Xây dựng nền giáo dục thông minh ở thành phố mang tên Bác: Còn nhiều rào cản

GD&TĐ - Sau 2 năm thực hiện thí điểm, mô hình trường học thông minh (THTM) tại TPHCM đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực.

Mô hình giáo dục STEM trong nhà trường có vai trò thúc đẩy rất lớn trong việc định hình nền GDTM.
Mô hình giáo dục STEM trong nhà trường có vai trò thúc đẩy rất lớn trong việc định hình nền GDTM.

Sự chuyển biến rõ nét trong phương thức dạy và học, cách thức quản trị nhà trường, dịch vụ giáo dục trên nền tảng công nghệ. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này, vẫn còn những rào cản. 

Rào cản về đội ngũ

Trong hàng loạt thách thức gây khó cho ngành Giáo dục TPHCM trên con đường xây dựng và hình thành một nền giáo dục thông minh (GDTM) giai đoạn 2020 - 2025, yếu tố con người vẫn để lại những băn khoăn lớn cho các nhà quản lý. Bởi dù công nghệ có hiện đại đến đâu thì mọi giá trị thay đổi vẫn phải lấy con người (thầy cô, học sinh) làm trung tâm.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nhìn nhận những khó khăn mà ngành Giáo dục TP đã và đang đối mặt trong việc chuyển đổi từ phương thức giáo dục cũ sang phương thức mới, định hình và xây dựng nền GDTM chỉ mới bắt đầu. Trong đó, việc thay đổi tư duy của cán bộ quản lý lẫn phương pháp dạy học của đội ngũ giáo viên, giảng viên là điều không hề dễ dàng và ngay lập tức được.

“Cái khó của TP là bồi dưỡng, tổ chức tập huấn, mời các chuyên gia để cùng tập huấn cho giáo viên thành thạo ứng dụng công nghệ đồng bộ trong giảng dạy. Trong lớp học thông minh, thầy cô phải làm chủ công nghệ, giúp học sinh sử dụng công nghệ để tăng cường giao tiếp giữa người dạy và học, tăng cường giao tiếp giữa các em với nhau. Tuy vậy, điều này không phải giáo viên nào cũng thành thạo, vì vậy ít nhiều gây ra áp lực cho cả hai phía”, ông Hiếu cho biết.

Thừa nhận sự chuyển dịch trong phương pháp giảng dạy ở từng nhà trường theo xu hướng GDTM là rõ ràng, song ông Lâm Quốc Phát - Hiệu trưởng Trường THCS Lam Sơn, Quận 6 cũng cho rằng: Thực tế vẫn còn nhiều giáo viên chưa mạnh dạn, ngại khó, chưa tích cực học hỏi nâng cao trình độ tin học.

“Một số giáo viên còn chưa tự thiết kế và sử dụng bài giảng điện tử. Trong khi đó, không ít giáo viên lại lạm dụng công nghệ thay cho viết bảng hoặc sử dụng quá nhiều kênh hình, kênh chữ hoặc chưa biết cách tích hợp, lồng ghép để sử dụng đa dạng các phần mềm soạn giảng, hoạt động tương tác, khiến tiết học chưa thật sự hiệu quả. Vì vậy, công tác tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn cần song hành với tiến trình đổi mới để sự chuyển đổi thật sự có hiệu quả”, ông Lâm Quốc Phát chia sẻ.

Sự bùng nổ của CNTT cũng như việc ứng dụng thành tựu công nghệ vào môi trường giáo dục là nền tảng cho GDTM.
Sự bùng nổ của CNTT cũng như việc ứng dụng thành tựu công nghệ vào môi trường giáo dục là nền tảng cho GDTM.

Áp lực dân số

Ngoài những khó khăn nảy sinh từ các giáo viên đã lớn tuổi, không rành về CNTT, áp lực gia tăng dân số cơ học hàng năm cũng rất lớn cho ngành Giáo dục TP trong việc bảo đảm trường lớp, cơ sở vật chất để duy trì mô hình và phương thức của lớp học thông minh, nền GDTM.

Thống kê từ UBND TP cho thấy, cứ 5 năm TPHCM tăng cơ học thêm 1 triệu dân, số học sinh đầu cấp tăng bình quân 50 đến gần 60 nghìn em. Trước áp lực gia tăng dân số, dân nhập cư đông, TP ban hành nghị quyết xây dựng, kiện toàn hệ thống trường, lớp… Tuy vậy, tốc độ xây dựng trường lớp vẫn không theo kịp tốc độ tăng dân số. Việc giải quyết bài toán đủ chỗ học và hoàn thiện cơ sở vật chất để thực hiện mô hình GDTM không phải dễ.

Nhìn nhận vấn đề gia tăng dân số cơ học là thách thức chính trong việc bảo đảm các điều kiện cần và đủ để TP thực hiện nền GDTM, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng: Ngoài mức chi (25%) từ ngân sách của TP cho giáo dục như hiện nay, cần phải huy động nguồn lực từ xã hội để tăng thêm nguồn lực đầu tư.

Cũng theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, những thành tựu bước đầu mới chỉ được tổng kết, đánh giá ghi nhận tại các trường đã và đang hội đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cùng tiềm lực tài chính. Tuy vậy, khi triển khai và nhân rộng ra toàn TP chắc chắn không ít trường sẽ gặp khó khăn vì thiếu hụt cơ sở hạ tầng công nghệ, áp lực gia tăng học sinh hàng năm.

Đơn cử, tại quận Bình Tân, mức tăng học sinh bình quân hằng năm quá cao khiến quận này sau mỗi năm vẫn phải lo chuyện xây dựng thêm trường, lớp phòng học để đủ chỗ học. Vì thế, việc kéo giảm mức sĩ số học sinh về con số 35 học sinh/lớp, hay tỉ lệ học 2 buổi/ngày vẫn còn rất khó khăn.

Ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân nhìn nhận; Vài năm qua, số phòng học mới đưa vào sử dụng chỉ đủ cho số học sinh nhập cư nên chưa thể tổ chức đồng loạt 100% việc học 2 buổi/ngày cho khối 1 và 6, nói gì đến việc phải giảm sĩ số của từng lớp. Năm học 2020 - 2021, toàn quận có 12.300 trẻ vào lớp 1, trong khi học sinh lớp 5 ra trường khoảng 9.550 em.

“Trung bình mỗi năm quận Bình Tân tăng khoảng 5.000 - 6.000 học sinh tiểu học và THCS, chưa tính học sinh mầm non. Với 80 - 100 phòng học mới được đưa vào sử dụng mỗi năm chỉ đáp ứng chỗ học cho học sinh tăng thêm nên chưa thể gia tăng các điều kiện hạ tầng để xây dựng THTM” - ông Ngô Văn Tuyên cho hay.

Tương tự, Quận 12 (quận thí điểm thực hiện Đô thị thông minh) cũng đang chịu áp lực rất lớn về hiện tượng di dân và sĩ số học sinh đầu cấp gia tăng mạnh. Ông Khưu Mạnh Hùng - Trưởng phòng GD&ĐT Quận 12 thông tin: Năm học 2020 - 2021, toàn quận có khoảng 7.500 trẻ vào lớp 1, trong khi số trường lớp chỉ đáp ứng khoảng trên dưới 7.000 em, vì vậy, việc các lớp học 2 buổi/ngày bị giảm, sĩ số trong lớp cũng tăng theo. 

Trong điều kiện tỉ lệ dân số cơ học tăng cao mỗi năm, trường lớp xây không kịp, phương án mà quận ưu tiên vẫn là giảm tỉ lệ học 2 buổi/ngày xuống để bảo đảm chỗ học cho học sinh, đồng nghĩa với việc giảm sĩ số lớp học sẽ không thể thực hiện được. Và tất nhiên, việc định hình và xây dựng nền GDTM chắc chắn sẽ đối diện nhiều thách thức. - Ông Khưu Mạnh Hùng 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ