Xây mái ấm cho người già neo đơn

GD&TĐ - Ngôi nhà chung của ông Hùng là nơi nương tựa của những mảnh đời có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, neo đơn, già yếu, bệnh tật.

Ông Hùng (giữa) thăm hỏi các cụ tại ngôi nhà chung.
Ông Hùng (giữa) thăm hỏi các cụ tại ngôi nhà chung.

Ngôi nhà chung của ông Hùng là nơi nương tựa của những mảnh đời có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, neo đơn, già yếu, bệnh tật. Trong gian nhà nhỏ, các cụ già quây quần với nhau, chia sẻ những vui buồn trong năm tháng xế chiều.

Người khỏe mạnh thì cùng nhau nấu ăn, tập thể dục, nói chuyện vui vẻ, người bệnh thì nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Những bữa cơm chung, những lời hỏi thăm, sẻ chia của người đồng cảnh ngộ đã giúp các cụ vượt qua khó khăn để sống tiếp quãng đời còn lại.

Sống lang thang không nơi nương tựa, bà Phạm Thị Lan (quê Sóc Trăng) cho biết bà không nghĩ những tháng ngày cuối đời lại được tá túc trong mái nhà ấm áp này. Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà Lan chỉ có mong ước giản đơn là cơm ngày có đủ 3 bữa ăn ấm bụng và có chỗ che mưa nắng.

“Tôi được các cô, các chú hỗ trợ cơm no, áo ấm, chăm sóc lúc bệnh tật. Cảnh đơn chiếc tuổi già mà nay được mái ấm như thế thật may mắn và quý lắm”, bà Lan nói.

Là một trong những người đầu tiên được đón về mái ấm, bà Trần Thị Gọn (quê Hậu Giang) cho hay, sau những tháng ngày vất vả phải sống một mình, từ ngày về đây, bà đã có thêm nhiều chị em cùng động viên chia sẻ, tâm tình để sống vui, sống khỏe.

“Cuộc sống lúc trước khó khăn lắm, tôi ở một mình, sống lay lắt qua ngày. Tháng nào chú Hùng cũng đến thăm, tặng quà. Thấy tôi một mình, trong người mắc bệnh tật mà không có tiền chữa trị, bồi dưỡng, chú ấy ngỏ ý rước về nuôi ở mái ấm. Về đây, gặp rất nhiều người cùng cảnh ngộ, chị em từ lạ trở thành quen, coi nhau như người trong gia đình từ mấy năm nay rồi”, bà Gọn cảm động chia sẻ.

Mái ấm phường Đông Thuận được ông Bùi Văn Hùng cùng gia đình và bạn bè thành lập từ năm 2017, hiện đang cưu mang và chăm sóc cho gần 20 cụ già neo đơn.

Chia sẻ về lý do xây dựng mái nhà chung này, ông Hùng cho biết, từ năm 2012, ông cùng bạn bè đứng ra kêu gọi và nhận được sự hỗ trợ hàng tháng ngoài cộng đồng cho trên 50 người cao tuổi, có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều tỉnh, thành.

Sau thời gian thực hiện, sự đồng cảm với những người quá khó khăn trong cuộc sống đã thôi thúc ông xây dựng nên căn nhà chung, đón những người già neo đơn về sống và chăm sóc như người thân trong gia đình.

Việc làm và tấm lòng của ông Hùng đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, thu hút nhiều thành viên khác tham gia để cùng hỗ trợ nấu những bữa ăn ngon, dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc các cụ như chính người thân của mình.

Hiện nay, ngoài chăm sóc cho gần 20 cụ tại chỗ, những thành viên mái ấm phường Đông Thuận còn thường xuyên hỗ trợ, chăm sóc cho khoảng 200 cụ có hoàn cảnh khó khăn khác đang sống ở các tỉnh, thành lân cận. Hàng tháng, ông Hùng cùng các thành viên đi đến tận nơi thăm hỏi, động viên các cụ.

Ông Ngô Minh Phúc - Phó Chủ tịch UBND phường Đông Thuận - cho biết: “Cơ sở từ thiện của ông Hùng phối hợp với UBND phường giải quyết chính sách an sinh xã hội rất tốt, đảm bảo cho các cụ có nơi ăn chốn ở, an toàn và giảm bớt khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. UBND phường lấy mô hình này làm mô hình chuẩn để vận động bà con chung tay góp phần chăm sóc cho các cụ và các gia đình có hoàn cảnh neo đơn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.