Khởi động...… lại
Dự án Làng ĐH Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1997. Theo quy hoạch, trong 300ha đất dành cho Làng ĐH Đà Nẵng, có 110 ha thuộc TP Đà Nẵng (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) và 190 ha thuộc tỉnh Quảng Nam (xã Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn). Sau đó, UBND TP Đà Nẵng đã cấp đất thuộc khu Quy hoạch chung ĐH Đà Nẵng cho Trường CĐ Công nghệ thông tin Việt Hàn với diện tích là 13,5ha.
Ngày 24/2/2017, sau khi đi thị sát tại dự án Làng ĐH Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương và ĐH Đà Nẵng cùng phối hợp để khởi động lại dự án, chấm dứt tình trạng quy hoạch treo suốt 20 năm qua. Theo đó, Làng ĐH Đà Nẵng là cơ sở để Đà Nẵng và Quảng Nam xây dựng mô hình đô thị ĐH, “sự phát triển của một ĐH chất lượng cao như ĐH Đà Nẵng sẽ là điều kiện bền vững và lâu dài cho địa phương phát triển” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Trong 2 năm qua, ĐH Đà Nẵng đã có nhiều buổi làm việc với chính quyền TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam để đẩy nhanh các công tác chuẩn bị đầu tư. PGS. TS Nguyễn Ngọc Vũ - GĐ ĐH Đà Nẵng cho biết, đã trình Thủ tướng “Đề án Phát triển tổng thể ĐH Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035”; “Đề án thành lập Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để điều chỉnh quy hoạch Dự án Xây dựng Làng ĐH Đà Nẵng.
ĐH Đà Nẵng đã thông báo mời thầu, lựa chọn tư vấn để lập quy hoạch 1/2000; phối hợp với các sở, ngành liên quan của TP Đà Nẵng và Quảng Nam rà soát thực tế và có Báo cáo đề xuất bổ sung nhu cầu vốn đầu tư từ nguồn dự phòng trung hạn giai đoạn 2018 - 2020 trên 1.500 tỷ đồng, trong đó ưu tiên giải phóng mặt bằng và đã được Chính phủ thống nhất bố trí 1.000 tỷ đồng và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt. ĐH Đà Nẵng cũng đã làm việc với Ngân hàng Thế giới hoàn thành đề xuất dự án vay vốn ODA với số tiền 100 triệu USD cùng với ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM, gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT thẩm định, trình Thủ tướng…
|
Xin cơ chế xã hội hóa
Theo PGS. TS Nguyễn Ngọc Vũ, đây là dự án có quy mô lớn, phức tạp, do quy hoạch treo nhiều năm trong khi vốn ngân sách Nhà nước khó khăn và liên quan đến nhiều bộ, ngành và hai địa phương nên thủ tục đầu tư phức tạp, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. Các cơ quan, đơn vị chức năng của hai địa phương đang lập phương án quy hoạch tổng thể khu tái định cư, lấy ý kiến cộng đồng để hoàn thiện, trình lãnh đạo phê duyệt làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo. Tuy nhiên, kết quả công việc phối hợp thực hiện giữa các bên còn nhiều hạn chế do quy định về trình tự, thủ tục và chưa có đồ án quy hoạch.
“Đối với kinh phí đầu tư thực hiện các khu tái định cư, gồm bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư tại chỗ và xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn Đà Nẵng và Quảng Nam hiện vẫn chưa có kế hoạch kinh phí cụ thể và chưa rõ nguồn ngân sách Trung ương hay ngân sách địa phương”, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết. ĐH Đà Nẵng cũng đề xuất phương án đối với 30ha đất ở phía Quảng Nam có mật độ dân cư cao và khu vực mồ mả thì khoanh vùng giữ lại và làm quỹ đất dự phòng, chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng khớp nối với làng ĐH Đà Nẵng.
Về nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới, PGS. TS Nguyễn Ngọc Vũ cho biết, ĐH Đà Nẵng chỉ tự chủ được một phần kinh phí chi thường xuyên nên không đủ khả năng về tài chính để trả các khoản vay lại theo quy định của Chính phủ về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết: Khó nhất hiện nay là giải tỏa, tái định cư. Đà Nẵng đã chủ động giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất đầu tư ngay khu đất 22 ha, dùng ngân sách của TP để giải quyết. Thế nhưng, hiện nay vẫn chưa xác định được chi phí đền bù của Quảng Nam bao nhiêu, Đà Nẵng bao nhiêu, giải ngân thế nào? Cần có kế hoạch cụ thể và ĐH Đà Nẵng phải có bộ phận chuyên trách tập trung giải quyết những vấn đề này.
Nếu không tiến hành song song các thủ tục thì dự án sẽ chậm tiến độ. Về việc giải ngân nguồn vốn trung hạn 1.000 tỷ đồng sau khi được Quốc hội thông qua, ông Huỳnh Đức Thơ đề nghị Bộ GD&ĐT phải có sự phân công, chỉ đạo cụ thể. Ông Thơ cũng đề nghị trong quá trình triển khai thực hiện dự án cần tính phương án xã hội hóa nhằm bổ sung nguồn lực đầu tư, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách Trung ương...
Cùng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Ngọc Vũ đề xuất Bộ GD&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính đề xuất cơ chế cho phép ĐH Đà Nẵng thực hiện xã hội hóa theo hình thức công tư PPP, BT, BOT và chuyển đổi cơ sở vật chất của các đơn vị thành viên trong nội thành TP Đà Nẵng để tạo nguồn vốn đầu tư cho Dự án xây dựng ĐH Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá, dự án Làng ĐH Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn trong suốt quá trình triển khai và cũng đã chậm trong suốt 20 năm qua. “Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm của Chính phủ, dự án đã có những bước chuyển động đáng mừng. Vấn đề là trong thời gian tới phải triển khai nhanh, không thể chậm trễ nữa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
ĐH Đà Nẵng đã thành lập Ban quản lý dự án, chỉ đảm trách các công việc có liên quan đến dự án nên thời gian tới cần tăng cường năng lực của các thành viên trong ban, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giai đoạn tiếp theo. Hàng tháng, ĐH Đà Nẵng cần có báo cáo tiến độ các công việc đã triển khai của dự án, những đề xuất, giải pháp… về Bộ GD&ĐT để Bộ trưởng báo cáo với Thủ tướng Chính phủ nhằm có cơ chế tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng…