Xây dựng xã hội học tập – bài học kinh nghiệm từ 3 cường quốc châu Á

GD&TĐ - Là chuyên gia chương trình cấp cao của Viện Học tập Suốt đời UNESCO, TS Jin Yang đã có những trao đổi về một số kinh nghiệm trong việc xây dựng xã hội học tập ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

Xây dựng xã hội học tập – bài học kinh nghiệm từ 3 cường quốc châu Á

Theo đó, từ những kinh nghiệm của các nước trên, Việt Nam và một số nước đang phát triển có thể nghiên cứu tham khảo học tập nhằm xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời ở quốc gia mình.

Tôn trọng và dành những ưu đãi cho giáo viên

 TS Jin Yang: Chất lượng của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng của học tập suốt đời. Cả ba quốc gia đều không bỏ qua nỗ lực nào trong việc tăng cường chất lượng giáo viên và cán bộ giáo dục

Theo TS Jin Yang, mặc dù bối cảnh phát triển của Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore khác nhau, song vẫn có thể xác định một số đặc điểm chung cần thiết cho việc xây dựng xã hội học tập (XHHT).

Theo đó, cả ba nước đều tôn trọng và dành những ưu đãi cho đội ngũ giáo viên. Bện cạnh đó, cả ba quốc gia đều xác định rõ ý nghĩa quan trọng của việc đào tạo lại và đánh giá các nhà giáo dục nhằm đảm bảo chất lượng và sự tiến bộ thường xuyên.

Ở Singapore, giáo viên chỉ được tuyển từ số một phần ba xuất sắc trong tổng số sinh viên tốt nghiệp, và họ được nhận mức lương tháng hấp dẫn tương đương với các ngành nghề mang tính cạnh tranh khác.

Họ cũng nhận được các phần thưởng cho thành tích đạt được như một sự khích lệ để tiếp tục cống hiến và tái tạo.

ở Hàn Quốc, Luật Giáo dục suốt đời quy định rằng, phải có ít nhất một chuyên gia về giáo dục suốt đời làm việc tại mỗi trung tâm giáo dục suốt đời địa phương và các cơ sở giáo dục suốt đời khác.

Luật này cũng cũng nêu rõ cần phải hoàn thành những khóa học và khóa thực hành như thế nào về giáo dục suốt đời để có thể trở thành một chuyên gia về giáo dục suốt đời.

Bên cạnh đó, Viện NILE còn triển khai các chương trình tập huấn nâng cao để thường xuyên bồi dưỡng trình độ chuyên môn các chuyên gia này.

Ở Nhật Bản, Luật Giáo dục xã hội quy định một hệ thống chứng nhận đặc thù vùng với các yêu cầu về đào tạo khác dành cho những người làm chuyên môn liên quan đến lĩnh vực giáo dục xã hội.

Xây dựng xã hội học tập cần quan tâm và dành ưu đãi cho giáo viên
 Xây dựng xã hội học tập cần quan tâm và dành ưu đãi cho giáo viên

Xây dựng xã hội học tập đòi hỏi phải thấu suốt một quan điểm toàn diện về học tập suốt đời

Một xã hội học tập không thể kiến tạo một cách biệt lập mà luôn gắn liền với bối cảnh văn hoá – xã hội và kinh tế của một xã hội cụ thể và giao thoa chặt chẽ với nhiều yếu tố khác. 

TS Jin Yang trao đổi: Khái niệm về học tập suốt đời được dùng phổ biến từ giữa những năm 1980 ở Nhật Bản để chỉ các hoạt động giáo dục dục người lớn. Những năm gần đây, khái niệm này đã được mở rộng.

Luật Giáo dục cơ bản sửa đổi năm 2006 quy định “Xã hội cần phải được tổ chức để cho phép mọi công dân có thể tiếp tục học tập trong suốt cuộc đời, vào mọi dịp, mọi nơi và sử dụng các kết quả học tập suốt đời một cách phù hợp để tự hoàn thiện bản thân và hướng đến một cuộc sống mãn nguyện”.

Ở Singapore, quốc gia học tập bắt đầu với việc thừa nhận rằng giáo dục là một chuỗi phát triển liên tục, khởi đầu là những năm ấu thơ và tiếp diễn trong suốt cuộc đời.

Quốc gia học tập là một tầm nhìn tổng thể, trong đó học tập được thấm nhuần tới mọi tầng bậc của xã hội, vượt ra ngoài phạm vi nhà trường. Tầm nhìn này nhằm mục tiêu biến việc học tập trở thành một văn hóa quốc gia, khuyến khích sáng tạo và đổi mới ở mọi tầng bậc trong xã hội, vượt trên phạm vi nhà trường và các cơ sở giáo dục.

Đối với Hàn Quốc, xã hội học tập là nơi mọi người có thể học vào mọi thời điểm và mọi nơi.

Trung tâm Học tập cộng đồng tại các địa phương sẽ giúp người dân có cơ hội được học tập suốt đời

Trung tâm Học tập cộng đồng tại các địa phương sẽ giúp người dân có cơ hội được học tập suốt đời 

Xã hội học tập coi trọng cả số lượng và tăng cường chất lượng của hệ thống học tập suốt đời

Trọng tâm của HTSĐ đòi hỏi sự biến đổi về mặt hình thái, từ ý tưởng dạy dỗ và đào tạo sang quan niệm về học tập, từ cách tiếp cận lấy giáo viên làm trung tâm sang lấy người học làm trung tâm, từ việc dạy để truyền đạt kiến thức sang học vì sự phát triển cá nhân, trở thành công dân tích cực, có việc làm, vì sự hòa nhập xã hội và từ việc lĩnh hội những kiến thức kỹ năng đặc thù sang sự khám phá rộng lớn hơn – phát hiện và làm giàu thêm những tiềm năng sáng tạo của con người.

Thực tế hiện nay, tỷ lệ nhập học tất cả các cấp giáo dục đã tăng lên nhanh chóng từ những năm 1960 ở cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. 

Đây là một chỉ số rất quan trọng. Thông thường tỷ lệ nhập học và mức chi tiêu công cho giáo dục thường được dùng để làm minh chứng cho sự tích luỹ cao về nguồn vốn nhân lực.

Tuy nhiên, các biến số này lại chỉ mang tính đại diện. Những gì học được qua hệ thống giáo dục, từ việc lĩnh hội tri thức cho đến cái thiện hành vi cũng như giáo dục trong gia đình, có thể còn quan trọng hơn chỉ tiêu tăng trưởng. Nói cách khác, chất lượng chung của nền giáo dục có ý nghĩa lớn hơn đối với sự phát triển nguồn vốn con người.

Cả ba quốc gia trên đều không thỏa mãn với việc mở rộng về mặt định lượng của hệ thống giáo dục, họ đều cố gắng hết sức để tăng cường chất lượng giáo dục và đều đạt được những thành công đáng chú ý.

Ví dụ, cùng với học sinh Phần Lan, học sinh hai nước Singapore và Hàn Quốc thường xuyên đứng đầu các bảng so sánh giáo dục quốc tế như kỳ thi PISA của khối OECD.

Để thực hiện tầm nhìn “các nhà trường tư duy, một quốc gia học tập”, Singapore đã vạch ra các kết quả mong muốn của giáo dục và thông qua mô hình giáo dục dựa trên năng lực; trong đó nhấn mạnh các kỹ năng tư duy và khả năng sáng tạo của người học, thông qua việc xem xét những năng lực và tài năng của từng cá nhân nhằm mục tiêu trang bị và chuẩn bị cho học sinh để các em có thể đáp ứng được các thách của một nền kinh tế tri thức.

"Có thể nói: Cả ba quốc gia trên đều đặc biệt coi trọng việc xây dựng một hệ thống học tập, giáo dục suốt đời và đều đang thực hiện những bước tiến vững chắc tới mục tiêu xây dựng một xã hội học tập suốt đời như ở Nhật Bản, hay như ở Hàn Quốc là một xã hội học tập và ở Singapore là một quốc gia học tập – nơi mà mọi người đều có thể tham gia vào các cơ hội học tập ở bất kỳ thời gian nào trong cuộc đời mình và được sự công nhận đối với các thành tựu đạt được" - TS Jin Yang trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Châu Âu đang vật lộn khắc phục hậu quả sau trận lũ lụt kinh hoàng

Hậu quả sau trận lũ lụt kinh hoàng

GD&TĐ -Lực lượng chức năng đang chạy đua để bảo vệ bờ sông và các tòa nhà khi nước lũ tàn phá khắp miền Trung châu Âu, bắt đầu dâng cao ở các khu vực mới.