Trường học xanh vì không khí sạch
Khu vực Nhà Chung, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm dài chưa tới 500m nhưng có 5 trường học, ngoài ra còn có trung tâm chính trị quận, 1 trường đại học công giáo, tòa Tổng giám mục, nhiều khách sạn, nhà hàng… Các hoạt động giao thông ở đây diễn ra đông đúc với phương tiện chủ yếu là ô tô, xe máy. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường do khí thải và tiếng ồn mà còn không an toàn với HS khi đi bộ, đi xe đạp đến trường.
Trước bất cập này, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với các trường học trong khu vực và một số tổ chức triển khai dự án “Đường đi bộ đến trường”.
Cô Trần Thị Bích Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An, quận Hoàn Kiếm, thành viên của dự án cho biết: Dự án được triển khai nhằm tạo không gian và môi trường an toàn quanh khu vực trường học cho trẻ em đi bộ, đi xe đạp hoặc sử dụng phương tiện công cộng tới trường và về nhà. Đồng thời, góp phần tăng cường sức khỏe HS thông qua việc cải thiện chất lượng không khí quanh khu vực trường học.
Theo cô Liên, để triển khai được Dự án, việc đầu tiên phải nâng cao nhận thức của GV, HS và phụ huynh về các vấn đề môi trường và chất lượng không khí dưới nhiều hình thức. Bên cạnh công tác tuyên truyền, quận đã lắp đặt máy đo chất lượng không khí tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản và UBND quận Hoàn Kiếm để theo dõi chất lượng không khí trong khu vực và có cảnh bảo, giải pháp bảo vệ sức khỏe cho HS và người dân sống xung quanh.
Sau hơn 1 năm triển khai dự án, giao thông trên tuyến phố Nhà Chung có những chuyển biến tích cực. Phụ huynh các trường học đã yên tâm cho con đi bộ từ đầu phố Tràng Thi và Nhà Thờ đến trường.
Cô Liên nhận định: Khi nhận thức của người dân, GV, HS và phụ huynh chuyển biến tích cực cùng mục tiêu bảo vệ môi trường, xây dựng trường học xanh, việc bảo đảm sức khỏe, sự an toàn cho HS khi đến trường là hoàn toàn khả thi.
Giảm thiểu tác hại của rác thải
Sau khi được đi trại hè tại Nhật Bản, Thụy Điển, thấy việc phân loại rác được triển khai hiệu quả. Rác thải được phân loại trở thành tài nguyên, có giá trị lớn về kinh tế, đồng thời không gây ô nhiễm môi trường, HS Nguyễn Bá Khang Hưng và Nguyễn Nhật Linh, lớp 9A Trường Alfred Nobel, quận Đống Đa, Hà Nội lên ý tưởng phân loại rác tại chung cư Hà Nội. Ý tưởng được xây dựng thành dự án và được UNICEF chọn thực hiện bắt đầu từ tháng 11/2020.
Em Nguyễn Bá Khang Hưng cho biết: Mục tiêu của dự án là tuyên truyền, lan tỏa để mọi người hiểu mục đích và tầm quan trọng của việc phân loại rác, bước đầu tại các chung cư, tiến tới nhân rộng, triển khai tại trường học, công sở và những nơi công cộng khác…
Khó khăn khi bắt tay triển khai dự án, theo em Nguyễn Nhật Linh là nhận thức của người dân về việc phân loại rác còn hạn chế. Nhiều người chưa quen và cũng chưa biết đến việc phân loại rác theo các loại: Rác hữu cơ, tái chế, điện tử, nguy hại… Do chưa có sự phân loại rác ngay từ khâu đầu nên việc thu gom rác thải bị ùn ứ, tốn quỹ đất ở các bãi rác; tần suất của xe chuyển rác rất lớn...
Nhóm bắt đầu khâu tuyên truyền qua các buổi nói chuyện tại một số trường học, chung cư trên địa bàn TP. Hiện có chung cư “đặt hàng” dự án nhằm nâng cao nhận thức của của cư dân, mà trước mắt là tác động đến những người nội trợ (trực tiếp tham gia phân loại rác nhiều nhất) và trẻ em – nhóm dễ thay đổi hành vi và ảnh hưởng đến thói quen tương lai.
Cũng hướng tới xây dựng trường học xanh, bảo vệ môi trường tại trường học, trong thời gian qua, Hà Nội đã triển khai chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa. Trong năm học 2020 – 2021, chương trình thu hút 1.600 trường MN, tiểu học tham gia. Trong khuôn khổ chương trình, HS được hướng dẫn cách xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống như cho ống hút vào trong hộp, làm dẹp, dán sticker lên miệng hộp và bỏ vào nơi quy định. Vỏ hộp sữa sau đó sẽ được thu gom định kỳ hai tuần một lần và chuyển về nhà máy giấy Đồng Tiến (Bình Dương) để tái chế thành các sản phẩm hữu ích khác như giấy công nghiệp và tấm lợp, tấm phẳng sinh thái...