Ông Nguyễn Nhật Tân - Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khối trưởng khối thi đua số 3 - Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: Hội thảo "Văn hóa nhà trường sư phạm - Những vấn đề lý luận và thực tiễn" là hội thảo khoa học quốc gia lần đầu tiên được Khối thi đua số 3 - Công đoàn Giáo dục Việt Nam chủ trì tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Mục đích của hội thảo là tạo diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia đến từ công đoàn các trường trong Khối thi đua số 3 - Công đoàn Giáo dục Việt Nam và các trường đại học, học viện khác trong cả nước trao đổi, chia sẻ những vấn đề lý luận và thực tiễn cũng như các giải pháp xây dựng, phát triển văn hoá nhà trường sư phạm hiện nay.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp với hơn 150 đại biểu tham dự; bao gồm đại diện Công đoàn Giáo dục Việt Nam, đại biểu đến từ Công đoàn các trường sư phạm trong Khối thi đua số 3 - Công đoàn Giáo dục Việt Nam và các trường đại học, học viện khác trong cả nước, các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà giáo.
Hội thảo được tổ chức thành hai phiên thảo luận chính, bao gồm phiên về những vấn đề lý luận và thực tiễn của văn hoá nhà trường sư phạm và phiên về các định hướng, giải pháp xây dựng và phát triển văn hoá nhà trường sư phạm trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.
Ông Nguyễn Nhật Tân - Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu đề dẫn tại hội thảo. |
Đoàn chủ tịch điều hành hội thảo. |
Cùng hơn 60 bài tham luận gửi về Ban tổ chức, hội thảo cũng đã được nghe tham luận của 6 diễn giả và nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của đại biểu. Không khí hội thảo sôi nổi bởi sự chia sẻ các ý kiến tham luận đề cập đến những vấn đề có giá trị học thuật cao, thể hiện ý thức trách nhiệm, sự đầu tư trí tuệ, tinh thần khoa học của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà giáo từ các trường sư phạm và các trường đại học, học viện trên cả nước.
Trên cơ sở nội dung kỷ yếu hội thảo, các tham luận và ý kiến thảo luận, Ban tổ chức hội thảo tổng hợp một số kết quả có giá trị thu hoạch học thuật nổi bật: Làm rõ nội hàm khái niệm và vai trò của văn hóa nhà trường sư phạm; đánh giá những thành tựu trong việc xây dựng phát triển văn hoá nhà trường sư phạm; đề xuất một số định hướng phát triển văn hoá nhà trường sư phạm trong thời gian tới.
Trên cơ sở nhận thức về văn hoá nhà trường sư phạm cũng như ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hoá trong các nhà trường sư phạm, hội thảo thống nhất một số định hướng cơ bản trong việc xây dựng môi trường văn hoá trong các nhà trường sư phạm như sau:
Trên cơ sở thực trạng văn hoá nhà trường sư phạm, tác giả Đinh Quang Báo (Trường ĐHSP Hà Nội) đề xuất một số định hướng cơ bản để phát triển văn hoá nhà trường trong các trường ĐHSP. |
Đại biểu trao đổi tại hội thảo. |
Thứ nhất, trên cơ sở các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, Ban, Ngành về xây dựng văn hoá nhà trường, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ giá trị, nguyên tắc và chuẩn mực văn hoá nhà trường sư phạm trong thời đại toàn cầu hoá và chuyển đổi số.
Thứ hai, thực hiện đổi mới văn hóa quản lý, văn hóa giảng dạy, văn hoá nghiên cứu khoa học, văn hóa học tập, văn hóa quan hệ và ứng xử trong các nhà trường sư phạm, xác định mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện, hoàn thiện môi trường đào tạo đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo phương châm “sư phạm là mô phạm, là chuẩn mực”.
Thứ ba, phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn cũng như các tổ chức đoàn thể khác trong việc gắn kết đội ngũ cán bộ nhà giáo người lao động, người học cũng như trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hệ giá trị, nguyên tắc và chuẩn mực văn hoá nhà trường sư phạm trong các thành viên của các nhà trường sư phạm.
Hội thảo khoa học "Văn hóa nhà trường sư phạm - Những vấn đề lý luận và thực tiễn" là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà giáo, các nhà quản lý, các chuyên gia trao đổi, chia sẻ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm trong bối cảnh đổi mới giáo dục, đào tạo và hội nhập quốc tế; từ đó rút ra những bài học để vận dụng vào điều kiện cụ thể của các nhà trường sư phạm.