Xu hướng thời đại
Theo TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội, tư tưởng giáo dục liên tục, học tập suốt đời được quảng bá rộng rãi; sau đó là tư tưởng giáo dục cho mọi người, là nhận thức về bốn trụ cột của giáo dục: học để biết, học để làm, học để tồn tại, học để chung sống, ngày càng được cụ thể hóa thành các chính sách giáo dục của các quốc gia.
Trong điều kiện khoa học - công nghệ ngày càng phát triển, tri thức nhân loại ngày càng phong phú, các chính sách tiến bộ về chính trị - kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia đã được thực thi với đời sống vật chất và tinh thần của người dân dần được nâng cao, thì nhu cầu học tập để tăng cường hiểu biết, phát triển nghề nghiệp, làm phong phú cho cuộc sống cá nhân và tăng cơ hội giao lưu, hội nhập thế giới… đang ngày càng trở nên cấp thiết.
TS Trương Tiến Tùng cũng đặc biệt nhấn mạnh: Sự nghiệp GD-ĐT cần thay đổi mạnh mẽ và toàn diện để đáp ứng kịp thời nhu cầu học tập và yêu cầu phát triển văn hóa của con người trong thời đại mới. Trong đó khoa học - công nghệ phát triển cao đã và đang tạo ra những phương tiện truyền thông đa dạng cùng những công cụ có thể tích hợp kiến thức, thay đổi quan niệm, nội dung, phương pháp học tập và cả quan niệm về lao động xã hội.
Lao động giờ đây phải có tri thức cao hơn. Điều này đòi hỏi ngành giáo dục cần đổi mới về tư duy, hướng tới một XHHT với nền kinh tế tri thức. Bên cạnh đó, cách mạng khoa học - kỹ thuật cũng làm biến đổi sâu sắc cơ cấu KT-XH, trong đó có cơ cấu lao động trên phạm vi quốc tế.
Thực tế cho thấy, quá trình CNH-HĐH đang diễn ra nhanh chóng ở nhiều nước cũng tạo ra sự thiếu hụt lớn lực lượng lao động có trình độ cao cũng như bộ phận công nhân kỹ thuật lành nghề. Đặc biệt cuộc CMCN 4.0 cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tạo điều kiện lớn cho người dân có tiếp cận tốt hơn với việc học.
Xây dựng xã hội học tập, biến cả nước thành một xã hội học tập là vấn đề đặt ra đối với hệ thống giáo dục, chẳng những phải đào tạo những lao động lành nghề, có kỹ năng tốt, có thể làm chủ một quy trình công nghệ, mà còn cần đào tạo những lao động mới, có khả năng phát triển và thích ứng với biến đổi liên tục của thị trường lao động và môi trường xã hội cũng như sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ -TS Trương Tiến Tùng đặc biệt nhấn mạnh.
Ảnh minh họa |
Phải có sự chung tay của cả cộng đồng
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quan tâm đến xây dựng XHHT, từ việc ban hành các chính sách đến các chương trình hành động và tổ chức thực hiện. Ngày 9/1/2013 Chính phủ đã ban hành Quyết định 89/QĐ-TTg về Đề án Xây dựng XHHT giai đoạn 2012 – 2020, với nhiều mục tiêu rất cụ thể, như việc nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ đến năm 2020.
Việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề đối với các cán bộ, công chức, viên chức cũng đặt mục tiêu tối thiểu 80% đối với cán bộ cấp huyện trở lên và 70% cán bộ cấp xã, phường phải được đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc hàng năm theo chương trình quy định và các kỹ năng phục vụ cho vị trí công việc. Đối với lao động nông thôn, 70% lao động được tham gia học tập cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ sản xuất tại các trung tâm học tập cộng đồng. Đối với công nhân lao động, phấn đấu 95% công nhân được qua đào tạo nghề.
Từ thực tế Trường Đại học Mở Hà Nội được giao các đề tài, nghiên cứ xây dựng XHHT, TS Trương Tiến Tùng phân tích: Trong thời đại mà toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của đời sống, học tập đã trở thành nhu cầu thực sự của con người. Việc thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ học tập ngày càng được phổ biến và hiện thực hóa trong thực tiễn phát triển giáo dục.
Đối tượng của giáo dục cũng thay đổi, không chỉ là trẻ em mà tất cả mọi người mới là đối tượng thật sự và rộng lớn của giáo dục. Giáo dục không chỉ nhằm phát triển nhân cách của thế hệ trẻ mà còn “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Các hoạt động giáo dục được mở rộng, không chỉ trong nhà trường mà trở thành một lĩnh vực hoạt động thu hút sự quan tâm và đầu tư nguồn lực từ mọi phía của xã hội. Nhìn ra vấn đề và có giải pháp phù hợp, chúng ta sẽ thành công xây dựng cả nước thành một XHHT.
Có thể thấy, mục tiêu rất cụ thể và rõ ràng. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mong muốn đó thì cần phải có những giải pháp căn cơ, đặc biệt là sự chung tay của cả cộng đồng. Đó là, cần phải đẩy mạnh các hình thức học từ xa, học qua mạng là một xu thế tất yếu và phù hợp với phương thức đào tạo trong thời đại của cuộc CMCN 4.0. Các nhà trường cần phải tăng khả năng “cung ứng học vấn đại học”, cập nhật kiến thức cho người lao động.
Thêm nữa, việc khuyến khích, thiết lập cơ chế phối hợp nhằm huy động nguồn lực mạnh mẽ từ phía các tổ chức, doanh nghiệp là rất cần thiết. Cần có thiết chế để tự bản thân các tổ chức, doanh nghiệp phát động phong trào học tập, vì chính doanh nghiệp và các tổ chức sẽ được hưởng lợi từ những giá tích luỹ và tri thức của người lao động khi tuyển dụng và sử dụng. Đây là trách nhiệm với xã hội để bù đắp phần nào những chi phí mà xã hội đã bỏ ra để đào tạo những người lao động cho họ.