh gia Dương Minh Long: Các bài báo, các bức thư tình, những bản nhạc gốc còn lưu nét sửa chữa, một văn bản xác định tình trạng hôn nhân của một người bạn gái của Trịnh Công Sơn vốn là một tiến sĩ ở Paris, những bức hình các cô gái chụp chung với nhạc sĩ, thậm chí có cả lệnh cấm lưu hành các ca khúc Trịnh Công Sơn từ phía chính quyền miền Nam trước 1975…

Hy vọng sau này khi trưng bày và công bố văn bản này chúng ta sẽ được biết thêm những chi tiết thú vị của cuộc sống và âm nhạc của Trịnh Công Sơn.

Sau đó, Dương Minh Long trình bày ý tưởng muốn làm phim tư liệu và đã được Trịnh Công Sơn đồng ý, ông liên tục giao cho Long các tư liệu hoặc bản thảo, tờ báo hoặc những dòng ghi chép nhỏ để chuẩn bị cho việc làm phim. Cho nên việc sưu tầm và lưu giữ, phân loại các tư liệu, kỷ vật của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn ngày càng dầy lên.

Thời gian trôi qua, cuộc sống của Dương Minh Long có nhiều thay đổi, việc làm phim chưa được thực hiện thì tới năm 2001, khi đang ở Ninh Thuận, anh nghe tin Trịnh Công Sơn qua đời.

Có lẽ đó là nỗi buồn lớn trong cuộc đời Dương Minh Long. Từ khi người anh lớn mất, 20 năm qua, anh rất ít khi nhận trả lời phỏng vấn hoặc chia sẻ bất kỳ thông tin gì về Trịnh Công Sơn. Anh mới chỉ công bố 25/10.000 bức ảnh nhạc sĩ vì muốn giữ chặt tình cảm với người anh yêu quý trong tim.

Thậm chí Long từng có ý định tổ chức một triển lãm sau 49 ngày Trịnh Công Sơn qua đời, vào ngày cuối cùng của triển lãm, anh sẽ đốt toàn bộ tác phẩm mà anh đã thực hiện trong một thùng phi một cách hỏa tốc. Đồng thời đốt luôn những kỷ vật mà Trịnh Công Sơn đã giao cho anh.

Nhưng may thay, khi nghe anh chia sẻ ý tưởng đó, nhà báo Trần Trọng Thức (chồng của nghệ sĩ Kim Cương) ngăn lại: “Long không được làm thế, làm như thế là có tội với anh Sơn, có lỗi với mọi người”.

Hai mươi năm sau khi Trịnh Công Sơn qua đời, 26 năm lưu giữ, Dương Minh Long đã trải qua 27 lần chuyển nhà từ Bắc, Trung, Nam, những thứ anh chưa bao giờ dám lơ là và được coi là quan trọng bậc nhất trong cuộc đời mình ngoài 4 tấn phim chụp về Việt Nam và quốc tế, đặc biệt, chiếc vali kỷ vật kia.

Tới nay, Dương Minh Long trân trọng trao lại kỷ vật cho gia đình Trịnh Vĩnh Trinh (em gái Trịnh Công Sơn) với mong ước những kỷ vật này sẽ được gìn giữ và trưng bày trân trọng tại Bảo tàng Trịnh Công Sơn tại Huế và Hội An.

Ðiểm đến của những người yêu Trịnh

Không gian Văn hóa Trịnh Công Sơn do công ty TNHH Du lịch sinh thái Cồn Bắp cùng gia đình nhạc sĩ và Dương Minh Long phối hợp xây dựng. Đây sẽ là nơi lưu giữ và cùng chia sẻ di sản của nhạc sĩ tài hoa. Vị trí vàng, ngay cạnh phố cổ Hội An với diện tích 2,5 ha, dự án HoiAn D’or là điểm đến hội tụ các tiện ích nghỉ dưỡng, giải trí, các trải nghiệm văn hóa mang nét tinh hoa của di sản Hội An.

Không gian văn hóa này được thiết kế lấy cảm hứng từ bài hát Nối vòng tay lớn với hình tượng nón lá, áo dài. Nơi đây sẽ diễn ra các hoạt động như biểu diễn nhạc Trịnh, trưng bày những sáng tác nghệ thuật, những bức ảnh tư liệu, kỷ vật về cuộc đời Trịnh Công Sơn.

Ngoài ra công trình còn có thêm không gian trưng bày gốm Chu Đậu, không gian trưng bày nhạc cụ dân tộc, hình ảnh Hội An xưa và nay. Công trình do kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào thiết kế với sự cố vấn của nhà thơ Nguyễn Duy và nhà báo Nguyễn Trọng Chức.

Quỹ học bổng Trịnh Công Sơn cũng được thành lập với số tiền ban đầu lên tới 1 tỷ đồng do công ty Cồn Bắp đóng góp, nhằm tạo điều kiện cho các tài năng âm nhạc và nghệ thuật có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam, đồng thời đầu tư vào dự án nâng cao nhận thức cộng đồng về chứng tự kỷ và các đối tượng mắc chứng tự kỷ.

Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh bày tỏ sự xúc động, cảm ơn nhiếp ảnh gia Dương Minh Long về “bộ sưu tập những kỷ vật không chỉ của riêng gia đình, mà là của toàn thể nhân dân Việt Nam”; đồng thời chia sẻ và hy vọng Bảo tàng Trịnh Công Sơn tại Huế đang được tiến hành cùng với Không gian văn hóa Trịnh Công Sơn ở Hội An trở thành những điểm đến đáp ứng được tình cảm của công chúng với nhạc sĩ họ Trịnh.

Theo tienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.