Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, bình đẳng, thân thiện cho mọi trẻ khuyết tật

GD&TĐ - “Giáo dục trẻ khuyết tật có chất lượng, thân thiện và bình đẳng luôn được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Trẻ khuyết tật cũng như mọi trẻ em khác đều có quyền được giáo dục, học tập. Nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện để mọi trẻ em được đối xử bình đẳng, được tham gia học tập nhằm phát huy tối đa khả năng của bản thân và hoà nhập cộng đồng”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh tại Hội thảo quốc tế về tăng cường tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật.

 Nhiều vấn đề liên quan đến công tác tăng cường tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật được bàn thảo tại Hội thảo.
Nhiều vấn đề liên quan đến công tác tăng cường tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật được bàn thảo tại Hội thảo.

Sáng 13/12, tại thành phố Đà Nẵng, Ủy Ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), Vụ Châu Á (Bộ Ngoại giao) phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế về tăng cường tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật. TS. Nguyễn Thị Nghĩa – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đến dự và phát biểu.

Tham dự còn có ông Vũ Hồ - Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao), bà Yoshimi Nishino – Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam, các đại biểu thuộc Ủy Ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội dân sự trong khu vực Đông Nam Á.

Giáo dục trẻ khuyết tật luôn được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm

TS, Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu tại Hội thảo.

 TS, Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Nghĩa – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh Hội thảo quốc tế Tăng cường tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật là một diễn đàn hết sức có ý nghĩa để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia về giáo dục chia sẻ các vấn đề cần quan tâm, các kinh nghiệm, cũng như những khó khăn, thách thức về giáo dục trẻ khuyết tật từ các quốc gia trong khu vực ASEAN.

Để từ đó có được những giải pháp nhằm tăng cơ hội tiếp cận và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trẻ khuyết tật ở mỗi quốc gia, đáp ứng yêu cầu của luật pháp các nước thành viên và phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của trẻ khuyết tật, đưa ra những khuyến nghị nhằm thúc đẩy các nỗ lực tăng cường tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật có hiệu quả và thành công hơn nữa trong khu vực ASEAN.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Giáo dục trẻ khuyết tật có chất lượng, thân thiện và bình đẳng luôn được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Trẻ khuyết tật cũng như mọi trẻ em khác đều có quyền được giáo dục, học tập. Nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện để mọi trẻ em được đối xử bình đẳng, được tham gia học tập nhằm phát huy tối đa khả năng của bản thân và hoà nhập cộng đồng.

Đến nay, Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc xây dựng một môi trường giáo dục chất lượng, bình đẳng và thân thiện đối với trẻ khuyết tật: Trẻ khuyết tật đang được học tập tại 14 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, 97 trường chuyên biệt giành cho trẻ khuyết tật và học hòa nhập ở tất cả các cơ sở giáo dục.

Việt Nam xác định phương thức chủ yếu đảm bảo quyền được tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật là giáo dục hòa nhập và đây cũng là định hướng chung của Liên hiệp quốc. Giáo dục hòa nhập đảm bảo cho trẻ khuyết tật quyền được tiếp cận giáo dục bình đẳng, chống lại hậu quả của sự tách biệt, đem lại cơ hội hòa nhập xã hội.

Quy mô, số lượng trẻ khuyết tật đến học tại các cơ sở giáo dục hòa nhập ngày càng tăng, đặc biệt ở cấp tiểu học và mầm non; một số lượng đáng kể tiếp tục học lên THCS và THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên. Bước đầu thực hiện phát hiện sớm, can thiệp sớm đối với trẻ khuyết tật ngay từ lứa tuổi mầm non và tiểu học.

Năm học 2016-2017 đã có trên 60% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục. Để tăng cường tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật chưa có điều kiện đi học tại các cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT đã có chương trình Giáo dục từ xa thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và đưa giáo dục về gia đình trẻ khuyết tật. Chất lượng giáo dục hòa nhập từng bước được cải thiện đáng kể. Nhiều trẻ khuyết tật được phát triển đúng với năng lực của mình.

Bộ GD&ĐT đã tổ chức xây dựng và hoàn thiện các bộ công cụ đánh giá, sàng lọc, xác định năng lực và nhu cầu để lập kế hoạch giáo dục cá nhân đối với trẻ khuyết tật trên cơ sở tham khảo các công cụ sàng lọc, đánh giá đã được các tổ chức quốc tế công bố.

Đảm bảo cho mọi trẻ khuyết tật được tiếp cận giáo dục một cách tốt nhất

Hội thảo là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn, thách thức về giáo dục trẻ khuyết tật từ các quốc gia trong khu vực ASEAN.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn, thách thức về giáo dục trẻ khuyết tật từ các quốc gia trong khu vực ASEAN.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho hay: Phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập do trẻ khuyết tật đã được thành lập tại nhiều cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và THCS để giúp trẻ khuyết tật được rèn luyện những kĩ năng đặc thù cá nhân như kí hiệu ngôn ngữ, chữ nổi Brille, quản lí hành vi, kĩ năng sống, các kĩ năng về đọc, viết, toán…

Đội ngũ giáo viên chuyên ngành giáo dục đặc biệt, giáo dục trẻ khuyết tật trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sỹ được đào tạo tại các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm.

Trẻ khuyết tật được ưu tiên trong nhập học, tuyển sinh; được miễn, giảm một số nội dung môn học, môn học hoặc hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục; việc đánh giá kết quả giáo dục của trẻ khuyết tật được thực hiện theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nỗ lực và tiến bộ của người học; đối với những trẻ khuyết tật có khó khăn về kinh tế được miễn học phí; được hỗ trợ mua trang thiết bị, đồ dùng học tập đặc thù; được cấp học bổng, hỗ trợ chi phí học tập để giúp các em có điều kiện đi học.

“Tuy nhiên, giáo dục trẻ khuyết tật đảm bảo quyền được giáo dục, giáo dục có chất lượng ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đó là trẻ khuyết tật ở vùng sâu, xa, vùng khó khăn và ở những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn chưa được chăm sóc, giáo dục đầy đủ, chưa được đáp ứng đầy đủ nhu cầu để phát triển; Các nguồn lực chuyên môn tập trung chủ yếu ở vùng vùng thuận lợi, các thành phố.

Đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về giáo dục trẻ khuyết tật còn ít về số lượng, phân bố không đồng đều và chất lượng còn hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, dồ dùng học tập còn hạn chế. Việc xác nhận khuyết tật và mức độ khuyết tật cho trẻ từ 0-6 tuổi, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ có rối loạn học tập đặc thù, trẻ rối loạn phổ tự kỷ… còn gặp nhiều khó khăn về nhận thức cũng như khâu tổ chức thực hiện.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành địa phương thực hiện tất cả những cam kết để đảm bảo cho mọi trẻ khuyết tật được tiếp cận giáo dục một cách tốt nhất; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, bình đẳng, thân thiện cho mọi trẻ khuyết tật, tạo mọi cơ hội để trẻ khuyết tật được hòa nhập cộng đồng, giúp các em trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh.

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày (từ ngày 13-14/12), tập trung thảo luận về tình hình giáo dục cho trẻ khuyết tật tại khu vực Đông Nam Á và các nỗ lực của các cơ quan chuyên ngành khu vực ASEAN; khung pháp lý và chính sách cho giáo dục đặc biệt, vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan, bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức người khuyết tật trong việc đảm bảo tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật; kinh nghiệm của các nước về tăng cường tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật, bao gồm luật pháp, chính sách và kế hoạch quốc gia, các thực tiễn tốt nhất, thách thức và cơ hội; những thách thức và cơ hội chung giữa các nước ASEAN để đưa ra khuyến nghị nhằm thúc đẩy các nỗ lực khu vực trong việc tang cường tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật trong thời gian tới.

Ông Vũ Hồ - Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) cho biết: Hiện nay, trẻ khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với giáo dục, thiếu sự cảm thông, chia sẻ trong cuộc sống…chính vì vậy làm thế nào để giải quyết những bất bình đẳng, sự phân biệt, đối xử đối với người khuyết tật là vấn đề đặt ra đối với các nước trong khu vực.

Trong thời gian qua, chính phủ các nước đã có sự cam kết trong việc đảm bảo quyền lợi của người dân, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật. Đồng thời cùng hướng tới các kế hoạch hành động với nhiều cơ chế khác nhau nhằm tăng cường sự hỗ trợ cho người khuyết tật, tăng cường sự tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.