Xây dựng nông thôn mới: Vướng trường chuẩn!

Xây dựng nông thôn mới: Vướng trường chuẩn!

(GD&TĐ) - Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đang đi những bước rất nhanh. Sự chuyển biến đậm nét ở các vùng nông thôn được ghi nhận là do từ sự chuyển dịch trong cơ cấu nguồn lao động (lao động có tay nghề) cùng sự phát triển của giáo dục. Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, tiêu chí giáo dục (có trường học đạt chuẩn quốc gia các cấp) được xem là tiêu chí trọng điểm, làm bàn đạp để xây dựng nguồn lực cho địa phương. Tuy nhiên, có một thực tế là không ít xã, phường xây dựng NTM hiện nay lại đang vướng phải tiêu chí này vì những khó khăn khách quan lẫn chủ quan. 

Trường chuẩn quốc gia tại xã nghèo: Khó đủ đường!

Theo quy định của Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM, tiêu chí giáo dục (tiêu chí 5) là tiêu chí bắt buộc phải hoàn thành với đòi hỏi rất cao. Ngoài một hệ thống trường lớp khang trang, sạch sẽ, đảm bảo yêu cầu tối thiểu 10m2 diện tích/ HS, các xã tham gia chương trình xây dựng NTM phải đảm bảo hệ thống cơ sở vật chất trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, cũng như đạt phổ cập giáo dục bậc THCS.

Những khó khăn để đạt được tiêu chí trên đến từ nhiều lý do. Ngoài nguồn kinh phí huy động xây dựng trường (tối thiểu từ 12-20 tỉ đồng cho một trường chuẩn quốc gia tùy cấp học) thì Nghị định số 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa cũng là trở ngại lớn cho cấp xã trong việc dành đất để xây dựng các trường học. Thực tế tại nhiều địa phương, không ít điểm trường MN tại các xã, ấp vẫn phải học nhờ tại các nhà văn hóa thôn, do chưa thể xây dựng trường vì chưa được phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp.

Việc kiểm tra tình hình xây dựng NTM tại 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu mới đây của Bộ GD&ĐT (thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia) cũng cho thấy rất rõ khó khăn về tiêu chí trường chuẩn quốc gia của một số xã nghèo. Cụ thể như xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Dù xã đã đạt chuẩn phổ cập THCS, có được một trường TH Bạch Lâm đạt chuẩn quốc gia, nhưng đến nay nguồn kinh phí để cải tạo, nâng cấp trường TH Trần Quốc Toản và THCS Nguyễn Đình Chiểu lên thành trường chuẩn vẫn đang phải đợi vì chưa có kinh phí. Riêng trường mẫu giáo dù muốn nâng chuẩn cũng không thể vì quỹ đất của xã dành xây dựng trường vẫn đang gặp khó. 

Xây dựng nông thôn mới: Vướng trường chuẩn! ảnh 1
Lớp chuẩn, trường chuẩn - niềm mơ ước và là sự thách thức đối với giáo dục NTM

Ông Hoàng Thanh Bình, chủ tịch UBND xã Gia Tân 2 cho biết: Cái khó nhất hiện nay là việc giải phóng mặt bằng để tiến hành xây dựng trường (trường mẫu giáo). Kinh phí thì có thể huy động được, nhưng tìm được một diện tích đất đủ lớn (đáp ứng quy định diện tích tối thiểu/học sinh) trên tổng diện tích đất sản xuất hạn hẹp toàn xã là điều không đơn giản (đất phi nông nghiệp chỉ có 157,8ha). Vì thế, giải pháp chính của xã là cải tạo, nâng cấp và mở rộng hết khả năng có thể các cơ sở trường lớp đang có. Riêng trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, chúng tôi đã có kế hoạch, đề án xây mới trường thành trường chuẩn quốc gia. Nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí, dù mặt bằng xây dựng từ 2 năm nay đang bỏ trống để cho dân thuê làm sân phơi hạt điều.

Tương tự, xã An Sơn, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương dù là xã điểm và sắp trở thành xã NTM nhưng đến nay vẫn “trắng trường” THCS. Theo lời ông Trần Văn Mười, chủ tịch UBND xã, việc đến nay vẫn chưa có trường THCS một phần vì xã gặp khó trong khâu quy hoạch, đến bù giải tỏa đất và khó khăn tiếp theo là chi phí, công tác san lấp mặt bằng… xã không huy động đủ nguồn lực, phải đợi đến khi công ty TMXHK Thanh Lễ thực hiện quy hoạch tổng thể khu cảng An Sơn, mới có mặt bằng quy hoạch xây trường. Đến nay về cơ bản quỹ đất đã có, tuy nhiên kinh phí xây dựng thì vẫn chưa (nguồn kinh phí cho xây trường giai đoạn 2012-2015 dự trù khoảng 16 tỉ) nên xã cũng thật sự đang gặp khó trong tiêu chí này.

Cần sự trợ giúp để tháo “nút thắt”

Theo dõi nhiều xã điểm xây dựng NTM ở các tỉnh Đông Nam Bộ cho thấy phần lớn các xã đang vướng tiêu chí “trường chuẩn”, đơn giản vì họ không thể huy động và tìm đâu ra nguồn kinh phí thực hiện giải tỏa, san lấp mặt bằng để tiến hành xây trường. Điều mới nghe qua tưởng như nghịch lý, nhưng đấy lại là một thực tế. Nhiều chủ tịch xã thẳng thắn bày tỏ chính sự cứng nhắc (Chương trình chỉ đầu tư cho những công trình có sẵn mặt bằng) đã khiến họ gặp khó. Bởi ngân sách xã thường rất eo hẹp lấy đâu ra những khoản tiền lớn để san ủi, giải tỏa hàng ngàn m2 đất. Vì thế, họ đành phải trông chờ vào nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ khác hoặc từ chính sự đồng lòng, chung sức của nhân dân (tự nguyện hiến đất, đóng góp).

Xây dựng nông thôn mới: Vướng trường chuẩn! ảnh 2

Ông Phạm Minh Đạo, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết: Dù luôn chiếm một tỉ trọng đầu tư cao trên tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM của tỉnh (năm 2011: 36%, năm 2012: 24%), nhưng tiêu chí trường học đến nay vẫn là một tiêu chí khó với nhiều xã tại tỉnh Đồng Nai. Thực tế cho thấy, nhiều xã đến nay vẫn chưa có được trường đạt chuẩn quốc gia. Vì thế, ông cho rằng Ban chỉ đạo Trung ương nên xem xét, hỗ trợ cho các tỉnh thêm nữa nguồn kinh phí xây dựng trường lớp. Riêng với tỉnh Đồng Nai sự hỗ trợ ấy cần đạt khoảng 20% trên tổng số vốn đầu tư cho 34 xã xây dựng NTM của tỉnh (khoảng 122 tỉ), để tỉnh có đủ điều kiện, nguồn lực giao vốn cho các xã đẩy nhanh các tiêu chí đang bị chậm nhằm sớm hoàn thành 19/19 tiêu chí vào năm 2015. Đặc biệt, để có thể đạt được tiêu chí này (trường chuẩn) và có chất lượng cao trong công tác giáo dục, các xã xây dựng NTM rất cần có được sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên của các cấp, các ngành có liên quan trong việc khắc phục các khó khăn.

Theo ông Hoàng Thanh Bình, chủ tịch UBND xã Gia Tân 2, hướng đề xuất tháo khó trên là rất hợp lý và cần thiết. Nhưng mới chỉ xét ở mức độ tổng thể. Riêng với các xã trực tiếp xây dựng NTM, tiêu chí xây dựng trường chuẩn cũng cần được chính các tỉnh, thành địa phương, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh mạnh mẽ vào cuộc. Bởi khó khăn lớn nhất mà các xã (trong đó có Gia Tân 2) đang phải đối mặt chủ yếu nằm ở “điểm nghẽn” chính sách, cơ chế hỗ trợ tài chính và giải tỏa mặt bằng. Do đó, theo ông Bình, UBND huyện, đặc biệt là UBND tỉnh làm sao tạo ra được cơ chế thu hút doanh nghiệp về các xã điểm xây dựng NTM, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong các hoạt động xây dựng trường lớp, nhằm tháo khó về vấn đề kinh phí xây trường cho xã.

Còn theo ông Hà Văn Nghĩa, Phó trưởng ban chỉ đạo NTM, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Việc gặp khó ở tiêu chí giáo dục trong xây dựng NTM không chỉ là thách thức với các xã, mà còn với chính lộ trình của tỉnh. Vì vậy, muốn 100% xã, phường đạt và hoàn thành 19/19 tiêu chí không cách nào khác cần có sự hỗ trợ, vào cuộc tích cực hơn nữa của ngành giáo dục và các cấp. Và để giải quyết “nút thắt” trường chuẩn cho các xã nghèo hiện nay thì ngoài việc huy động, tranh thủ kinh phí từ các nguồn dành cho giáo dục, Ban chỉ đạo xây dựng NTM từ cấp xã, huyện đến cấp tỉnh cần kiến nghị với Chính phủ dành cho giáo dục một cơ chế “đặc thù” trong việc dành đất xây trường. Có như vậy, tiêu chí về trường học mới có thể bắt kịp các tiêu chí khác để tạo diện mạo đồng đều trong xây dựng NTM.

Theo một lãnh đạo xã xây dựng NTM ở phía bắc, bình quân, để xây dựng được 1 trường học chuẩn quốc gia, cần phải huy động 10 tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên, hiện nay, việc đấu thầu đất (được cho là nguồn chính dành cho xây dựng cơ sở vật chất trường học) ở hầu hết các xã đều đang “đóng băng” thì việc tìm nguồn kinh phí cho xây dựng trường học là thách thức lớn cho các xã. Bên cạnh đó, Nghị định số 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa cũng là trở ngại lớn cho cấp xã trong việc dành đất để xây dựng các trường học. Nhiều xã còn tới 3-5 điểm trường mầm non học nhờ tại các nhà văn hóa thôn nhưng không thể xây dựng trường, vì chưa được phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp.

Anh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ