Cần thiết thực từ cách làm
Sau một thời gian sách truyền thống (sách giấy) có phần bị lấn át bởi các thiết bị nghe nhìn điện tử, mọi người đã kịp nhận ra việc cần làm đó là:
Phải tiếp tục nuôi dưỡng, duy trì thói quen đọc sách truyền thống. Để khơi dậy niềm say mê đọc sách, tạo điều kiện cho đông đảo bạn đọc trên khắp mọi miền được tiếp cận với sách, nhiều tổ chức, cá nhân đã đi đầu trong việc xây dựng các tủ sách quê hương.
Tiêu biểu là chương trình sách hóa nông thôn do anh Nguyễn Quang Thạch khởi xướng đã mang lại những tác động tích cực trong việc xây dựng các tủ sách ở nông thôn và khuyến khích tinh thần đọc sách tại nhiều địa phương như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Bình, Hải Dương…
Nhiều câu lạc bộ đọc sách cũng đã được thành lập lan tỏa văn hóa đọc tới nhiều đối tượng trong xã hội. Đặc biệt các nhà xuất bản, các nhà sách đã liên kết tổ chức nhiều hội chợ sách rất có ý nghĩa, thu hút hàng nghìn độc giả tới tham gia. Đó là cơ hội mà những người yêu sách, say mê sách được tiếp cận với nhiều thể loại sách phong phú, những cuốn sách hay có giá trị.
Hưởng ứng Ngày đọc sách Việt Nam và Ngày đọc sách thế giới (21 và 23/4 hằng năm) phong trào đọc sách cũng đã được khuyến khích trong các nhà trường với các hình thức giới thiệu những cuốn sách hay hàng tuần cho học sinh.
Tuy vậy, theo TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh, không ít hoạt động vẫn còn ở bề nổi, mang nặng tính hình thức mà chưa chạm được tới cá nhân từng người có tiềm năng trở thành người đọc.
Nhiều trường học tổ chức ngày hội đọc thật tấp nập, vui tươi, nhưng sau ngày hội lại là chuỗi ngày chạy đua với chương trình học, việc đọc sách không được đả động mấy nữa. Vấn đề là phải tìm được phương án kích thích từng đứa trẻ, làm sao chúng đến với sách tự nguyện, lâu dài, bền bỉ.
Bắt đầu từ những thói quen
Nuôi dưỡng tình yêu với sách nên bắt đầu từ cho trẻ từ nhỏ và cũng đồng nghĩa với việc định hướng, trang bị kỹ năng đọc cho các em. Văn hóa đọc chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta với tri thức sách vở. Phải biết đọc sách sao cho hợp lý và bổ ích. Đọc sao cho hợp với quy luật tiếp cận tri thức.
Với vai trò là chủ nhiệm CLB đọc sách cùng con, TS Nguyễn Thụy Anh đã đưa ra lời khuyên: Không nên ép trẻ đọc vì… “phải đọc” mà nên mời trẻ đọc hoặc tham gia hoạt động đọc cùng mình, đồng thời vẫn tôn trọng quyền lựa chọn “đọc” hoặc “không đọc” của chúng.
Xây dựng văn hóa đọc cho gia đình, nhà trường, xã hội không chỉ là xây dựng thói quen đọc, hay trang bị các tủ sách sao cho phong phú, đủ đầy mà còn là xây dựng phông văn hóa, chuẩn bị kỹ năng đọc, phương pháp tiếp nhận sách, sử dụng sách và tạo một nhu cầu, tìm ra động lực đến với sách cho một người đọc. Nói ngắn gọn hơn, đó là cần “chuẩn bị một người đọc”.
Với tiêu chí đó, hàng tuần CLB đọc sách cùng con là địa chỉ tin cậy mà các phụ huynh đã cho con tham gia đọc sách vào hai ngày cuối tuần.
Tới đây các bạn đọc nhí được làm quen với những cuốn sách thiếu nhi qua những cách đọc mới mẻ. Không đơn thuần chỉ là đọc từng câu chữ, tới đây các em được nhập vai vào các nhân vật, được hóa thân vào thế giới đầy màu sắc.
Ở đó các em được bay bổng với trí tưởng tượng phong phú diệu kỳ. Những cuốn truyện hấp dẫn Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Nguyễn Nhật Ánh), Miền xanh thẳm (Trần Hoài Dương), Chiếc thuyền lá tre (Thy Ngọc), Con trai người thắp đèn cửa sông (Nguyễn Tùng Linh) mang đến cho các em không chỉ là những cảm xúc mà còn là những hiểu biết về cuộc sống xung quanh.
Để trẻ thích đọc sách và gắn bó với sách thì cần có nhiều hơn nữa những câu lạc bộ đọc sách như thế trong cộng đồng. Cộng đồng ấy có thể là trong phạm vi một gia đình, một nhóm bạn hay một khu chung cư.
Việc cha mẹ đọc sách cùng con mỗi tối trước khi đi ngủ, rồi cùng trò chuyện về các nhân vật hay những câu hỏi xung quanh cuốn sách chính là giúp các con gắn kết hơn với sách và có kỹ năng tiếp cận với văn hóa đọc.
Đây cũng là cơ hội để định hướng trẻ biết lựa chọn những cuốn sách có ý nghĩa, tránh xa những cuốn sách mang nội dung xấu hay không phù hợp lứa tuổi.