Xây dựng trường chuyên - kinh nghiệm từ các địa phương

Xây dựng trường chuyên - kinh nghiệm từ các địa phương
Trường THPT chuyên Hà Nội
Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam

Theo ông Phạm Văn Đại, các trường chuyên hiện nay cần tiếp tục đảm bảo giáo dục toàn diện, phát triển khả năng chuyên sâu một số lĩnh vực cần thiết trong xã hội hiện đại, đảm bảo học sinh ra trường có kỹ năng sống, khả năng thích ứng cao ở mọi môi trường; về quy mô trường lớp chuyên, cần củng cố các trường chuyên đã có, mở thêm hình thức lớp chuyên ghép một số môn có quan hệ gần gũi thay cho các lớp hệ phổ thông trong trường chuyên như Toán – Tin, Văn – Sử… nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh, phù hợp với nhu cầu học tập của học sinh. Về tuyển sinh, ông Đại bày tỏ mong muốn mở rộng đối tượng tuyển sinh hàng năm vào lớp chuyên là học sinh giỏi cấp tỉnh không có hộ khẩu Hà Nội và được kiểm tra sát hạch đủ điều kiện đầu vào. Hiện nay, UBND thành phố ra Quyết định thành lập các trường chuyên (trước là khối chuyên) thuộc các trường ĐHSP, ĐHNN, ĐH KHTN và UBND thành phố giao cho Sở GD&ĐT quản lý về chuyên môn các trường chuyên này nhưng việc giao chỉ tiêu, thi cử, thí sinh vẫn độc lập không thống nhất làm cho việc thí sinh vào các trường chuyên Hà Nội và các trường chuyên này cạnh tranh không lành mạnh lẫn nhau. Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị các trường chuyên trên địa bàn Hà Nội thi đề chung, cùng diễn ra trong 1 ngày và cùng tuyển sinh đầu vào trên cơ sở đăng ký của thí sinh. Về chương trình, tài liệu chuyên sâu, nên đáp ứng kịp thời theo phương thức nâng cao + chuyên đề chuyên sâu cho cả 3 khối và tính đến đưa các môn khoa học và thực hành khoa học bằng tiếng nước ngoài. Về tài chính, cần tăng ngân sách các trường chuyên, tài chính cho khối trường chuyên hiện nay đang cấp theo đầu học sinh, đề nghị chuyển sang cấp theo lớp chuyên và có thể cho phép thực hiện thu học phí ở các lớp không chuyên đào tạo chất lượng cao để tạo sự năng động cho các trường chuyên tiếp cận với giáo dục thế giới.

Nam định: Thực hiện giáo dục toàn diện

Ông Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho biết, phuơng châm của Nam Định là tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi trên nền đại trà. Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy, chỉ khi thực hiện giáo dục toàn diện tốt thì công tác tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi mới đảm bảo chất lượng. Chính chất lượng giáo dục đại trà tạo mặt bằng cơ bản, vững chắc cho đội ngũ giáo viên cũng như học sinh. Trong giai đoạn gần đây, khi Bộ GD&ĐT qui định xóa trường chuyên, lớp chọn ở cấp THCS thì phương châm hành động này đã đem đến nhiều thành công cho tỉnh Nam Định trên lĩnh vực học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế.

Theo ông Tuấn, tuyển chọn đúng học sinh có năng khiếu, năng lực đặc biệt là khâu quan trọng, là điều kiện tiên quyết trong chiến lược phát triển nhân tài. Sở GD&ĐT Nam Định trong những năm qua đã tổ chức tốt các kỳ thi chọn học sinh giỏi vào trường chuyên Lê Hồng Phong. Công tác ra đề, tổ chức và chấm thi đảm bảo tốt mục tiêu không để sót các học sinh thực sự có năng khiếu ở các môn học trong toàn tỉnh. Năm học 2009-2010 vừa qua, Nam Định đã thực hiện thành công quy chế mới của Bộ GD&ĐT về thi tuyển vào lớp 10 chuyên các môn Ngữ văn, Toán, tiếng Anh và môn chuyên. Để có được thành công đó, toàn tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh đại trà từ tiểu học đến THCS. Năm học 2007-2008, Nam Định đã chọn tiếng Anh là một môn thi trong kỳ thi tuyển vào 10 toàn tỉnh…Tỉnh đã huy động những giáo viên xuất sắc nhất, đang trực tiếp dạy chuyên của Lê Hồng Phong cùng tham gia ra đề, chấm thi trong các kỳ thi HSG toàn tỉnh chọn đội tuyển thi quốc gia…Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp đứng lớp đặc biệt được coi trọng. Hàng năm, Nam Định liên tục cử giáo viên đi học các lớp cao học và tạo điều kiện cho giáo viên được giao lưu học hỏi với các đồng nghiệp trên toàn quốc. Tại trường chuyên Lê Hồng Phong, cán bộ quản lý đều đi lên từ những giáo viên giỏi về chuyên môn, dày dạn kinh nghiệm trong bồi dưỡng học sinh giỏi đi thi quốc gia, quốc tế…
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi, ông  Tuấn cho rằng, Bộ GD&ĐT nên sớm rà soát và ban hành một cách hệ thống các văn bản xác định rõ vai trò, vị trí của trường chuyên; quy định về mục tiêu, chương trình, nội dung, chuẩn kiến thức, kỹ năng… của trường chuyên; tổ chức kiểm tra, khảo sát việc thực hiện các quy định, quy chế trường chuyên trong toàn quốc…

Đà Nẵng: Trường chuyên được hưởng những cơ chế chính sách đặc thù

Theo ông Huỳnh Văn Hoa – Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng, hàng năm, Sở GD&ĐT tham mưu cho UBND thành phố ban hành quyết định về việc tuyển sinh vào trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Việc tuyển sinh được tiến hành theo 2 bước: Xét chọn những học sinh đảm bảo một số điều kiện về học lực,

Ông Huỳnh Văn Hoa
Ông Huỳnh Văn Hoa

hạnh kiểm và tổ chức thi tuyển. Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Ngoại vụ, Sở Tài chính tham mưu UBND thành phố cử giáo viên tham gia đào tạo trong và ngoài nước ở các chuyên ngành khác nhau làm dự nguồn cán bộ sau này; cử giáo viên cốt cán tham gia các chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn do các giảng viên của các trường ĐH có uy tín phụ trách. Thành phố đã ban hành quy định thí điểm thi phó hiệu trưởng.

Cùng với việc tham mưu UBND thành phó đầu tư trọng điểm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, UBND thành phố đã ban hành một số chính sách đặc thù cho trường. Cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp giảng dạy được chi trả bằng 270% lương (gấp đôi so với giáo viên không dạy trường THPT chuyên). Mỗi tiết dạy chuyên môn được quy đổi thành 1,5 tiết dạy bình thường. Đối với giáo viên dạy đội tuyển học sinh giỏi thành phố dự thi học sinh giỏi quốc gia được hưởng mức chi trả/ tiết rất cao. Giá trị khen thưởng cho học sinh đoạt giải quôc gia, khu vực và quốc tế lớn.

Đặc biệt, học sinh trường THPT chuyên không phải đóng góp các khoản học phí và tiền xây dựng trường; được hỗ trợ sinh hoạt phí 260.000 đồng/ tháng (trong 9 tháng của năm học); hỗ trợ trang phục, áo quần 300.000 đồng/ học sinh/ năm; học phẩm 200.000 đồng/ học sinh/năm. Những học sinh giỏi được nhận học bổng khuyến khích tài năng với mức 100.000 – 120.000 đồng/ tháng/ học sinh…

TP.HCM: Chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên và học sinh

Ông Võ Anh Dũng, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) cho biết, việc nâng cao trình độ ngoại ngữ và tin học của giáo viên được coi là hoạt động then chốt trong việc nâng cao chất

Ông Võ Anh Dũng
Ông Võ Anh Dũng

lượng giảng dạy, đây cũng là công tác quan trọng trong các công tác quản lý của nhà trường. Trường đã tổ chức hoạt động nâng cao trình độ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên thông qua 4 nhóm biện pháp: Biện pháp nâng cao trình độ ngoại ngữ và tin học của giáo viên thông qua phương pháp tự học; thông qua hoạt động thực tiễn; qua việc sử dụng internet và bằng phương pháp chuyên gia.

Đối với học sinh, nhà trường thực hiện nâng cao trình độ ngoại ngữ học sinh qua công tác tuyển sinh (các em trúng tuyển vào lớp 10 của trường thường phải có điểm ngoại ngữ đạt 8/10); tổ chức dạy tin học; tổ chức dạy ngoại ngữ nâng cao; dạy tăng cường ngoại ngữ; tăng cường cơ sở vật chất, áp dụng phương pháp giảng dạy mới; tổ chức các hoạt động phát triển khả năng ngoại ngữ, tin học của học sinh như thành lập các CLB, tham gia hoạt động ngoại khóa, tham dự các cuộc thi…; tổ chức giao lưu với học sinh các nước…
 

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.