Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Đối với việc xây dựng quy định hoặc hướng dẫn hoạt động chuyển đổi từ trường công lập sang trường tư thục; trường trọng điểm chất lượng cao, hiện nay chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện. Lý do là theo Luật Giáo dục năm 2019, không có quy định về loại hình trường trọng điểm chất lượng cao, chỉ có quy định về chuyển đổi loại hình trường tư thục trong hệ thống giáo dục quốc dân: “Chỉ chuyển đổi loại hình nhà trường từ trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận”.
Do đó, ngày 28/2/2020, Bộ GD&ĐT có Công văn số 604/BGDĐT-TCCB báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép hủy nhiệm vụ xây dựng “Nghị định của Chính phủ quy định về chuyển đổi loại hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao” và thay thế bằng nhiệm vụ xây dựng Nghị quyết của Chính phủ thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao.
Văn phòng Chính phủ có Công văn số 3440/VPCP-KGVX thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc dừng nhiệm vụ xây dựng Nghị định của Chính phủ và bổ sung nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT, yêu cầu Bộ GD&ĐT “Chủ trì gửi báo cáo đề xuất việc dựng xây dựng Nghị định quy định về chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao đến Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ”.
Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 1654/BGDĐT-TCCB, ngày 13/5/2020 gửi Bộ Nội vụ báo cáo về việc dừng nhiệm vụ xây dựng Nghị định của Chính phủ và bổ sung nhiệm vụ soạn thảo Nghị định của Chính phủ quy định về chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập.
Ngoài ra, cũng liên quan đến trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 2484/BGDĐT-KHTC ngày 16/6/2021 về các vấn đề liên quan đến khung pháp lý cho công tác xã hội hóa trong lĩnh vực GD-ĐT, bao gồm các kiến nghị đã báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để sửa đổi một số quy định đảm bảo tính đồng bộ của chính sách pháp luật chuyên ngành về đất đai, thuế, huy động vốn và vay vốn tín dụng, cơ chế cho thuê tài sản công để hình thành cơ sở giáo dục tư thục…
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để theo sát việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp.