Theo báo cáo của Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT, thuật ngữ “khu giáo dục” cơ bản đề cập đến các cụm địa lý có sự tập hợp của các cơ sở giáo dục đại học và các doanh nghiệp, ngành dịch vụ có thể liên kết được.
Sự xuất hiện của các khu giáo dục không khác về mặt khái niệm so với các khu công nghiệp trong các lĩnh vực khác như Thung lũng Silicon cho ngành Công nghệ thông tin.
Hiện nay, trên thế giới có 3 mô hình khu giáo dục quốc tế, có thể tạm dịch là khu sinh viên quốc tế (student hub), khu đào tạo lực lượng lao động có kĩ năng (skilled workforce training hub) và khu kiến thức và sáng tạo (knowledge and innovation hub).
Việc lựa chọn một mô hình hay kết hợp các mô hình là tuỳ thuộc vào định hướng phát triển, năng lực đào tạo và khả năng tài chính riêng của từng nước.
Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT, Phạm Quang Hưng, phát biểu tại hội thảo. |
Việc xây dựng Khu giáo dục quốc tế ở Việt Nam hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng mang tầm quốc tế và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngoài ra, Khu giáo dục quốc tế ở Việt Nam sẽ tạo điều kiện để sinh viên trong nước “du học tại chỗ”, thu hút sinh viên quốc tế cũng như các nước lân cận đến học tại Việt Nam. Đồng thời, thu hút đầu tư và nguồn lực trong và ngoài nước cho giáo dục và đào tạo.
Tại hội thảo, các đại biểu trong và ngoài nước đã thảo luận, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và triển khai mô hình Khu giáo dục quốc tế. Các bên cũng làm rõ một số vấn đề xung quanh việc xây dựng mô hình như không gian, quy mô Khu giáo dục quốc tế; sự tham gia, đầu tư của các tổ chức giáo dục trong và ngoài nước; trách nhiệm của các đơn vị liên quan...
Quang cảnh hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh vai trò của hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo, thể hiện nhất quán với chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong đó có Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Vấn đề này cũng được đề cập trong định hướng về phát triển giáo dục - đào tạo cũng như các hội thảo về chiến lược giáo dục Việt Nam từ nay đến năm 2030.
Thứ trưởng đánh giá việc xây dựng mô hình Khu giáo dục quốc tế là nội dung mới nhưng cũng là nhu cầu quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu hội nhập quốc tế, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng đánh giá cao mô hình Khu giáo dục quốc tế tại Malaysia, Hàn Quốc và UAE do diễn giả các quốc gia này chia sẻ. Đây sẽ là bài học, thông tin tham khảo cho Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT tiếp tục thu thập ý kiến đóng góp của chuyên gia trong và ngoài nước; các cơ sở giáo dục đại học phối hợp với doanh nghiệp, chính quyền địa phương để hoàn thiện ý tưởng nghiên cứu xây dựng Khu giáo dục quốc tế ở Việt Nam.