“Nuôi dưỡng” tâm hồn...
Có lẽ chúng ta ai cũng biết sách là kho tàng tri thức của nhân loại, là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa cho trí tuệ và tâm hồn của con người. Nói về giá trị của sách, nhà tâm lý học người Pháp Gustave Lebon đã nói: “Một cuốn sách hay cho ta một điều tốt, một người bạn tốt cho ta một điều hay”. Còn nói về ý nghĩa, vai trò to lớn của việc đọc thì cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng nói: "Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn”.
Đối với trẻ em lứa tuổi mầm non thì sách giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ. Đọc sách không chỉ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, tăng cường sự hiểu biết, mà còn giúp trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào lớp một theo mục tiêu của Chương trình GDMN.
Từ vai trò và ý nghĩa to lớn của việc đọc mà trong những năm vừa qua, trường Mầm non xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) luôn quan tâm đến xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường với nhiều nội dung, hoạt động phong phú, đa dạng. Mục đích nhằm “nuôi dưỡng” thói quen và nhu cầu đọc sách. Qua đó, góp phần xây dựng năng lực tự học cho đội ngũ CBQL, GV, NV và học sinh trong toàn trường, thúc đẩy có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”.
Trường Mầm non xã Thanh Nưa nằm trên địa bàn xã biên giới của huyện Điện Biên. Năm học 2023-2024, trường có 10 nhóm lớp với 270 học sinh, trong đó học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm trên 85%. Đội ngũ CBQL, GV, NV của nhà trường có 27 người với 100% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đào tạo đạt trên chuẩn, là đội ngũ có tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, tâm huyết với nghề nghiệp.
Chung tay xây dựng môi trường…
Để tổ chức việc đọc có hiệu quả, nhà trường đã quan tâm chỉ đạo xây dựng thư viện của nhà trường theo quy định tại Thông tư số 16, Quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở GDMN và phổ thông của Bộ GD&ĐT, đồng thời môi trường được xây dựng phù hợp với bối cảnh địa phương, đó là: Môi trường thư viện phong phú, các góc/khu vực hoạt động; có nhiều tài nguyên thông tin đa dạng, hấp dẫn; có đủ các thiết bị chuyên dùng khuyến khích giáo viên và trẻ em khai thác, sử dụng nhằm nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình GDMN.
Môi trường phòng đọc được sắp xếp thuận tiện cho việc khai thác, sử dụng; được trang trí đơn giản nhưng không kém phần xinh xắn bằng những nguyên vật liệu phế thải, sẵn có tại địa phương như bìa carton, vỏ hộp bánh kẹo, tre, lá cọ,...tạo không gian thoáng đãng, đẹp mắt.
Phòng đọc của trẻ được bố trí, sắp xếp các khu vực hoạt động một cách hài hòa, hợp lý, phong phú, đa dạng, thuận tiện cho trẻ sử dụng gồm: Không gian đọc có rèm che, có gối làm bằng các con vật ngộ nghĩnh để trẻ có thể nằm, ngồi tựa lưng tạo cảm giác thoải mái, thư thái.
Khu vực lưu trữ “tài nguyên” thông tin (sách) với hàng nghìn bản sách được bố trí riêng theo từng chủ đề để trẻ dễ dàng tìm kiếm, khai thác sử dụng như: khu vực sách truyện cổ tích và dân gian; khu vực sách về khoa học và xã hội; khu vực sách nước ngoài. Mỗi chủ đề có một ký hiệu riêng biệt để khi trẻ lấy – cất không bị nhầm lẫn.
Không chỉ quan tâm xây dựng môi trường phòng thư viện, nhà trường đã quan tâm chỉ đạo giáo viên xây dựng góc thư viện/sách tại các nhóm lớp. Mỗi góc thư viện của nhóm được được xây dựng, sắp xếp theo ý tưởng riêng song vẫn giàu yếu tố địa phương, tạo cơ hội cho trẻ lựa chọn học tập, kết nối để trẻ có thể chủ động, vui chơi, tìm tòi khám phá, thực hành, trải nghiệm và sáng tạo với sách.
Để có được không gian đọc xinh đẹp, thân thiện như vậy, ngoài được đầu tư một phần rất nhỏ từ ngân sách Nhà nước thì phần lớn nhà trường đã huy động nguồn lực xã hội hóa giáo dục của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa bàn xã cùng với sự tâm huyết, cần mẫn của mỗi cán bộ quản lý, giáo viên trong nhà trường.
Phòng thư viện của nhà trường do Anh Hùng lao động Nguyễn Hiệp - Nguyên Chủ tịch HĐQT tập đoàn Phát triển nhà và đô thị - HUD Hà Nội cùng gia đình tài trợ; hàng nghìn bản sách tại phòng thư viện đều do Chương trình Tủ sách Cầu vồng, Trường Đại học y Hà Nội cùng với CBQL, GV, NV và cha mẹ trẻ trong trường ủng hộ,…
Tổ chức các hoạt động lan tỏa văn hóa đọc…
Xây dựng và phát triển văn hoá đọc đã trở thành một trong những hoạt động thường xuyên được nhà trường quan tâm chỉ đạo thực hiện xuyên suốt trong năm học với nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích, thu hút sự tham gia của tất cả CBQL, GV, NV, phụ huynh và học sinh trong toàn trường.
Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chỉ đạo xây dựng lịch hoạt động tại phòng đọc của giáo viên và của học sinh sao cho hàng tuần mỗi CBQL, GV, NV và học sinh đều có khoảng thời gian phù hợp để đọc sách. Đối với trẻ mầm non, do trẻ chưa biết chữ nên việc đọc của trẻ chủ yếu là “đọc” bằng hình ảnh với các loại sách, truyện tranh hoặc sách tranh có kèm chữ viết.
Ngoài việc mượn sách, đọc sách tại phòng thư viện của trường, góc thư viện của nhóm/lớp theo kế hoạch, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động học tập, kết nối nhằm hình thành, lan tỏa, khơi gợi niềm yêu thích, hứng thú đọc sách của đội ngũ CBQL, GV, NV và trẻ em thông qua hưởng ứng “Tuần lễ học tập suốt đời”, “Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam”, phong trào “Cha mẹ cùng con đọc sách”, “Ngày hội tiếng Việt của bé”,…
Với mong muốn xây dựng, phát triển, lan tỏa văn hóa đọc trong Trường Mầm non xã Thanh Nưa mong muốn góp phần xây dựng nhà trường trở thành Ngôi trường hạnh phúc, mang đến cho mỗi CBQL, GV, NV và trẻ em niềm vui. Qua đó tạo niềm hứng khởi và cơ hội để học tập, phát triển bản thân. Với quan điểm đó, nhà trường mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ về vật chất của các tổ chức, cơ quan đơn vị, các nhà hảo tâm trong và ngoài địa bàn xã.
Nhà trường cũng kêu gọi sự ủng hộ, phối kết hợp của cha mẹ trẻ và cộng đồng xã hội cùng chung sức, đồng lòng xây dựng, lan tỏa và phát triển văn hóa đọc, góp phần xây dựng xã hội học tập, đặc biệt là năng lực tự học trong kỷ nguyên số số hiện nay.