Xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật

GD&TĐ - Ngày 9/11, ngày ban hành Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của đất nước - được Quốc hội lựa chọn và quyết định là Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam. 

Xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật

Ngày này được tổ chức hằng năm nhằm thể hiện tinh thần tôn vinh các giá trị, vai trò đặc biệt quan trọng của Hiến pháp, pháp luật trong cuộc sống của mỗi người dân Việt Nam và trong sự phát triển của quốc gia, sự thịnh vượng của dân tộc.

Có thể nói với chủ trương tăng cường giáo dục pháp luật đã thực sự làm cho cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân nắm bắt kịp thời một số nội dung pháp luật mới ban hành và càng làm cho tinh thần thượng tôn pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức, hành vi, hoạt động của mỗi người dân, mỗi cơ quan, tổ chức và toàn xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật thời gian qua vẫn còn có nhiều hạn chế, tồn tại đã khiến ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân không những chưa được thực hiện nghiêm túc, dẫn tới việc chưa tôn trọng pháp luật và vi phạm pháp luật.

Việc phổ biến, giáo dục pháp luật ở nhiều nơi vẫn còn mang tính phong trào, chưa đi sâu vào những nội dung pháp luật mà người dân cần. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mặc dù đã được áp dụng khá đa dạng, phong phú, song nhìn chung hiệu quả còn chưa cao, chưa theo kịp tình hình thực tiễn, nhất là ở cấp cơ sở.

Điều này cũng đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng nhận định là một trong những nguyên nhân của những hạn chế trong công tác phổ biến, giáo dục hiện nay là “thể chế cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật còn bất cập.

Phổ biến, giáo dục pháp luật là hoạt động liên quan đến tất cả các ngành, các địa phương và toàn bộ đời sống xã hội, song chưa được điều chỉnh bằng một văn bản có giá trị pháp lý cao như Luật, Nghị quyết của Quốc hội nên còn gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai và phối hợp thực hiện”.

Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam chính là ngày để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân. Một trong những công việc thực hiện trước tiên là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Trong đó, cần tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân thông qua việc lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật với hoạt động của các tổ chức, đoàn thể xã hội, với việc thực hiện các phong trào, các cuộc vận động.

Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật của các cơ quan Nhà nước, của công chức, viên chức Nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác nhằm phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời, dứt điểm và triệt để những hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, cần có cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời những tổ chức, cá nhân chấp hành tốt pháp luật; tăng cường tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến người tốt việc tốt trong thực hiện pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ