Trong đó, ít nhất phụ huynh cũng phải “3 biết”: Biết tình hình học tập, đạo đức của con em mình để phối hợp giáo dục; biết tình hình hoạt động và khó khăn của nhà trường để tham gia hỗ trợ; biết những chủ trương, chính sách về công tác giáo dục và đào tạo để cùng thực hiện.
Lắng nghe và thấu hiểu
Thầy Nguyễn Duy Thảo - Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Khê (Đà Nẵng) đặt vấn đề: “Thầy ở đây để lắng nghe tất cả những tâm sự của các em. Các em hãy hỏi một cách thẳng thắn, nếu thầy giải quyết được sẽ giải quyết ngay. Nếu vấn đề gì vượt khỏi tầm giải quyết của nhà trường thì thầy sẽ gửi kiến nghị lên Sở GD&ĐT”. Trước sự cởi mở của thầy hiệu trưởng, gần 50 em HS tham gia buổi đối thoại không còn e dè khi đặt câu hỏi, từ chuyện tại sao nhà trường không tổ chức các buổi học dã ngoại như kế hoạch đề ra, tại sao nhà trường không thay mới những bàn học mà mặt bàn đã bị xuống cấp, đến thắc mắc sao không thấy nhà trường tổ chức giải đá bóng để HS có thêm sân chơi…
Những thắc mắc này của HS đều được thầy Hiệu trưởng Nguyễn Duy Thảo trả lời cặn kẽ, có kế hoạch rõ ràng. Như câu hỏi của em V.L về việc các phòng học ở tầng hai của trường vừa nắng vừa nóng, sao không được trang bị rèm che, thầy Thảo cho biết: “Bản thân thầy cũng thấy phòng học rất nóng nực. Nhà trường sẽ sớm bàn bạc với ban đại diện phụ huynh để trang bị rèm chống nắng tại các phòng học. Nếu ban đại diện phụ huynh không tham gia được thì trường sẽ kêu gọi nguồn giúp đỡ khác, nhất định là tháng 9 này sẽ có rèm che nắng cho các em”.
Em Phan Thị Thiên Ngân cho biết: “Từ buổi đối thoại với thầy Hiệu trưởng, chúng em được học rất nhiều điều, từ cách diễn đạt, trình bày nguyện vọng. Được thầy Hiệu trưởng khuyến khích nên chúng em mạnh dạn đặt những câu hỏi về những băn khoăn cũng như nguyện vọng của mình và đều được giải đáp những thắc mắc đó. Chúng em thấy mình được lắng nghe, được tôn trọng, thấy tự tin hơn hẳn”.
Nhiều cán bộ quản lý giáo dục đều thống nhất quan điểm rằng mục tiêu của “HS tích cực” trong phong trào “Trường học thân thiện, HS tích cực” là HS được tham gia các hoạt động trong nhà trường một cách chủ động, được bộc lộ quan điểm, rèn luyện các kỹ năng và hình thành quan hệ tốt trong giao tiếp với thầy cô và bạn bè. Trên nền tảng của một môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn cho sự phát triển của HS, các em dần hình thành cho mình ý thức xây dựng, bảo vệ danh dự của nhà trường, của tập thể lớp và của chính bản thân mình, biết bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai…
Cần sự cộng hưởng của gia đình và cộng đồng
Với đặc thù đóng chân ở địa bàn còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội, Trường Tiểu học Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) rất chú trọng đến việc tuyên truyền cho HS những kiến thức cơ bản về giữ gìn sức khỏe và vệ sinh cá nhân, an toàn giao thông, phòng tránh đuối nước, kỹ năng phòng tránh sự xâm hại cho cả HS nam và nữ…
Tuy nhiên, theo như thầy Nguyễn Mai Trọng - Hiệu trưởng nhà trường thì: “Nhờ có sự giúp đỡ của cộng đồng mà đặc biệt là các hoạt động thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân nên nhà trường mới có đủ điều kiện để hoàn thiện dần các điều kiện cơ sở vật chất như lắp đặt hệ thống camera để đảm bảo an ninh trường học, xây dựng nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn... Ngoài những khó khăn chung do điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, một phần cũng do nhận thức, hỗ trợ của phụ huynh. Ngay như việc tuyên truyền cho HS các kiến thức về an toàn giao thông, dù nhà trường tiến hành thường xuyên, nhưng trên thực tế, với những HS được phụ huynh đưa đón bằng xe máy đến trường, lại chưa có nhiều em được trang bị mũ bảo hiểm”.
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (Q. Hải Châu - TP Đà Nẵng) - chia sẻ: Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của những nhà dân xung quanh khu vực trường, nhà trường đã thiết lập một “vành đai an toàn” để góp phần xây dựng cổng trường bình yên, can thiệp kịp thời một số trường hợp vướng mắc của HS để các em không phải nghỉ học, bỏ học. “Để xây dựng môi trường học đường thực sự an toàn, thân thiện với HS, chỉ có nỗ lực của nhà trường thôi là chưa đủ.
Chẳng hạn như, chỉ mỗi việc đưa đón HS đúng giờ của phụ huynh cũng đã hỗ trợ cho nhà trường rất nhiều” - cô Thu Nguyệt cho biết. Đã không ít lần, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Núi Thành đã phải đi đưa HS đi tìm nhà trong khi em chỉ nhớ tên đường vì 7 giờ tối mà vẫn chưa thấy phụ huynh đến đón. Có lẽ vì vậy mà ở Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) BGH trực và bảo vệ đêm đều có một danh bạ điện thoại phụ huynh HS toàn trường để liên lạc với những trường hợp đến đón con quá muộn.
Cô Thu Nguyệt cho biết thêm: “Đối với công tác đảm bảo an toàn cho HS, thường thì nhà trường phải để ý từng chi tiết nhỏ, như chiều cao của các lan can hành lang, hệ thống quạt trần, thậm chí đến cả chốt cửa cũng được xem xét cẩn thận vì HS tiểu học thường rất hiếu động. Ngay như trong việc phổ biến các kiến thức, kỹ năng cho HS để tránh bị xâm hại, giáo viên cũng phải tìm những từ ngữ phù hợp để HS vừa có thể tiếp thu vừa không gây ngộ nhận…”.