Xây dựng một nền giáo dục trung thực và lành mạnh

Xây dựng một nền giáo dục trung thực và lành mạnh

(GD&TĐ) - Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện chỉ thị 33/2006/CT-TTg, sơ kết 3 năm  phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” (THTT, HSTC) và tổng kết năm học 2010-2011, phương hướng nhiệm vụ năm học 2011-2012 vừa bế mạc tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) thực sự là sự kiện quan trọng thu hút sự quan tâm, theo dõi của toàn xã hội.

Báo Nhân Dân trích Báo cáo của Bộ GD-ĐT và thảo luận của các đại biểu tại hội nghị khẳng định: Cuộc vận động “Hai không” và Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với đổi mới công tác quản lý giáo dục là những giải pháp tích cực của ngành giáo dục được đề ra đúng thời điểm, đã nhận được sự đồng thuận và quan tâm của toàn dân, của các cấp, các ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương. Trật tự, kỷ cương trong thi cử, hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra được tăng cường, những tiêu cực trong dạy và học đã cơ bản được ngăn chặn. Kết quả các kỳ thi đã thực chất hơn. Công tác thi đua khen thưởng đã có nhiều đổi mới gắn với triển khai thực hiện chuẩn đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý, bảo đảm tính khách quan, công bằng, góp phần làm cho các phong trào thi đua đi vào thực chất và có ý nghĩa hơn. Báo Văn Hóa với bài viết “Thực hiện “Hai không” và “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”: Triển khai đúng thời điểm, tạo ra động lực mới”. Báo Lao Động đưa tin về hội nghị với hàng tít “Giáo dục là động lực cho phát triển”... 

Xây dựng một nền giáo dục trung thực và lành mạnh ảnh 1
Với những nỗ lực vượt bậc của ngành giáo dục, nền giáo dục nước nhà sẽ có những bước bứt phá trong tương lai

Nhìn chung, các cơ quan truyền thông trên cả nước đều có những đánh giá tích cực về cuộc vận động “Hai không” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Đặc biệt, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Tuy chất lượng giáo dục còn hạn chế, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa nhiều và dù chúng ta không quá tô hồng hay quá lạc quan, nhưng rõ ràng cuộc vận động “Hai không” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã tạo ra động lực mới cho nền giáo dục toàn diện và bền vững. Đó là niềm tự hào của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam”.

Vâng, đó là niềm tự hào của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nói chung, của các thầy cô giáo, các cán bộ quản lý và hàng triệu học sinh, sinh viên trong ngành giáo dục nói riêng. Các báo cáo tham luận tại hội nghị đều khẳng định: Sau hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị 33 của Thủ tướng Chính phủ, 3 năm thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, chất lượng giáo dục của toàn ngành của mọi cấp học không chỉ được nâng cao mà còn có những đổi mới mang tính chiều sâu, căn bản. Trật tự kỷ cương thi cử trong toàn ngành đã được siết chặt, các vụ tiêu cực nghiêm trọng đã được chấm dứt. Chất lượng giáo dục thực (dạy thật- học thật- thi thật) đã được xác lập, bệnh thành tích trong thi đua đã giảm đi rõ rệt. Song song với điều ấy, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã thực sự làm thay đổi đời sống học đường, tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh, nâng cao tính tích cực trong việc dạy và học, ý thức tự giác rèn luyện của giáo viên và học sinh. Bằng chứng là những vụ vi phạm đạo đức nhà giáo giảm đi rõ rệt theo từng năm và càng ngày, những tấm gương tận tuỵ với học sinh, tâm huyết với sự nghiệp đổi mới giáo dục càng nhiều.

Xây dựng một nền giáo dục trung thực và lành mạnh ảnh 2
Phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã thực sự làm thay đổi đời sống học đường

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực trong cuộc chiến chống tiêu cực, yếu kém của ngành. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành phải thực hiện đổi mới toàn diện, trong đó đổi mới quản lý là hướng đột phá. Với những người “trong cuộc”, thắng lợi của cuộc vận động “Hai không” và phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” thực sự là động lực giúp họ vững bước trên con đường xây dựng giáo dục nước nhà trở thành một nền giáo dục tiên tiến.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Ngành GD&ĐT đã chủ động triển khai Chỉ thị 33/2006/CT-TTg với tinh thần trách nhiệm rất cao trước Đảng và nhân dân...Đến giờ này có thể khẳng định mục tiêu cơ bản của Chỉ thị 33 đã được thực hiện một cách hiệu quả. Những mối quan hệ được xác lập trong nội bộ ngành giáo dục, giữa ngành giáo dục với các bộ ngành khác đã được xác lập trong quá trình thực hiện “Hai không” và “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận kêu gọi toàn ngành cần quyết tâm hơn nữa để xây dựng một nền giáo dục trung thực và lành mạnh. Khẳng định một lần nữa quyết tâm của ngành, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: “Chúng ta đã từng đau xót với căn bệnh thành tích trước đây, vì thế, không vì lý do gì mà để căn bệnh này tái phát một lần nữa. Toàn ngành phải phòng, chống căn bệnh này một cách quyết liệt như cả xã hội đã từng phòng, chống dịch cúm”. Phải thừa nhận, những thành tích đạt được sau 4 năm thực hiện “Hai không” và 3 năm “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của ngành giáo dục là hết sức khả quan. Tuy nhiên, nhiệm vụ trước mắt của ngành còn hết sức nặng nề: Chất lượng giáo dục của ta còn hạn chế, ngành giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực chất lượng cao của xã hội. Chính vì vậy, ngành giáo dục cần tiếp tục chống tiêu cực đến cùng ở những nơi còn tiêu cực, đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với đổi mới công tác quản lý giáo dục, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, với tinh thần “Dành những gì tốt nhất cho giáo dục” như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo, với những nỗ lực vượt bậc của ngành giáo dục, nền giáo dục nước nhà sẽ có những bước bứt phá trong tương lai.

Ngọc Duy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ