Tiếng Anh chuyên ngành: Không chỉ dạy ngoại ngữ

GD&TĐ - Trong số các ngôn ngữ chuyên ngành được giảng dạy, tiếng Anh được định vị có vai trò quan trọng. Ngày càng nhiều doanh nghiệp đa quốc gia quy định tiếng Anh là ngôn ngữ chính sử dụng trong mọi hoạt động. Với yêu cầu từ thực tiễn, việc học tiếng Anh, đặc biệt tiếng Anh chuyên ngành kinh tế vô cùng thiết thực và cần thiết đối với mỗi sinh viên (SV) sau khi ra trường.

Kiến thức chuyên ngành của giảng viên tiếng Anh quyết định chất lượng đào tạo. Ảnh: Thùy Anh
Kiến thức chuyên ngành của giảng viên tiếng Anh quyết định chất lượng đào tạo. Ảnh: Thùy Anh

Học tốt, cần giáo trình hay

Học liệu dành cho tiếng Anh chuyên ngành phải được phát triển và thiết kế để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của SV. Vì vậy, điều đầu tiên SV cần quan tâm chính là khảo sát, phát triển nguồn học liệu. Nếu không đáp ứng được nhu cầu học tập và phát triển thì học liệu không thể tương tác tốt với người học trong suốt quá trình học tập.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, chất lượng bài học mà SV thu nhận được phần lớn phụ thuộc vào nhận thức của chính SV về khóa học và mục đích khóa học đó. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế khác, học liệu được sử dụng cũng phải dựa trên phương pháp mà giảng viên đưa ra và cần phù hợp với mục đích của khóa học. Học liệu sử dụng phải đạt được hai mục tiêu là phù hợp mục đích của người học và phương pháp truyền đạt của người dạy, nhưng cũng khiến cho mục tiêu khóa học trở nên rõ ràng hơn. Như vậy, giảng viên tiếng Anh chuyên ngành phải trở thành người soạn thảo, cung cấp, thay đổi quy trình sử dụng của học liệu sao cho hiệu quả nhất và đáp ứng được mục đích, nhu cầu học của sinh viên.

Như vậy có thể khẳng định, giảng viên tiếng Anh chuyên ngành không thể thụ động trong quá trình sử dụng học liệu và hoàn toàn dựa vào một giáo trình duy nhất trong suốt quá trình giảng dạy được.

Mặc dù hiện nay, các học liệu được sử dụng để giảng dạy bộ môn tiếng Anh chuyên ngành hầu hết đều là sách giấy song việc áp dụng các công cụ khác như giáo cụ trực quan, máy chiếu, bảng thông minh, hệ thống máy tính và Internet… cũng đóng vai trò quan trọng làm nên sự thành công của tiết học.

Các giảng viên tiếng Anh khẳng định: Học liệu khi sử dụng trong bộ môn tiếng Anh chuyên ngành cần đáp ứng được ít nhất bốn yếu tố: Nguồn ngôn ngữ học, công cụ hỗ trợ học tập, nguồn động lực kích thích học tập, và nguồn tài liệu tham khảo bổ sung tốt cho sinh viên.

Thế nhưng, tại một số trường đại học, học liệu được sử dụng trong giảng dạy bộ môn tiếng Anh và cụ thể là tiếng Anh chuyên ngành kinh tế thường là các giáo trình có sẵn và thậm chí được biên soạn từ rất nhiều năm trước, không đáp ứng được nhu cầu thực tế của sinh viên cũng như đòi hỏi của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đáng lưu ý là tính nguyên bản - tính chất cơ bản cần có của học liệu thì không phải trường học nào cũng bảo đảm tốt.

Chính vì lý do này, mà khi xây dựng học liệu, bản thân giảng viên phải thực sự hiểu đối tượng giảng dạy của mình. Đặc biệt, với sinh viên ngành kinh tế, tài chính, để tiếp cận tiếng Anh chuyên ngành, trình độ được quy định trong hầu hết các giáo trình phổ biến hiện nay là từ trung cấp trở lên. Vì vậy, giáo viên cần thực sự chắc chắn về trình độ tiếng Anh cơ bản của sinh viên để có thể thiết kế học liệu hiệu quả, có thể sử dụng được cho tất cả các sinh viên trong cùng một lớp học.

Giảng viên: Quyết định chất lượng

Thành thạo tiếng Anh chuyên ngành giúp SV tốt nghiệp tự tin với công việc. Ảnh: Thùy Anh
Thành thạo tiếng Anh chuyên ngành giúp SV tốt nghiệp tự tin với công việc. Ảnh: Thùy Anh 

Giảng viên bộ môn tiếng Anh nói chung và chuyên ngành kinh tế nói riêng cần bảo đảm các hoạt động cơ bản phục vụ cho công việc như chuẩn bị nội dung đầu vào, khuyến khích động lực học của sinh viên, phương pháp giảng dạy phù hợp và khuyến khích sinh viên thực hành, vận dụng ngôn ngữ trong các hoàn cảnh cụ thể.

Mặt khác, giảng viên cần nhắm đến một đối tượng đặc biệt nên công việc đầu tiên cần làm là phân tích nhu cầu của sinh viên mà mình đang dạy. Các cuộc thảo luận trực tiếp với sinh viên trước khi bắt đầu chuẩn bị học liệu cũng vô cùng quan trọng để nắm bắt được mong muốn cũng như định hướng nghề nghiệp của sinh viên, từ đó hiểu được môi trường, ngữ cảnh sử dụng ngôn ngữ của sinh viên trong tương lai để có thể chuẩn bị học liệu phù hợp.

Việc nắm rõ trình độ của sinh viên cũng như độ đồng đều về trình độ trong lớp học sẽ giúp giảng viên có thể định lượng được khối kiến thức trong từng buổi giảng, xác định rõ phương pháp nào phù hợp với từng nhóm sinh viên có trình độ khác nhau. Ví như, giảng viên có thể kết hợp với giảng viên các bộ môn khác để nắm bắt chủ đề mà sinh viên đang được học trong lĩnh vực của mình từ đó đưa vào bài giảng cũng như chuẩn bị từ vựng trang bị cho sinh viên. Khi bộ môn tiếng Anh chuyên ngành theo sát các chủ đề được học ở các bộ môn khác sẽ góp phần hoàn thiện và kết hợp nhuần nhuyễn logic trong suốt chu trình học của sinh viên, giúp sinh viên dễ dàng tiếp thu kiến thức và các bộ môn bổ trợ lẫn nhau.

Tóm lại, giảng dạy bộ môn tiếng Anh chuyên ngành nói chung và chuyên ngành kinh tế nói riêng không đơn thuần là giảng dạy ngôn ngữ cho sinh viên. Đặc thù của tiếng Anh chuyên ngành kinh tế đòi hỏi giảng viên cần có kiến thức cả về mặt phương pháp giảng dạy ngôn ngữ và cả các kiến thức cơ bản về kinh tế. Chỉ có như vậy giảng viên mới truyền tải hết nội dung chính xác nhất đến sinh viên, việc dạy và học tiếng Anh chuyên ngành mới thu được hiệu quả cần thiết.

Ngôn ngữ tiếng Anh, trên khía cạnh kinh tế, là giao điểm của ba xu hướng quan trọng: Nền kinh tế toàn cầu hóa, hệ sinh thái văn hóa và xã hội không ranh giới địa lý trên nền tảng Internet và một đời sống với cách tư duy kinh tế thị trường. Ba xu hướng này đặt ra một nhu cầu tất yếu về một ngôn ngữ thông dụng có thể giải quyết tất cả các tình huống một cách hợp lý và hiệu quả nhất. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.