Xây dựng cơ chế khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gồm 3 điều.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Chiều 5/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trước thách thức từ quy định xanh của châu Âu (Green Deal) như Thuế carbon (ETS), cơ chế điều chỉnh các bon xuyên biên giới (CBAM) lên hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu vào thị trường châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản...

Đồng thời, xây dựng các công cụ tài chính, cơ chế ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính về thuế, đất đai, lãi vay, cơ chế bảo lãnh vay vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư các dự án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu thông qua cơ chế quỹ.

Nâng cao tính thực tiễn, khả thi của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống luật pháp trong các hoạt động sử dụng năng lượng...

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gồm 3 điều.

Trong đó, Điều 1 về các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gồm 21 khoản liên quan đến các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ của 19 điều của Luật hiện hành.

Điều 2 về hiệu lực thi hành; Điều 3 về điều khoản chuyển tiếp.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, qua nghiên cứu, Ủy ban nhận thấy, hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ chín.

chu-nhiem.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy.

Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu, đánh giá từng nội dung trong 4 nhóm chính sách với các quy định của dự thảo Luật để bảo đảm đồng bộ; các nội dung sửa đổi đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế.

Ủy ban cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, thể chế hóa rõ hơn một số nội dung về cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực cho chuyển đổi công nghệ, phát triển công nghiệp xanh, bền vững và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong điều kiện nguồn năng lượng Việt Nam còn thiếu.

Đồng thời, thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh trên nền tảng công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… nhằm đạt chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng nêu trong Nghị quyết số 55-NQ/TƯ.

Với quy định về Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, có 2 quan điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần tiếp tục nghiên cứu và phải được đánh giá thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng.

Nghiên cứu sử dụng Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; Luật Ngân sách nhà nước, Bộ luật Dân sự đã có quy định về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, quỹ xã hội; không nên quy định về Quỹ này trong dự thảo Luật.

Quan điểm thứ hai tán thành với quy định nêu trên nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW; góp phần thực hiện các cam kết khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và dựa trên tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Ủy ban cơ bản thống nhất với quan điểm thứ hai.

Tuy nhiên, cần nghiên cứu quy định rõ ràng, cụ thể và phù hợp hơn, nhất là quy định về thành lập, quản lý, mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế tài chính và sử dụng Quỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ