Hướng nghiệp song hành cùng tinh thần khởi nghiệp
Muốn thúc đẩy khởi nghiệp trong trường THPT hiệu quả, chúng ta cần phải hiểu rõ quan hệ giữa khởi nghiệp và hướng nghiệp đối với các học sinh. Khởi nghiệp và hướng nghiệp là hai mặt của một vấn đề. Trong cuộc sống, mọi cá nhân cần tạo ra giá trị cho xã hội nói chung, các tổ chức và khách hàng nói riêng. Từ đó, họ mới có thể tồn tại độc lập và làm giàu cho bản thân và xã hội. Như vậy, khởi nghiệp là tạo ra giá trị mới thông qua việc kiến tạo hệ thống doanh nghiệp, còn hướng nghiệp/nghề nghiệp là tạo ra giá trị thông qua một hệ thống tổ chức/doanh nghiệp sẵn có.
Quan điểm tách rời khởi nghiệp và hướng nghiệp là sai về bản chất. Nghề nghiệp nói chung là tập hợp rộng lớn nhất, còn khởi nghiệp chỉ là tập hợp con của nghề nghiệp. Một cá nhân có thể vừa đi làm thuê vừa khởi nghiệp trong một số giai đoạn xen kẽ nhau hoặc cùng thực hiện song song.
Nhà trường cần giúp học sinh của mình thấu hiểu các giá trị của khởi nghiệp và định hướng nghề nghiệp. Nếu theo đuổi các giá trị nhỏ, chưa có đột phá thì các bạn nên thể hiện năng lực và tích lũy kinh nghiệm thông qua quá trình đi làm việc gắn với một cơ cấu tổ chức sẵn có. Nếu các bạn cảm thấy đủ khả năng và lường trước các rủi ro khi tạo ra giá trị với quy mô và phạm vi lớn thì nên phối hợp với những người cùng chí hướng tạo lập doanh nghiệp.
Như vậy, muốn khởi nghiệp tốt thì công tác hướng nghiệp phải giúp học sinh hiểu biết căn bản về đặc thù công việc, hệ thống tổ chức sản xuất, nguyên tắc quản lý của doanh nghiệp và cách khởi sự nghề nghiệp từ vị trí nhỏ nhất.
Học sinh nên hiểu biết hoạt động doanh nghiệp trong quá trình hướng nghiệp |
Các cấp độ đào tạo khởi nghiệp
Từ lớp 1 đến lớp 12 nói chung, chúng ta nên có các chương trình đào tạo hướng tới việc xây dựng nền tảng tinh thần và năng lực khởi nghiệp của học sinh thông qua các môn học STEM. Các chương trình này được đào tạo nhắc lại thành vòng lặp xoáy ốc ở cấp độ cao hơn theo từng khối lớp, bao gồm cả lý thuyết và thực hành. Phần thực hành thường đi liền với các dự án nhằm rèn luyện các kỹ năng căn bản như làm việc nhóm, thuyết phục, ra quyết định, giải quyết vấn đề…
Ở cấp THPT, chương trình đào tạo về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo bắt đầu đưa các khái niệm cơ bản liên quan đến kinh doanh - doanh nghiệp như vận hành doanh nghiệp, tài chính doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, nhân sự doanh nghiệp… Ở ĐH, chương trình cần chú trọng vào việc đào tạo kiến thức, kỹ năng giúp sinh viên trở thành nguồn nhân lực có phẩm chất khởi nghiệp. Các chương trình phải tập trung phát triển tư duy, giới thiệu công cụ, phương pháp và hướng tiếp cận khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các bài giảng chuyên đề về cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi cơ cấu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp, phương thức kinh doanh cũng nên đưa vào chương trình đào tạo chính quy.
Chương trình đào tạo khởi nghiệp có thể thực hiện vào năm cuối ĐH, chia thành hai phần rõ rệt là kiến tạo doanh nghiệp truyền thống và khởi nghiệp các doanh nghiệp sử dụng công nghệ đổi mới sáng tạo. Phần kiến tạo doanh nghiệp truyền thống sẽ tích hợp chung với chương trình đào tạo quản trị kinh doanh. Phần đào tạo phát triển các doanh nghiệp sử dụng công nghệ đổi mới sáng tạo cần được tách riêng với một số môn chuyên biệt ví dụ như Accelerator (hệ thống tăng tốc khởi nghiệp).