Bộ GD&ĐT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn Đại biểu Quốc hội đã ủng hộ chủ trương đẩy mạnh quan hệ quốc tế trong giáo dục và Việt Nam nên đầu tư và xây dựng hệ thống các trường ĐH có chất lượng cao và mang tầm thế giới. Đó là một trong các điều kiện để giáo dục ĐH Việt Nam có khả năng hội nhập quốc tế, thực hiện nhiệm vụ to lớn trong giai đoạn hiện nay là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, là một trong “ba đột phá chiến lược” để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Thực hiện chủ trương này, năm 2005, Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 14 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020, trong đó ghi rõ: Xây dựng một vài trường ĐH đẳng cấp quốc tế... tập trung đầu tư, huy động chuyên gia trong và ngoài nước và có cơ chế phù hợp để xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế.
Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT tiếp tục khẳng định: Ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư và có cơ chế đặc biệt để phát triển một số trường ĐH nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực sớm đạt trình độ khu vực và quốc tế, đủ năng lực hợp tác và cạnh tranh với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu thế giới.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH cũng quy định: Ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục ĐH, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao; phát triển một số ngành đặc thù, cơ sở giáo dục ĐH có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.
Thực hiện các chủ trương, quy định trên, Chính phủ đã có cơ chế đặc thù để xây dựng 2 ĐHQG và 3 ĐH vùng thành các ĐH thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước; có chính sách đầu tư đối với 22 trường ĐH trọng điểm theo các lĩnh vực khác nhau, có cơ chế tự chủ ở mức độ cao cho 23 trường ĐH đi đầu trong đổi mới, sáng tạo và tự đảm bảo kinh phí hoạt động.
Chính phủ cũng đã đầu tư xây dựng 3 trường ĐH “xuất sắc” với sự hợp tác của Chính phủ Việt Nam với các chính phủ Pháp, Đức và Nhật Bản. Các trường này được sự hỗ trợ của nhiều trường ĐH của nước ngoài và đang ngày càng khẳng định được vai trò, “thương hiệu” của mình.
Chủ trương này cũng được lan toả đến nhiều trường ĐH trong hệ thống. Năm 2019, Việt Nam lần đầu tiên có 2 ĐH được vào top 1.000 ĐH hàng đầu thế giới là ĐHQG Hà Nội và ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh; có 7 ĐH được vào top các ĐH hàng đầu châu Á là ĐHQG Hà Nội, ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng (theo Quacquarelli Symonds-QS).
Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 69/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục ĐH giai đoạn 2019 - 2025, trong đó quy định: “Hỗ trợ đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho một số cơ sở giáo dục ĐH theo chuẩn quốc tế, có nhiệm vụ đào tạo nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, đủ sức cạnh tranh với các trường ĐH có uy tín trong khu vực” và “Hình thành một số trung tâm thực hành, thí nghiệm hiện đại dùng chung cho các cơ sở giáo dục ĐH; thí điểm xây dựng một số làng ĐH quốc tế thu hút các cơ sở giáo dục ĐH có uy tín của nước ngoài tham gia đào tạo và nghiên cứu quốc tế”. Hiện nay, Bộ đang chỉ đạo các trường tổ chức thực hiện.