Một góc Hồ Núi Cốc.
Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, lãnh đạo tỉnh vừa có cuộc làm việc với Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường về siêu dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc với tổng đầu tư 15.000 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã báo cáo về tiến độ dự án.
Cụ thể, phía Xuân Trường đã lên ý tưởng thiết kế, xây dựng Chùa Tháp nằm trong tổng thể dự án Hồ Núi Cốc. Chùa Tháp có chiều cao 150m, nền móng tháp có chiều rộng 10.000m2. Chùa Tháp có thể chứa được từ 5.000-10.000 người trong một thời điểm.
Theo kế hoạch, Xuân Trường sẽ đặt móng trong năm 2016 và phần thô sẽ hoàn thành trong 5 năm để đón khách trước. Dự kiến chùa Tháp sẽ hoàn thành trong 10 năm (2016-2026). Theo chủ đầu tư này, Chùa Tháp tại tỉnh Thái Nguyên sẽ là một trong những tháp Phật giáo lớn nhất thế giới.
Xuân Trường cũng đề nghị tỉnh Thái Nguyên sớm phê duyệt dự án tuyến đường ĐT.261 vào Đền Gàn và 200ha đất đồi để giải phóng mặt bằng xây dựng các hạng mục Khu tâm linh. Do chi phí cho dự án quá lớn, Xuân Trường đề nghị phía tỉnh Thái Nguyên giúp đỡ trong công tác giải phóng mặt bằng.
Trước đó, ngày 17/2, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức lễ động thổ xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng gồm nhiều công trình, hạng mục và được đầu tư trong 20 năm, theo hai giai đoạn.
Giai đoạn đầu từ 2016-2020, nhà đầu tư sẽ xây dựng hệ thống đường vào Hồ Núi Cốc dài 21km, đường quanh hồ khoảng 35km, xây dựng hệ thống chùa, đền thờ, bến thuyền xe điện…hoàn thành năm 2019.
Giai đoạn 2 của dự án dự kiến thực hiện trong 15 năm (2020 - 2035). Chủ đầu tư sẽ xây dựng khu vui chơi, giải trí, khu tiểu cảnh quanh hồ, khách sạn, khu resort cao cấp, nghỉ dưỡng, làng văn hóa du lịch.
Dự án được tỉnh Thái Nguyên giao cho Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (tỉnh Ninh Bình) làm chủ đầu tư. Đơn vị này từng làm chủ đầu tư nhiều dự án du lịch tâm linh như dự án Quần thể khu du lịch Tràng An - Chùa Bái Đính (Ninh Bình), Khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam).
Núi Cốc là hồ nhân tạo nằm liền kề dưới chân núi Tam Đảo, được khởi công xây dựng từ năm 1973, trải dài trên địa bàn huyện Đại Từ, thị xã Phổ Yên và thành phố Thái Nguyên với diện tích mặt nước rộng khoảng 2.500 ha, với gần 89 hòn đảo lớn nhỏ.