Xây dựng sản phẩm du lịch gắn với trải nghiệm tinh hoa ẩm thực

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tọa đàm xây dựng sản phẩm du lịch gắn với trải nghiệm tinh hoa ẩm thực Hà Giang được tổ chức ngày 23/4 tại TP Hà Giang.

Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

Tọa đàm do UBND tỉnh Hà Giang phối hợp Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức. Sự kiện có sự tham gia của 60 đại diện doanh nghiệp, Câu lạc bộ lữ hành, Hiệp hội Ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam; đại diện cá nhân đến từ huyện Nam Ninh (Trung Quốc) cùng lãnh đạo và đại diện của 14 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh: Việc xây dựng sản phẩm du lịch mới gắn với trải nghiệm tinh hoa ẩm thực Hà Giang sẽ giúp thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho người dân. Qua đó, góp phần vào phát triển kinh tế của tỉnh và đất nước.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, tỉnh cần có sự đầu tư đúng mức và hợp lý. Chú trọng vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa của Hà Giang.

Mặt khác, có những giải pháp thích hợp như quảng bá và phổ biến các sản phẩm ẩm thực đặc trưng của Hà Giang, tăng cường đầu tư cho hệ thống hạ tầng, dịch vụ ẩm thực và phát triển các chương trình trải nghiệm ẩm thực.

Đóng góp ý kiến để Hà Giang xây dựng sản phẩm du lịch gắn với trải nghiệm tinh hoa ẩm thực, các đại biểu cho rằng, Hà Giang nên đẩy mạnh quảng bá ẩm thực địa phương trên các phương tiện truyền thông, tăng cường chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, đưa ra các món ăn đặc trưng...

Ông Matsuo Tomoyuki góp ý về xây dựng sản phẩm ẩm thực cho du lịch Hà Giang.

Ông Matsuo Tomoyuki góp ý về xây dựng sản phẩm ẩm thực cho du lịch Hà Giang.

Ông Matsuo Tomoyuki - Chủ tịch ẩm thực Hiệp hội ẩm thực Nhật Bản- Việt Nam chia sẻ: Gần 10 năm trước tôi đã lên Hà Giang tìm hiểu về cây tam giác mạch của địa phương và nhận ra rằng các bạn có một loài cây vô cùng có giá trị. Nhu cầu nhập khẩu hạt tam giác mạch thô làm mì Soba của Nhật Bản rất lớn. Qua khảo sát thực tế cho thấy, chất lượng hạt tam giác mạch trồng tại Hà Giang cao hơn nhiều so với những nơi khác. Trong năm 2022, tổng sản lượng thu hoạch khoảng 50 tấn. Cây tam giác mạch được trồng rải rác tại các huyện Mèo Vạc, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì. Dự định những năm tới, Hiệp hội sẽ thu mua và xuất khẩu từ 300-600 tấn tam giác mạch một năm của Hà Giang sang thị trường Nhật Bản.

Hiệp hội ẩm thực Nhật Bản-Việt Nam đang hướng tới việc bán nguồn nguyên liệu hạt tam giác mạch cho các nhà máy sản xuất bột Soba và tiếp cận các nhà hàng kinh doanh mì Soba để tạo thói quen sử dụng nguồn nguyên liệu "soba Việt Nam" thay cho nguồn nguyên liệu truyền thống ở Nhật Bản, vốn được nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Mỹ hoặc Nga.

Để nâng cao chất lượng ẩm thực, ông Matsuo Tomoyuki cũng lưu ý về vấn đề an toàn thực phẩm từ việc chọn nguyên liệu, chế biến sản phẩm mang đến cho du khách trải nghiệm tốt và an toàn.

“Ngoài mì Soba, từ tam giác mạch chúng tôi có thể làm được hàng chục món ăn và du khách đến Hà Giang sẽ được trải nghiệm những món ăn đó, tuy nhiên nếu không được như quảng cáo thì du khách sẽ thất vọng. Do vậy yếu tố sạch, xanh và đảm bảo an toàn thực phẩm là hết sức quan trọng. Bởi vì sự sạch sẽ và vệ sinh là điều mà du khách yêu cầu. Trải nghiệm du lịch khám phá thì hấp dẫn, nhưng nếu mất đi sự sạch sẽ và vệ sinh, một số du khách sẽ không bao giờ quay lại đó”, ông Matsuo Tomoyuki khẳng định.

Các sản phẩm du lịch đa dạng của Hà Giang gồm: Du lịch cộng đồng; văn hóa; sinh thái, nghỉ dưỡng; thể thao, mạo hiểm; thương mại, biên giới và các sản phẩm du lịch bổ trợ khác (sản phẩm hàng hóa, đồ lưu niệm). Đặc biệt, Hà Giang có kho tàng văn hóa ẩm thực phong phú và hấp dẫn. Nhiều món ăn được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam vinh danh vào top 100 món ăn đặc sản và quà tặng Việt Nam gồm: Cháo Ấu tẩu, Mèn mén, thắng cố, thịt treo gác bếp; Mật ong Bạc hà, chè Shan tuyết, bánh Tam giác mạch, Hồng không hạt Quản Bạ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ