Xây dựng kế hoạch bài dạy theo tinh thần đổi mới

GD&TĐ - Trong CT GDPT 2018, cùng với yêu cầu về phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, kế hoạch bài dạy (giáo án) cũng đổi mới cả hình thức, nội dung.

Tiết dạy chuyên đề sinh hoạt chuyên môn lớp 7 của cô Đăng Thị Nga, Trường THCS Thị trấn Thứa, Lương Tài, Bắc Ninh. Ảnh: Phương Bắc
Tiết dạy chuyên đề sinh hoạt chuyên môn lớp 7 của cô Đăng Thị Nga, Trường THCS Thị trấn Thứa, Lương Tài, Bắc Ninh. Ảnh: Phương Bắc

Làm sao xây dựng được giáo án theo tinh thần mới, phát huy cao nhất sự chủ động tích cực của học sinh là yêu cầu với mỗi giáo viên.

Hạn chế trong xây dựng kế hoạch bài dạy

Kế hoạch bài dạy chính là kịch bản sư phạm lên lớp của giáo viên gắn với mỗi học sinh, có nội dung cụ thể, trong một không gian và thời gian cụ thể. Theo thầy Nguyễn Phương Bắc - giáo viên Trường THCS Lâm Thao (huyện Lương Tài, Bắc Ninh), xây dựng kế hoạch bài dạy hiện được triển khai theo hướng dẫn trong Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, là sản phẩm cá nhân nên căn cứ vào khung hướng dẫn của Bộ và sự chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục, việc xây dựng thiết kế kế hoạch bài dạy của giáo viên có sự điều chỉnh linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn, người học.

Chia sẻ một số tồn tại, hạn chế trong xây dựng kế hoạch bài dạy, thầy Nguyễn Phương Bắc cho rằng, giáo viên vận dụng chưa linh hoạt khung kế hoạch bài dạy theo Công văn 5512 khiến bài soạn có khi dài hàng chục trang giấy, nhiều nội dung rườm rà không phù hợp với học sinh.

Việc xác định mục tiêu bài học cũng chưa rõ ràng, những năng lực đặc thù theo bộ môn và năng lực chung đôi khi còn trải đều ở các tiết dạy, chưa có định hướng trọng tâm. Vận dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học trong tiết dạy để phù hợp với học sinh của giáo viên còn lúng túng, chưa phát huy hết hiệu quả theo mục tiêu bài dạy đặt ra.

Ngoài ra, vì chương trình mới nên giáo viên cần dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu SGK, lựa chọn phương tiện, phương pháp dạy học - điều này khó khăn với giáo viên trẻ, còn ít kinh nghiệm giảng dạy.

Cũng nói về hạn chế, thầy Trang Minh Thiên - giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ) nhắc đến việc giáo viên chưa hiểu đúng, đủ tinh thần và tầm quan trọng của kế hoạch bài dạy; còn quan điểm kế hoạch bài dạy là thứ để đối phó với nhà trường khi thanh kiểm tra.

Cũng có trường hợp thầy cô chưa hoàn toàn nắm được các yêu cầu cần đạt và năng lực của môn học, vẫn dạy theo kiến thức từ các bộ SGK, chọn bộ sách nào thì dạy bộ sách đó, chưa tham khảo thêm các bộ khác và tài liệu chuyên môn. Một số giáo viên chưa nắm và không thường xuyên sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực.

Ở góc độ quản lý, ông Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang chỉ ra hạn chế khi giáo viên hiện nay hầu như sở hữu kế hoạch bài dạy có sẵn từ các nhà cung cấp SGK; do đó còn hiện tượng thầy cô in từ nguồn này để đáp ứng yêu cầu kiểm tra. Một số giáo viên dạy các lớp cuối cấp, có thể do thời gian đầu tư cho dạy học nhiều hơn, nên chưa dành thời gian phù hợp để nghiên cứu các bộ sách phục vụ xây dựng kế hoạch bài dạy.

xay dung ke hoach bai day theo tinh than doi moi2.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Lưu ý trong xây dựng kế hoạch bài dạy

Ông Trần Tuấn Khanh cho biết, năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT An Giang đã có những lưu ý trong xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy của giáo viên gắn với đổi mới phương pháp và hình thức dạy học.

Theo đó, kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy của giáo viên cần bảo đảm đủ thời gian để học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập đã đặt ra, tránh áp dụng hình thức, khuôn mẫu. Xây dựng trên tinh thần đổi mới, kế hoạch bài dạy phải bảo đảm phát huy được cao nhất sự chủ động tích cực tham gia của học sinh vào từng hoạt động học.

Tiến trình dạy học mỗi bài học được xây dựng thành các hoạt động học với mục tiêu, nội dung, sản phẩm học tập cụ thể mà học sinh phải hoàn thành; cách thức thực hiện linh hoạt để tổ chức dạy học phát huy tính tự học, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Ngoài ra, kế hoạch bài dạy cần bảo đảm các yêu cầu về phương pháp, kỹ thuật dạy học, thiết bị dạy học và học liệu, phương án kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học.

Tiến trình dạy học mỗi bài học được xây dựng thành các hoạt động học với mục tiêu, nội dung, cách thức thực hiện và sản phẩm cụ thể để giao cho học sinh thực hiện trong, ngoài lớp học, ở trường, nhà, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tại di sản văn hóa và cộng đồng.

Giáo viên dành nhiều thời gian trên lớp tổ chức cho học sinh báo cáo, thuyết trình, thảo luận, luyện tập, thí nghiệm, thực hành, bảo vệ kết quả tự học... nhằm kích thích sự hứng thú tham gia học tập. Nghiên cứu bài dạy để tổ chức dạy trực tuyến, giao bài cho học sinh tự học, tự nghiên cứu nhằm tiếp tục duy trì hình thức tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp cũng cần được lưu ý.

Ông Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk nhấn mạnh việc giao quyền tự chủ cho tổ chuyên môn trong việc quản lý kế hoạch giáo dục cá nhân và kế hoạch bài dạy của giáo viên, bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả.

Với xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án) cần bảo đảm các yêu cầu về phương pháp, kỹ thuật dạy học, kiểm tra, đánh giá, thiết bị dạy học và học liệu, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh trong quá trình dạy học. Trong đó dành đủ thời gian cho học sinh khai thác sử dụng SGK, thực hành, thí nghiệm để tiếp nhận và vận dụng kiến thức để thực hiện nhiệm vụ được giao và hoàn thành sản phẩm học tập cụ thể theo yêu cầu của giáo viên.

Giáo viên lựa chọn phương pháp, hình thức dạy học phù hợp với nội dung bài học và điều kiện thực tế của nhà trường; đa dạng hình thức tổ chức dạy học nhằm phát huy tính tự học, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Để xây dựng được kế hoạch bài dạy theo tinh thần đổi mới, theo thầy Trang Minh Thiên, giáo viên phải nghiên cứu thật kỹ chương trình, xác định đúng các năng lực theo yêu cầu cần đạt của môn học; nghiên cứu kỹ nội dung từng bài dạy; lựa chọn kỹ thuật, phương pháp dạy học phù hợp và vận dụng linh hoạt với điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường.

Khi xây dựng kế hoạch bài dạy, giáo viên cần xác định rõ mục tiêu của bài theo đúng yêu cầu cần đạt và năng lực chuyên môn. Tạo cơ hội để học sinh tự đánh giá, trao đổi và phản hồi về quá trình học tập của mình cũng như các bạn.

Giáo viên cần tạo không gian lớp học thân thiện, tôn trọng ý kiến của học sinh và khuyến khích các em bày tỏ suy nghĩ, cảm nhận; đồng thời, thiết lập các quy tắc lớp học phù hợp để tạo ra môi trường học tập có kỷ luật.

“Giáo viên lên lớp phải soạn bài trước; cần linh hoạt đổi mới trong việc biên soạn giáo án cả về nội dung và hình thức. Sở GD&ĐT khuyến khích sự đầu tư sáng tạo của giáo viên trong bài soạn theo hướng thực chất, hiệu quả; chú ý đến bài soạn dạy học trực tuyến để giao bài về nhà và hướng dẫn học sinh tự học”. - Ông Trần Tuấn Khanh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.